Phạm
Phúc Vĩnh
Đến giữa thập
niên 80, những khó khăn xuất phát từ tình trạng căng thẳng kéo dài ở tuyến biên
giới trên bộ, trên biển Việt Nam - Trung Quốc và vấn đề Campuchia, cùng với tác
động của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của khối XHCN…, đã góp phần làm cho
Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng. Yêu cầu đặt ra lúc này là Việt Nam phải tạo môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ sự ủng hộ
của cộng đồng quốc tế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Để tạo môi
trường hòa bình, ổn định, góp phần thực hiện thành công mục tiêu trên, Từ năm
1985, Việt Nam liên tiếp đưa ra những tuyên bố và hành động nhằm tìm cách giảm
căng thẳng, từng bước tiến tới nối lại đàm phán, khôi phục quan hệ với Trung
Quốc:
Ngày 12 tháng
8 năm 1985, Việt Nam đưa ra tuyên bố “Việt Nam sẽ rút hết quân khỏi
Campuchia vào năm 1990, hoặc có thể sớm hơn”[1]
và đề nghị đàm phán bí mật với Trung Quốc về những vấn đề liên quan. Nhưng phía
Trung Quốc chỉ đưa ra tuyên bố “Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút ngay quân
khỏi Campuchia, không kéo đến năm 1990”[2]
mà không đáp lại đề nghị đàm phán của Việt Nam.
Tiếp đó, Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp
tục xác định: “Việt Nam sẵn sàng đàm phán với
Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu, nhằm bình thường hoá
quan hệ giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ở Đông Nam
Á”[3].
Thực hiện mục tiêu của Đại
hội VI, ngày 11 tháng 10 năm 1987, Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Campuchia đã ra
Thông cáo chung về việc rút (đợt 6) quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về
nước trong tháng 11 năm 1987. Ngày 26 tháng 5 năm 1988, Việt Nam tiếp tục tuyên
bố rút 5 vạn quân và Bộ tư lệnh Việt Nam tại Campuchia.
Năm 1988, Việt Nam đã bỏ
những nội dung chống đối Trung Quốc trong lời nói đầu của bản Hiến pháp.
Ngày 15 tháng 7 năm 1988,
ngoại trưởng Việt Nam – Nguyễn Cơ Thạch đã đề nghị một loạt các biện pháp nhằm
giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước như chấm dứt hoạt động vũ trang ở
biên giới đất liền, hải đảo, giãn quân về tuyến sau để tránh xung đột, tạo điều
kiện cho nhân dân vùng biên giới qua lại thăm viếng lẫn nhau. Đồng thời, phía
Việt Nam cũng đơn phương thực hiện những đề nghị này mà không đòi hỏi phía
Trung Quốc đáp lại…
Trung Quốc đã đáp lại bằng cách tiến hành
đàm phán với Liên Xô về vấn đề Campuchia và thông qua Liên Xô để dàn xếp cho
những bứơc đi đầu tiên trên con đường nối lại đàm phán; tháng 11 năm 1988, thứ
trưởng ngoại giao Liên Xô đã sang thăm và trao đổi ý kiến với Bộ ngoại giao
Việt Nam về lập trường của Trung Quốc và Liên Xô trong việc giải quyết vấn đề
Campuchia, đồng thời thông báo cho Việt Nam về việc Bộ trưởng bộ ngoại giao
Trung Quốc Tiền Kì Tham sẽ thăm Liên Xô vào tháng 12 năm 1988.
Với chủ trương nhanh chóng nối lại đàm phán và khôi
phục quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã đề nghị Liên Xô thông báo cho Trung
Quốc biết lập trường của Việt Nam là: sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với
Trung Quốc, rút hết quân tình nguyện ở Campuchia về nước trong năm 1990 như đã
tuyên bố.
Ngày 01 tháng 12 năm 1988, trong chuyến thăm chính
thức Liên Xô, Bộ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc – Tiền Kì Tham đã được phía
Liên Xô thông báo lại lập trường của Việt Nam trong việc tìm giải pháp cho vấn
đề Campuchia và khôi phục quan hệ giữa hai nước, đồng thời thông báo với ngoại trưởng Trung
Quốc Tiền Kì Tham rằng “cuộc đối
thoại giữa Việt Nam và Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với vấn đề
Campuchia”[4].
Tiếp tục những nỗ lực nhằm
thúc đẩy Trung Quốc nối lại đàm phán, tại lễ kỉ niệm 10 năm quốc khánh nước
Cộng Hoà Nhân Dân Campuchia (06/01/1989), Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã đưa ra
tuyên bố: “Việt Nam hoàn toàn nhất trí với Cộng Hoà Nhân Dân Campuchia về
việc Việt Nam rút hết quân tình nguyện Việt Nam còn lại ở Campuchia vào tháng 9
năm 1989 (sớm hơn 1 năm so với tuyên bố trước đó - TG) với điều kiện nước ngoài
chấm dứt viện trợ quân sự cho tất cả các bên Campuchia...”[5].
Cuối cùng, Trung Quốc đã chủ động đề nghị Việt Nam
cử một thứ trưởng ngoại giao đi Bắc Kinh vào giữa tháng 01 năm 1989 để trao đổi
với Trung Quốc về vấn đề Campuchia và bình thường hoá quan hệ Việt – Trung,
chuẩn bị cho cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao hai nước như lời đề nghị của Liên
Xô.
Sau cuộc gặp cấp Thứ trưởng ngoại giao đầu tiên, hai
bên cũng chỉ đạt được thoả thuận về việc Việt Nam rút quân vào tháng 9 năm
1989, Trung Quốc và Việt Nam chấm dứt viện trợ quân sự cho các bên Campuchia...
còn lại một số vấn đề khác vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung và hai bên đã
đi đến thống nhất tiếp tục đàm phán cấp thứ trưởng vòng hai. Đồng thời, Trung
Quốc cũng cho Việt Nam biết rằng “nếu cuộc gặp vòng hai có kết quả
và vấn đề Campuchia có tiến triển thì Trung Quốc mới khẳng định việc tổ chức
cuộc gặp hai bộ trưởng ngoại giao của hai nước”[6] để đi đến bình thường hoá.
Để vô hiệu hoá “con bài rút quân” của Trung Quốc,
Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực trong hội nghị quốc tế lần thứ nhất về
vấn đề Campuchia tại Paris (vòng 1: từ 30/7 đến 01/8, vòng 2: từ 28/8 đến 30/8)
và đến 26 tháng 9 năm 1989, Việt Nam đã rút quân tình nguyện còn lại ở
Campuchia cùng toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh dưới sự quan sát của
cộng đồng quốc tế.
Từ năm 1989 trở đi, những
biến đổi của tình hình thế giới, khu vực và nhu cầu giao lưu, trao đổi giữa
nhân dân hai nước… đã tạo nên nhiều động lực thúc đẩy chính quyền Trung Quốc
đẩy mạnh đàm phán, khôi phục quan hệ với Việt Nam:
Thứ nhất, liên minh Trung -
Mĩ với mục đích chống Liên Xô và liên minh Trung Quốc – ASEAN chống lại Việt
Nam giờ đây đã không còn lí do để tồn tại khi mà quan hệ Mĩ – Xô không còn đối
đầu, Việt Nam đã rút quân khỏi Campuchia và ngay cả bản thân Trung Quốc cũng
đang bị Mĩ, Nhật và phương Tây thi hành chính sách cấm vận sau sự kiện chính
quyền Trung Quốc đàn áp đẫm máu những người biểu tình tại Thiên An Môn (04/6/1989).
Thứ hai, sau một thời kì dài
mất ổn định vì vấn đề Campuchia, các nứơc Đông Nam Á rất muốn khôi phục nền hòa
bình và ổn định trong khu vực để phát triển. Việt Nam đang trở thành một nhân
tố tích cực trong việc xây dựng Đông Nam Á hoà bình và ổn định. Cho nên việc
Trung Quốc tiếp tục đối đầu với Việt Nam sẽ làm tăng thêm những mối lo ngại của
các nước Đông Nam Á, gây cản trở cho việc cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với
các nứơc này.
Thứ ba, mặc dù quan hệ Việt – Trung chưa chính thức
được nối lại, nhưng những hoạt động giao lưu buôn bán giữa nhân dân vùng biên
giới hai nước đã diễn ra mạnh mẽ: từ sau khi Việt Nam ra văn bản số 118
(01/1989) chính thức cho nhân dân hai bên biên giới tự do xuất nhập cảnh và
việc Trung Quốc lần lượt mở cửa một số điểm buôn bán công khai ở biên giới từ
năm 1988 đến 1989 đã hình thành nên “khoảng 300 điểm buôn bán trên
đường biên giới dài 1350 km ở Quảng Tây và Vân Nam”[7].
Việc giao thương
tấp nập qua biên giới ở trên cho thấy những nhu cầu trao đổi, hợp tác kinh tế
giữa hai nước là rất lớn. Theo phân tích của BBC tối 1/8/1991 thì “buôn
bán với Việt Nam thực tế sẽ mang lại lợi ích cho những tỉnh ở sâu trong nội địa
Hoa lục tương đối ít ỏi và không có được những liên hệ thuận lợi với bên ngoài
và sản phẩm bán sang cho Việt Nam xem ra cũng có vẻ là những mặt hàng chế tạo
tại chỗ. Buôn bán như vậy mang lại lợi lộc và ăn chắc hơn cho Trung Quốc...”[8].
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là thị trường dành
riêng để chờ Trung Quốc, theo đại diện Bộ kinh tế đối ngoại Trung Quốc thì “từ
khi Việt Nam thực hiện chính sách mở
cửa, các nước Nhật, ASEAN, Mĩ đang tìm kiếm chỗ bán hàng của họ ở thị trường
Việt Nam. Nhưng so với các nước khác thì Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn trong
buôn bán và hợp tác kinh tế với Việt Nam”[9], nếu Trung Quốc không nhanh
chóng khôi phục quan hệ với Việt Nam thì sẽ không thể phát huy được những ưu
thế của mình.
Rõ ràng là việc
tiếp tục đối đầu với Việt Nam chắc chắn sẽ không còn phù hợp với chính sách
Đông Nam Á của Trung Quốc lúc này nữa;
Trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á vào tháng 8
năm 1990, Thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng đã đưa ra tuyên bố “Trung
Quốc hy vọng cuối cùng sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và sẵn sàng thương lượng và hợp tác về vấn đề Trường Sa”[10].
Sau chuyến thăm này, Trung
Quốc đã chủ động đề nghị Việt Nam đàm phán bí mật với Trung Quốc tại Thành Đô;
từ ngày 03 đến ngày 04 tháng 9 năm 1990, cuộc đàm phán bí mật Việt – Trung đã
diễn ra tại Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên). Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên
của các vị lãnh đạo cấp cao của hai nước kể từ khi mối quan hệ Việt – Trung xấu
đi. Theo ông Lưu Văn Lợi thì nội dung đạt được của cuộc hội nghị bí mật này là:
Hai bên đã đồng ý đồng thời với việc giải quyết toàn diện công bằng và hợp lí
vấn đề Campuchia, từng bước cải thiện quan hệ giữa hai nước, hai Đảng, tiến tới
thực hiện bình thường hoá.
Từ sau cuộc đàm phán, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đã
đẩy mạnh tiến trình khôi phục quan hệ giữa hai nứơc;
Báo cáo tại kì họp thứ tư,
Quốc hội Trung Quốc khoá VII ngày 25 tháng 3 năm 1991, Thủ tướng Lý Bằng đã tuyên
bố: “Chúng ta hy vọng phía Việt Nam và Phnômpênh xuất phát từ cục diện lớn
hoà bình ổn định trong khu vực này và lợi ích căn bản của nhân dân Campuchia,
thuận theo trào lưu lịch sử, có thái độ hiện thực làm cho vấn đề Campuchia sớm
được giải quyết…
Cùng với sự tiến triển của
việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, quan hệ Việt - Trung dã bắt đầu tan
băng cũng sẽ được phục hồi từng bước”[11].
Về phía Việt Nam, Báo cáo của Ban chấp hành Trung
ương khoá VI về các văn kiện trình Đại hội VII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn
Văn Linh đọc sáng ngày 24 tháng 6 năm 1991 cũng xác định: “phấn
đấu góp phần sớm đạt một giải pháp chính trị toàn bộ về vấn đề Campuchia, trên
cơ sở tôn trọng chủ quyền của Campuchia và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Thúc đẩy
quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Trung, từng bước mở rộng hợp tác Việt
– Trung, giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước thông qua thương lượng”[12].
Tại cuộc hội đàm bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc
giữa Đồng chí Lê Đức Anh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh (Từ 28/7
đến 02/8/1991), Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc - Giang Trạch Dân đã phát
biểu “chúng ta là hai nước láng giềng, hai đảng cộng sản
cầm quyền, không có lí do gì không xây dựng quan hệ láng giềng, hữu hảo với
nhau”[13] và mời đoàn đại biểu cấp cao của
Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 11 năm
1991.
Trong khi tiến trình đàm phán đang diễn ra tích cực,
ngày 23 tháng 10 năm 1991, Hiệp định Paris về Campuchia được kí kết. Những trở
ngại cuối cùng của tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt – Trung đã được tháo
gỡ.
Từ ngày 05 đến ngày 10 tháng 11 năm 1991, Tổng Bí
thư Đảng Cộng Sản Việt Nam – Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng
Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Võ Văn Kiệt đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao
Việt Nam thăm chính thức Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Hai bên đã ra thông
cáo chung tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là sự kiện đánh dấu
sự chấm dứt giai đoạn không bình thường trong quan hệ giữa hai nứơc, mở đầu cho
một thời kì phát triển mới của quan hệ Việt – Trung.
Như vậy, Về mặt khách quan, sự khôi phục của mối
quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (11/1991) là một kết quả tất yếu xuất phát từ yêu
cầu phát triển của cả hai nước, từ yêu cầu hoà bình, ổn định trong khu vực và
sự vận động của tình hình quan hệ quốc tế.
Nhìn từ phía Việt Nam, đây là kết quả của quá trình
chủ động, tích cực và sáng tạo của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy Trung Quốc
nối lại đàm phán, khôi phục quan hệ. Và trong một chừng mực nhất định, có thể
nói rằng đây là một thắng lợi của Việt Nam trong quá trình đấu tranh ngoại giao
với Trung Quốc nói riêng và thắng lợi của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
đa dạng hoá, đa phương hoá của Việt Nam từ sau đổi mới nói chung. Sự phát triển
ổn định và những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước trong thời gian qua
chắc hẳn có sự đóng góp của thắng lợi này.
Tài liệu tham khảo:
1.
Lí Bằng (1991), Báo cáo tại kì họp hàng năm Quốc
Hội Trung Quốc, Tài liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN), Thứ năm, ngày 28/3/1992.
2.
Bộ Ngoại giao Việt Nam (1979), Sự thật về quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb
Sự Thật, Hà Nội.
3.
Đảng Cộng Sản Việt Nam (1982), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (tập 1), Nxb
Sự Thật, Hà Nội.
4.
Đảng Cộng Sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb
Sự Thật, Hà Nội.
5.
Đảng Cộng Sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb
Sự Thật, Hà Nội.
6.
Trần Văn Độ (Chủ biên) (2002), Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc những sự kiện 1991 – 2000, Nxb
KHXH, Hà Nội.
7.
Lưu Văn Lợi (1998), Năm
mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 – 1995 (tập 2), Nxb
CAND, Hà Nội.
8.
Thông Tấn Xã Việt Nam (1991), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 26/6/1991.
9.
Thông Tấn Xã Việt Nam (1991), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 05/8/1991.
10.
Thông Tấn Xã Việt Nam (1991), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 27/9/1991.
11.
TS. Vũ Quang Vinh (2001), Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại (1986 – 2000), Nxb
Thanh Niên, Hà Nội.
[1],
Lưu Văn Lợi (1998), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 – 1995
(tập 2), Nxb CAND, Hà Nội, Trang 204.
[2] Lưu
Văn Lợi (1998), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 – 1995 (tập 2), Nxb
CAND, Hà Nội, Trang 204.
[3] Đảng
Cộng Sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI,
Nxb Sự Thật, Hà Nội, Trang 107.
[4] TS.
Vũ Quang Vinh (2001), Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại
(1986 – 2000), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, Trang 70.
[5] TS.
Vũ Quang Vinh (2001), Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại
(1986 – 2000), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, Trang 70.
[6] TS.
Vũ Quang Vinh (2001), Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại
(1986 – 2000), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, Trang 73.
[7] Thông
Tấn Xã Việt Nam (1991), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 26/6/1991,
Trang 3.
[8] Thông
Tấn Xã Việt Nam (1991), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 05/8/1991,
Trang 10.
[9] Dẫn
theo: Trần Văn Độ (Chủ biên) (2002), Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc những
sự kiện 1991 – 2000, Nxb KHXH, Hà Nội. Trang 40.
[10] Lưu
Văn Lợi (1998), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 – 1995 (tập 2), Nxb
CAND, Hà Nội. Trang 208.
[11]
Lí Bằng (1991), Báo cáo tại kì họp hàng năm Quốc Hội Trung Quốc, Tài liệu tham
khảo đặc biệt (TTXVN), Thứ năm, ngày 28/3/1992. Trang 3.
[12] Đảng
Cộng Sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII,
Nxb Sự Thật, Hà Nội. Trang 89.
[13] Trần
Văn Độ (Chủ biên) (2002), Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc những sự kiện 1991
– 2000, Nxb KHXH, Hà Nội. Trang 25.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét