TS.
Phạm Phúc Vĩnh
1. Đặt vấn đề
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia
có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Trước năm 1991, do những bất đồng, căng
thẳng trong quan hệ giữa hai nước, nên hoạt động quan hệ hợp tác trong lĩnh vực
văn hóa cũng bị gián đoạn theo. Việc bình thường hóa, phục hồi và phát triển
của quan hệ Việt – Trung từ năm 1991 đến nay là một điều kiện thuận lợi, mở ra
một thời kì mới cho quan hệ hợp tác và giao lưu văn hoá giữa hai nước phát
triển.
Bài viết sẽ tổng kết, đánh giá về hoạt động
quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc từ khi bình
thường hóa đến năm 2006.
2. Quan hệ hợp tác và giao lưu
văn hóa Việt – Trung từ 1991 đến 2006
2.1. Giai đoạn 1991 - 2000
Sau khi hai nước chính thức tuyên bố bình
thường hoá không lâu, ngày 14/12/1991, Đoàn đại biểu Phát thanh – Truyền hình
Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Truyền thanh – Điện ảnh và Truyền hình Lưu Tập
Lương dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị và làm việc với các cơ quan Văn hoá – Thông
tin và Thể thao của Việt Nam.
Từ ngày 20 đến 26/4/1992, Đoàn đại biểu Bộ
Văn hóa – Thông tin Việt Nam do Bộ trưởng Trần Hoàn dẫn đầu đã sang thăm hữu
nghị chính thức Trung Quốc và kí biên bản về kế hoạch hợp tác, trao đổi văn hóa
giữa hai nước năm 1992 – 1993, theo đó hai nước đã thỏa thuận sẽ sớm kí Hiệp
định hợp tác văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cơ sở cho việc nối lại các
hoạt động hợp tác, giao lưu và trao đổi văn hóa – nghệ thuật giữa hai nước. Sau
chuyến thăm này, nhiều đoàn nghệ thuật giữa hai nước đã thực hiện những chuyến
giao lưu biểu diễn nghệ thuật qua lại.
Cuối năm 1992, hoạt động hợp tác và giao lưu
văn hoá Việt – Trung chính thức bước sang giai đoạn khôi phục toàn diện. Từ ngày
15 đến 18/11/1992, Đoàn đại biểu Bộ Văn hoá Trung Quốc do Thứ trưởng Lưu Đức
Hữu dẫn đầu đến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Trong khuôn khổ của chuyến
thăm, ngày 16/11/1992, hai nước đã kí tắt Hiệp định hợp tác văn hoá Việt –
Trung và ngày 02/12/1992, Hiệp định được kí kết chính thức, đặt nền móng cho
việc xây dựng và phát triển lâu dài cho việc hợp tác, giao lưu văn hoá giữa hai
nước trên tinh thần “bình đẳng, khuyến khích giao lưu, tăng cường quan hệ hợp
tác trên các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao, báo chí, phát
thanh, truyền hình, điện ảnh, thư viện, bảo tàng..., thúc đẩy giao lưu hợp tác
trên các mặt biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hợp đồng xuất bản các tác phẩm
văn học ưu tú...”([1]).
Thực hiện Hiệp định văn hóa
giữa Chính phủ hai nước, quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt
– Trung đã từng bước đi vào ổn định và phát triển:
Trong hơn hai năm đầu kể từ
khi Hiệp định hợp tác văn hoá ra đời (1992 - 1994), hai nước đã có 12 lần trao
đổi biểu diễn nghệ thuật (Việt Nam sang biểu diễn ở Trung Quốc 8 lần, Trung
Quốc sang biểu diễn ở Việt Nam 4 lần), Trung Quốc đồng ý giúp Việt Nam xây dựng
bộ phim “Hồ Chí Minh với Trung Quốc”(12/1993), hai nước đã tiến hành nhiều
chuyến thăm và làm việc giữa các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản, phát
thanh, truyền hình([2]).
Sang giai đoạn 1995 – 2000, lãnh đạo ngành
văn hóa hai nước đã không ngừng tiến hành các chuyến viếng thăm và làm việc qua
lại lẫn nhau, đặc biệt là Bộ VH-TT Việt
Nam và Bộ Văn hóa Trung Quốc đã kí kết các Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa
Việt – Trung các năm: 1995, 1996 – 1997, 1998 – 1999 và 1999 – 2000. Sự
tăng cường thúc đẩy của quan hệ văn hóa
của lãnh đạo hai nước đã góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp
tác và trao đổi văn hóa Việt – Trung phát triển mạnh mẽ:
Trong lĩnh
vực giao lưu và biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh, Việt Nam đã cử 4 đoàn nghệ
thuật sang tham dự các liên hoan nghệ thuật quốc tế do Trung Quốc tổ chức, hai
bên đã cử hàng chục đoàn nghệ thuật đi giao lưu và biểu diễn qua lại giữa hai
nước, nhiều bộ phim truyện lịch sử - văn hóa của Trung Quốc tặng cho Việt Nam
đã được phát trên các đài truyền hình trong cả nước như: Chu Ân Lai, Tống Khánh
Linh, Khát Vọng, Tình Châu Giang, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tể Tướng Lưu
Gù, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký,… Các bảo tàng lớn của Việt Nam đã thiết lập quan
hệ hợp tác với các bảo tàng của Trung Quốc: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bảo tàng
Lịch sử Cách mạng Quảng Đông; Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nhà tưởng niệm Chu Ân Lai;
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc; Bảo tàng lịch sử
Việt Nam – Bảo tàng tỉnh Vân Nam.
Ngoài ra,
các trường nghệ thuật giữa hai nước cũng đã tiến hành các hoạt động hợp tác
giao lưu trong lĩnh vực chuyên môn và khoa học như: Nhạc viện Hà Nội – Học viện
âm nhạc Thượng Hải; Trường Cao đẳng múa Việt Nam – Học viện múa Bắc Kinh;
Trường múa Thành phố Hồ Chí Minh – Trường múa Quảng Đông; Trường Cao đẳng Sân
khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh – Học viện Sân khấu Bắc Kinh; Học viện Mỹ
thuật Thiên Tân – Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các Hội nghệ thuật
giữa hai nước cũng thường xuyên giao lưu, hợp tác với nhau về vấn đề nghiên
cứu, học thuật.
Có thể nói, những thành tựu trong quan hệ, hợp tác và giao lưu văn hóa
Việt – Trung giai đoạn 1991 – 2000 đã đưa hai nền văn hóa Trung – Việt vốn có
nhiều điểm tương đồng ngày càng gần gũi nhau hơn, góp phần thực hiện mục tiêu
tăng cường hiểu biết và thắt chặt quan hệ giữa hai dân tộc Việt – Trung mà lãnh
đạo hai nước đã đề ra.
2.2. Giai đoạn 2001 - 2006
Kế thừa những kết quả hợp tác, giao lưu văn
hóa giữa hai nước trong giai đoạn 1995 – 2000, lãnh đạo hai nước đã không ngừng
củng cố và phát triển quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nước. Theo Kế
hoạch thực hiện Hiệp định hợp tác văn hóa Việt – Trung năm 2000 – 2001 (kí
ngày 15/12/1999), hai bên đã thực hiện trao đổi các đoàn đại biểu, các đoàn
nghệ thuật, cán bộ chuyên ngành, trao đổi thông tin, giới thiệu tác phẩm nghệ
thuật của hai nước.
Tiếp tục triển khai Hiệp định Văn hóa trong
thế kỉ mới, Bộ trưởng Bộ VH – TT Việt Nam Phạm Quang Nghị và Bộ trưởng Bộ Văn
hóa Trung Quốc Tôn Gia Chính đã ký Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hóa năm
2002 – 2003 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc (10/10/2001). Trong
chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Hội nghị Á – Âu về văn hóa, văn minh tại Bắc
Kinh (02 - 07/12/2003), Bộ trưởng Bộ VH - TT Phạm Quang Nghị và Bộ trưởng Bộ
Văn hóa Trung Quốc Tôn Gia Chính đã ký kết Chương trình thực hiện Hiệp định Văn
hóa giữa Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2004 – 2006.
Cùng với việc xác định nội dung hợp tác trong
từng giai đoạn như trên. Bộ Văn hóa hai nước cũng đã tiến hành thường xuyên các
hoạt động thăm viếng, làm việc và trao đổi qua lại lẫn nhau để triển khai các
kế hoạch đó. Trong vòng 6 năm (2001 - 2006), hai bên đã cử tất cả 12 lượt đoàn
đại biểu cấp cao của Bộ Văn hóa thăm và làm việc lẫn nhau. Kết quả trong 6 năm
đầu thế kỉ XXI, cùng với sự phát triển ổn định của quan hệ Việt – Trung, ngành
văn hóa nghệ thuật hai nước đã tiến một bước dài trên con đường hợp tác và giao
lưu:
Chương trình hợp tác và giao lưu giữa các bảo
tàng và các trường đào tạo nghệ thuật, văn hóa tiếp tục được củng cố và mở
rộng. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí của hai nước đã có những quan hệ hợp tác
chặt chẽ với nhau trong giai đoàn này như: Thông tấn xã Việt Nam – Tân hoa xã;
Đài tiếng nói Việt Nam – Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc; Báo Nhân dân – Nhân
dân Nhật báo; Hội nhà báo hai nước, Đài truyền hình Việt Nam – Đài truyền hình
Trung ương Trung Quốc. Ngoài ra, Hoạt động giao lưu, trao đổi của Hội văn học
nghệ thuật, văn hóa dân gian giữa hai nước ngày một thường xuyên và sâu sắc
hơn.
Trong hoạt động hợp tác và giao lưu nghệ
thuật, Việt Nam
đã cử nhiều đoàn nghệ thuật sang tham dự những liên hoan nghệ thuật quốc tế do
Trung Quốc tổ chức và đi giao lưu, biểu diễn ở hai nước. Một hoạt động giao lưu
văn hóa khác cũng không kém phần ý nghĩa đó là giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực
điện ảnh. Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục hợp tác thực hiện một số bộ phim lịch
sử về Bác Hồ ở Trung Quốc, tặng cho Việt Nam nhiều bộ phim về văn hóa, lịch sử
của Trung Quốc để phát trên sóng của các đài truyền hình trung ương và địa
phương của Việt Nam.
Có thể nói, bước sang thế kỷ XXI, những kết
quả đạt được trong quan hệ hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam và Trung
Quốc là vô cùng to lớn. Trong tương lai, sự phát triển mạnh mẽ và ổn định lâu
dài của quan hệ Việt – Trung sẽ tạo ra một động lực thúc đẩy nhu cầu trao đổi,
tìm hiểu và giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc. Ngược lại, việc đẩy mạnh quan hệ
hợp tác, giao lưu văn hóa Việt – Trung cũng sẽ góp phần tăng cường hiểu biết
lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, xây dựng mối quan hệ Việt - Trung như mong
muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn
diện, ổn đinh lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn
bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”.
3. Một số nhận xét, đánh giá
Thứ nhất, hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa giữa
Việt Nam
và Trung Quốc từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay diễn ra rất mạnh mẽ, phong
phú, đa dạng. Những kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực quan hệ này đã góp phần tăng
cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy sự phát triển của
quan hệ Việt – Trung nói chung.
Thứ hai, hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa nghệ
thuật giữa hai nước tuy diễn ra theo hướng hai chiều, nhưng trong đó Việt Nam chịu
tác động và ảnh hưởng lớn của văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc. Chẳng hạn như
trong thời gian qua, Trung Quốc đã tặng cho Việt Nam rất nhiều bộ phim về lịch sử,
văn hóa Trung Quốc. Do thiếu kinh phí sản xuất và mua bản quyền các phim từ
nước ngoài, nên các đài truyền từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã phát sóng rộng rãi, nhiều lần những bộ
phim này, tạo điều kiện cho văn hóa Trung Quốc phổ biến rộng rãi tại Việt Nam .
Thứ ba, sự tương đồng văn hoá, chính trị và sự phát triển ổn định trong quan
hệ giữa hai nước là môi trường thuận lợi cho hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa
hai nền văn hoá Trung - Việt trong tương lai. Trung Quốc đang không ngừng phát
triển mạnh mẽ, sức lan tỏa của nền văn hoá Trung Hoa vì thế sẽ mạnh lên trên
mọi phương diện. Mặt khác, Trung Quốc đang có chủ trương mở rộng ảnh hưởng của
nền văn hóa ra bên ngoài, đặc biệt là đối với các nước có truyền thống quan hệ
lâu đời và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc như Việt Nam. Do đó, trong quá
trình phát triển quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Việt Nam cần phải có
những chính sách thích hợp để bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước
những tác động này.
Tài liệu tham
khảo
1. “Bước phát triển mới của quan hệ
Trung Quốc – Việt Nam
trong thế kỉ mới”, Tài
liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN), ngày
06/02/2002, tr. 01 – 06.
2. Nguyễn Văn Căn (2000), “Quan hệ
giao lưu văn hóa Việt – Trung từ 1993 đến 1999”, Tạp
chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số 3(31), tr. 46 – 52.
3. Trần Văn Độ (Chủ biên) (2002), Quan hệ
Việt Nam
– Trung Quốc những sự kiện 1991 – 2000, Nxb KHXH, Hà
Nội.
4. Quách Minh (Chủ biên) (1993), “Diễn biến quan hệ Trung –
Việt trong 40 năm qua”, Bản dịch, Thông tin số: 6/93, Vụ Trung Quốc – Bộ Ngoại Giao Việt Nam , Hà Nội.
5. “Tiền Kì Tham nói về công tác đối ngoại của Trung Quốc”, Tài
liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN), ngày
04/01/1993, tr. 01 – 04.
6. Trung tâm KHXH & NV Quốc gia – Trung tâm NC Trung Quốc
(2001), Quan hệ kinh tế văn hoá Việt Nam – Trung Quốc: Hiện trạng và
triển vọng – Kỉ yếu hội thảo khoa học, Nxb KHXH, Hà
Nội.
7. UBND
tỉnh Lạng Sơn –Trung tâm KHXH & NV Quốc gia (2002), Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc nhìn lại 10 năm và
triển vọng (kỉ yếu hội thảo khoa học), Nxb KHXH, Hà Nội.
8. Viện
Nghiên cứu Trung Quốc (2005), Việt Nam – Trung Quốc tăng
cường hợp tác cùng nhau phát triển hướng tới tương lai (Kỉ yếu hội thảo khoa
học),
Nxb KHXH, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét