TS. Phạm Phúc Vĩnh
Đặt vấn đề
Từ khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa
đến nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam bắt đầu được xúc tiến
và phát triển, đặc biệt từ năm 2001 đến nay (2006), nguồn vốn đầu tư này của
Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, góp phần nhất định đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối
mặt với không ít những khó khăn, thách thức từ những dự án này.
Thực trạng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt
Nam từ 2001 đến 2006 diễn ra như thế nào? Các dự án này đã tác động tích
cực và tiêu cực như thế nào đối với nền kinh tế và đời sống xã hội Việt
Nam? Đó là những nội dung sẽ được đề cập đến trong bài viết này.
1. Nhu cầu chuyển dịch nguồn vốn
đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam
Sang đầu thế kỉ XXI, nhu cầu chuyển dịch nguồn
vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam
được thúc đẩy bởi các nhân tố sau:
Thứ nhất,
việc gia nhập WTO đã mang lại cho Trung Quốc nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất
lớn. Sau một thời gian hội nhập, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã có sự phân
hoá mạnh mẽ: một bộ phận doanh nghiệp nâng cao được trình độ sản xuất, tăng
cường được năng lực cạnh tranh, dẫn đến việc không thoả mãn với môi trường đầu
tư và thị trường trong nước, đòi hỏi phải vươn ra nước ngoài để tìm một không
gian phát triển rộng lớn hơn. Mặt khác, một bộ phận doanh nghiệp của Trung Quốc
không đủ sức nâng cao trình độ sản xuất và không thể cạnh tranh được ở thị
trường trong nước, phải chuyển hướng đầu tư sang những khu vực, quốc gia có
trình độ sản xuất thấp hơn.
Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, đang tiến
hành đổi mới và “mở cửa”, môi trường đầu tư khá rộng lớn, đa dạng, nền sản xuất
còn lạc hậu hơn so với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Đây là điều kiện thuận
lợi để các công ty của Trung Quốc có số vốn ít, công nghệ thấp chuyển vốn đầu
tư sang Việt Nam .
Thứ hai,
nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc thuộc nhóm dệt may, giày da, đồ gỗ đang
bị các nước Châu Âu và Mĩ áp dụng thuế chống phá giá gây khó khăn lớn cho các
doanh nghiệp Trung Quốc. Để tránh bị đánh thuế cao tại các thị trường này,
nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam để thay đổi nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Thứ ba,
khu vực tự do mậu dịch Trung Quốc – ASEAN với thị trường hơn 2 tỉ dân đã được
thông qua (2002) và chính thức khởi động bằng Chương trình thu hoạch sớm từ năm
2004 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại cho các bên. Khi đó, những lợi
thế về địa lí của Việt Nam
đối với Trung Quốc và ASEAN bắt đầu có điều kiện để phát huy tác dụng.
Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) hình thành từ năm
2003 đến năm 2006, trong điều kiện khu vực tự do mậu dịch Trung Quốc – ASEAN
chưa phát triển đầy đủ, hàng hoá mang thương hiệu Trung Quốc được sản xuất tại
Việt Nam sẽ có một lợi thế lớn trong việc thâm nhập thị trường ASEAN. Do đó,
các nhà đầu tư Trung Quốc có thể lấy Việt Nam
làm bàn đạp để thâm nhập thị trường ASEAN.
Thứ
tư, nền kinh tế của hai nước trong những năm đầu thế kỉ XXI liên tục
tăng trưởng với tốc độ cao[1].
Sự tăng trưởng này đã tạo ra tiềm lực cho các doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu
tư ra nước ngoài. Đặc biệt, kế hoạch 5 năm lần thứ 10 về phát triển kinh tế -
xã hội quốc gia (2001 - 2005) đặt ra chiến lược cho Trung Quốc là phải “chủ
động tận dụng tài nguyên thiên nhiên nước ngoài”[2],
từ năm 2004, chiến lược “hướng đến toàn cầu” (hay “hướng ngoại”) của Trung Quốc
chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên của nước này, cả ở khu
vực lẫn toàn cầu.
Sự phát
triển của Trung Quốc đang đặt ra một yêu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu,
khoáng sản: năm 2002, Trung Quốc trở thành “nước tiêu thụ đồng và cao su thiên
nhiên lớn nhất thế giới và đến năm 2005 đã trở thành nước tiêu dùng nhôm, kẽm
và kền lớn nhất thế giới”[3].
Chính vì vậy, Trung Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích bằng cách trợ cấp
cho các công ty đầu tư vào việc tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài. Đây
là nhân tố quan trọng tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào các
nước có nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có Việt Nam .
Thứ
năm, quan hệ chính trị - ngoại giao ổn định, lãnh đạo hai nước không
ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ, đặc biệt là phía Trung Quốc đã có những cam
kết khuyến khích các công ty lớn có uy tín của Trung Quốc tăng cường đầu tư
sang Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và giảm bớt thâm hụt thương mại cho
Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Bên
cạnh đó, trong những năm đầu thế kí XXI, Việt Nam đã ban hành Luật đầu
tư để hoàn chỉnh cơ sở pháp lí, tạo môi trường thông thoáng cho các
nhà đầu tư nước ngoài, và ban hành các chính sách ưu đãi trong đầu
tư để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung
và của Trung Quốc nói riêng tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong giai
đoạn này.
2. Tình hình đầu tư trực tiếp của Trung
Quốc vào Việt Nam từ 2001 đến 2006
Xuất phát từ những điều kiện khách quan và chủ quan
thuận lợi trên, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn
2001 – 2006 tăng mạnh: tổng số dự án đăng kí mới là 397 dự án (tăng trung bình
192%/năm) với tổng vốn đầu tư là 1.078,6 triệu USD (tăng trung bình 231%/năm).
Số dự án đầu tư đăng kí mới/tổng số vốn đăng kí mới cụ thể là:
năm 2001: 45 dự án/61,6 triệu USD, 2002: 58 dự án/74,8 triệu USD, 2003: 83
dự án/328,6 triệu USD, 2004: 70 dự án/91,6 triệu USD, 2005: 46 dự án/120,0
triệu USD, 2006: 77 dự án/401,0 triệu USD[4].
Quy mô các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đăng
kí tại Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2006 đã tăng đáng kể so với giai đoạn
trước (số vốn đầu tư trung bình trong giai đoạn này đã tăng lên 2,85 triệu
USD/dự án), đặc biệt đáng mừng là càng về sau, quy mô đầu tư của các dự án càng
lớn dần (năm 2001 đạt trung bình 1,37 triệu USD/dự án đến năm 2006 đã
lên đến 5,21 triệu USD/dự án).
Tuy vậy, nếu so sánh với các dự án FDI của các nước
khác tại Việt Nam, thì quy mô của các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc
vẫn còn quá nhỏ. Chẳng hạn như: các dự án FDI của Thái Lan tại Việt Nam cùng giai đoạn này có số vốn đầu tư trung
bình khoảng trên 10,8 triệu USD/1 dự án (gấp hơn 3,79 lần so với Trung Quốc).
Quy mô các dự án FDI của các nước khác như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản,
Hàn Quốc, EU… tại Việt Nam cũng có số vốn lớn hơn.
Xét về cơ cấu đầu tư, nguồn vốn FDI của Trung Quốc vào
Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XXI phần lớn tập trung vào những lĩnh vực
đòi hỏi ít vốn, không yêu cầu cao về mặt kĩ thuật - công nghệ, nhanh thu hồi
vốn như: khách sạn, nhà hàng, xây dựng hạ tầng công nghiệp, công nghiệp
nhẹ, trong đó chủ yếu là dệt may, dày da, chế biến đồ gỗ, sản xuất lắp ráp đồ
điện dân dụng, sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy, thuốc trừ sâu, gia công
gương kính, giấy vệ sinh, đồ chơi trẻ em, sản xuất gạch men gốm sứ, hoặc tập
trung vào các dự án khai thác và tuyển luyện khoáng sản để xuất khẩu
sang Trung Quốc. Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu
tư, tính đến đầu năm 2006, các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp
nhẹ, công nghiệp thực phẩm và xây dựng chiếm đến 71,79% số lượng dự
án (257/358 dự án) và 61,34% vốn (455.273.460/742.231.362USD) trong tổng
số FDI của Trung Quốc tại Việt Nam đang còn hiệu lực[5].
So với giai đoạn 1995 – 2000, tổng số dự án đầu tư
trực tiếp của Trung Quốc đăng kí mới tại Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2006
đã tăng gấp 18 lần về số dự án và gấp 9 lần về vốn, số vốn trung bình tăng gấp
2 lần. Tính đến hết năm 2006, tổng số vốn FDI của Trung Quốc chiếm 1,8% tổng số
vốn FDI của Việt Nam, xếp thứ 15 trong số các nước có tỉ trọng góp vốn đầu tư
lớn nhất vào Việt Nam (14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác có tỉ trọng vốn đầu tư
lớn nhất vào Việt Nam là: Đài Loan chiếm 23%, Nhật Bản chiếm 15,6%, Hàn Quốc
chiếm 10,8%, Liên Bang Nga chiếm 6,9%, Singapore chiếm 6,7%, Hàn Lan chiếm
4,4%, Hồng Kông chiếm 4,3%, Mĩ chiếm 4,2%, Pháp chiếm 2,7%, Anh chiếm 2,6%,
Thái Lan chiếm 2,5%, Oxtrâylia chiếm 2,2%, Thụy Sĩ chiếm 2,2%)[6].
Thực trạng đầu tư trên đã phản ánh đúng thực tế nhu
cầu đa dạng của thị trường Việt Nam đang trong thời kỳ đầu công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước và năng lực tài chính, kỹ thuật và công nghệ sản xuất có
hạn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc trong giai đoạn này.
Với đà tăng trưởng ổn định, mạnh mẽ của nền kinh tế
Việt Nam và Trung Quốc, sự thúc đẩy của lãnh đạo hai nước trong việc xây dựng
và phát triển quan hệ Việt – Trung và đặc biệt là những điều kiện thuận lợi
xuất phát từ xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá hiện nay và xu thế tăng
trưởng liên tục trong hoạt động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào
Việt Nam như trên, hoạt động đầu tư trực tiếp giữa hai nước Việt – Trung sẽ
có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng trong thời gian tới.
3. Đánh giá về một số tác động của nguồn
vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đối với kinh tế - xã hội Việt Nam
3.1. Mặt tích cực
Nguồn vốn FDI của Trung Quốc đã có những đóng
góp tích cực đối với công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam , cụ thể
là:
Tuy chưa phải là nước có số
vốn đầu tư trực tiếp lớn vào Việt Nam, tốc độ đầu tư còn chậm, nhưng các dự án
đầu tư của Trung Quốc cũng đã bổ
sung một nguồn vốn quan trọng cho nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng
trưởng kinh tế của Việt
Nam trong thời kì đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam có thêm một số xí nghiệp nhà máy với những
thiết bị máy móc, kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới của Trung Quốc, tạo ra
nhiều loại sản phẩm mới và doanh thu mới cho xã hội, giải quyết được hàng chục
nghìn việc làm cho người lao động Việt Nam. Tính đến đầu năm 2006, các doanh nghiệp FDI của
Trung Quốc tại Việt Nam đã tạo ra hơn 53.000 việc làm và tổng doanh thu hơn 1
tỉ USD/năm[7].
Những kết quả này còn góp
phần giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hóa
và đa dạng hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đẩy nhanh tiến
trình tự do hoá thương mại và đầu tư và đặc biệt là tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước
nói riêng và sự phát triển toàn diện, sâu sắc của quan hệ Việt – Trung nói
chung.
3.2. Mặt hạn chế và hướng khắc phục
Đối
với các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam, xét về lâu dài sẽ
đặt ra những khó khăn nhất định đối với sự phát triển của Việt Nam như:
Các
dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thường có số vốn ít, công nghệ thấp,
gây ô nhiễm môi trường, thời gian đầu tư ngắn (từ 5 đến 10 năm),… nhằm đáp ứng những nhu cầu trước mắt của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt
các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam đang có xu hướng tập
trung vào lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản thô để xuất khẩu sang Trung
Quốc. Xu hướng đầu tư này về lâu dài là không phù hợp với định hướng phát
triển hiện đại hóa của Việt Nam ,
dẫn đến tình trạng khai thác không hiệu quả và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên
khoáng sản của đất nước.
Việc cấp phép đầu tư cho các dự án có số vốn
ít, trình độ công nghệ trung bình của Trung Quốc trước mắt là phù hợp với lợi
thế về nguồn lao động, và nhu cầu của Việt Nam, nhưng về lâu dài là không
có lợi. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải chú trọng đến tính hiện đại của công
nghệ máy móc từ các dự án đầu tư của Trung Quốc, có chính sách hạn chế các dự
án có công nghệ cũ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường của Trung Quốc. Nếu
không, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của những dự án đầu tư “công nghệ rác”
của Trung Quốc trong tương lai.
Nhiều
doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ đầu tư
vào Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mĩ, đẩy Việt Nam vào nguy cơ
bị mất thị trường xuất khẩu tại các thị trường này do bị áp thuế chống phá giá.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải thẩm định kĩ về những tác động
của các dự án đầu tư này để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Kết luận
Trong
giai đoạn 2001 – 2006, nhu cầu dịch chuyển nguồn vốn đầu tư của Trung
Quốc vào Việt Nam tăng lên, làm cho hoạt động đầu tư trực tiếp của
Trung Quốc vào Việt Nam tăng đáng kể so với trước.
Các
dự án FDI của Trung Quốc đã mang lại cho Việt Nam những hiệu quả nhất
định về mặt kinh tế – xã hội: góp phần chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, cung
cấp cho thị trường một số lượng hoàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng có chất lượng
tương đối với giá rẻ, tạo việc làm, tăng năng suất lao động và có những đóng
góp cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh những mặt tích cực, các dự án này
cũng có những hạn chế nhất định như: công nghệ lạc hậu, thời gian
đầu tư ngắn, vốn đầu tư nhỏ, gây ô nhiễm môi trường,…
Trên cơ sở đánh
giá về những hiệu quả và hạn chế của các dự án đầu tư trực tiếp
của Trung Quốc như trên, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tăng
cường thu hút nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để hạn chế những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế
và đời sống xã hội Việt Nam, chúng ta cần phải thẩm định kĩ về
những tác động của các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc nói
riêng và của các nước khác nói chung đối với nền sản xuất trong
nước, đối với môi trường sinh thái và quy định cụ thể về trình độ
công nghệ trước khi cấp phép.
Tài liệu tham khảo
1.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(2008), 20
Năm Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
(1988 - 2007), Nguồn: http://fia.mpi.gov.vn/
2.
Bộ
Kế hoạch và Đầu tư – Tổng cục Thống kê (2008), Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 7 năm đầu thế
kỉ XXI, Nxb Thống Kê,
Hà Nội.
3.
Trần Thị Hương (2006), Nghiên cứu đầu tư trực tiếp
của Trung Quốc vào Việt Nam ,
một số giải pháp tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư này, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
4.
Cù Ngọc Hưởng (2001), “Tăng
cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam ”, Tạp chí Nghiên cứu Trung
Quốc, Số 6(40), tr. 30 – 35.
5.
Jeff Rutherford, Kate
Lazarus and Shawn Kelley (2008), Rethinking Investments in Natural Resources: China’s
Emerging Role in the Mekong Region, Nguồn:
www.boell-southeastasia.org.
6.
Tổng
cục thống kê (2001 - 2009), Niên giám thống kê năm các năm từ 2001 đến 2008, Nxb Thống Kê, Hà Nội.
7.
Trung tâm KHXH & NV Quốc
gia – Trung tâm NC Trung Quốc (2001), Quan hệ kinh tế văn hoá Việt Nam – Trung Quốc: Hiện trạng và triển
vọng – Kỉ yếu hội thảo khoa học, Nxb
KHXH, Hà Nội.
ĐẦU TƯ TRỰC
TIẾP CỦA TRUNG QUỐC VÀO VIỆT NAM
TỪ 2001 ĐẾN 2006: HIỆU QUẢ VÀ
HẠN CHẾ
Tóm tắt
Bài viết này khái quát về tình hình đầu tư
trực tiếp (FDI)của Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2001
đến năm 2006. Qua đó, phân tích, đánh giá về cơ cấu đầu tư và những
tác động tích cực cũng như hạn chế của nguồn vốn đầu tư này đối
với nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Abstract
This article is overview about
[1]
Theo Niên giám thống kê năm 2007 (trang 679 - 680): Tốc độ tăng trưởng GDP
của Trung Quốc từ 2002 đến 2006 lần lượt là: 9,1%, 10,0%, 10,1%, 10,4%, 10,7%,
tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2002 đến 2006 lần lượt là: 7,8%, 7,34%,
7,79%, 8,44% và 8,23%.
[2],3
Jeff Rutherford, Kate Lazarus and Shawn Kelley (2008), Rethinking Investments in Natural Resources: China’s Emerging Role in
the Mekong Region, www.boell-southeastasia.org,
trang 1 - 3.
[4] Nguồn:
Tổng hợp từ Niên giám thống kê các năm: 2001,2002,2003,2004,2005,2006
của Tổng cục thống kê.
[5]
Nguồn của các số liệu: Trần Thị Hương (2006), Nghiên cứu đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam, một số
giải pháp tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư này, Trường Đại học Kinh tế Tp.
Hồ Chí Minh, trang 51.
[6] Bộ Kế
hoạch và Đầu tư – Tổng cục Thống kê (2008), Đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam 7 năm đầu thế kỉ XXI, Nxb Thống Kê, Hà Nội, trang 37.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét