20 tháng 1, 2013

MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM VỚI MỤC TIÊU ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

TS. Phạm Phúc Vĩnh
1. Đặt vấn đề
Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc ta và kinh nghiệm về tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng trong quá trình lãnh đạo Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955) để phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Riêng ở miền Nam, sau phong trào Đồng khởi, Đảng đã chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để tập hợp và lãnh đạo các lực lượng yêu nước đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược và chính quyền tay sai của Mĩ.
Từ khi ra đời đến lúc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc như thế nào?. Đó là vấn đề mà chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết này.
2. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời từ truyền thống đại đoàn kết của dân tộc và nhu cầu đoàn kết lực lượng của cách mạng miền Nam
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm và tâm hồn người Việt Nam. Đó là nguồn gốc tạo ra sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những thách thức của lịch sử. Hồ Chí Minh đã tổng kết rằng: “từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1].
Khi nào khối đại đoàn kết dân tộc được khơi dậy, củng cố và phát huy, Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức và ngược lại thì sẽ thất bại. Chân lí đó đã được chứng minh qua tiến trình lịch sử của dân tộc: nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhà Trần đã đánh bại 3 lần xâm lược của giặc Mông – Nguyên, Lê Lợi đã chiến thắng quân Minh và chính vì “lòng dân không theo”, nên Hồ Quý Ly đã phải chịu thất bại trước quân Minh xâm lược…
Trong cuộc Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy một cách có hiệu quả những bài học kinh nghiệm lịch sử về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Nhằm quy tụ mọi tổ chức và cá nhân yêu nước, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, ngày 18/11/1930, Đảng đã thành lập Hội phản đế đồng minh, sau đó là Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế (30/10/1936), Mặt trận dân chủ Đông Dương (6/1938), Mặt trận Việt Minh (19/5/1941), Hội Liên Việt (29/5/1946) và Mặt trận Liên Việt (03/3/1951). Chủ trương đoàn kết, tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị,… của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh để dân tộc ta giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám (1945) và trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954).
Từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ đến năm 1959, thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân miền Nam đã kiên trì sử dụng các hình thức đấu tranh hòa bình đòi thi hành hiệp định, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước và đòi chấm dứt tình trạng khủng bố, cướp ruộng của nông dân, thực hiện dân chủ. Tuy nhiên, những yêu cầu hợp pháp, ôn hòa của nhân dân miền Nam đã được chính quyền Sài Gòn trả lời bằng những chiến dịch khủng bố đẫm máu. Chính sách khủng bố của chính quyền Sài Gòn đã đặt nhân dân Miền Nam vào thế phải vùng lên để tự bảo vệ sinh mạng và tài sản của mình, giành độc lập cho miền Nam và thống nhất đất nước.
Đầu năm 1959, Hội nghị 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua nghị quyết chuyển chiến lược cách mạng miền Nam từ đấu tranh hòa bình lên có kết hợp sử dụng lực lượng vũ trang. Chủ trương mới của Đảng đã làm bùng lên cuộc Đồng khởi mãnh liệt, nhân dân miền Nam vùng lên làm chủ các thôn, làng, ấp, bản, vùng giải phóng được mở rộng nhanh chóng. Cách mạng miền Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới với thế và lực được nâng lên một bình độ cao hơn.
Bên cạnh phong trào đấu tranh duới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, phong trào đấu tranh hòa bình chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn của các lực lượng yêu nước tiến bộ khác như các nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên và phụ nữ, giai cấp tư sản dân tộc, các vị chức sắc, tu sĩ tiến bộ trong các tôn giáo diễn ra khá mạnh mẽ ở Sài Gòn và các đô thị lớn khắp miền Nam.
Ngoài ra, một bộ phận trong lực lượng vũ trang của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên lúc bấy giờ cũng quay trở lại chống chính quyền Sài Gòn; trong nội bộ chính quyền Sài Gòn cũng đã có sự phân hóa, nhiều nhân viên và sĩ quan quân đội Sài Gòn cũng không đồng tình với chính sách của Ngô Đình Diệm, tiêu biểu là cuộc đảo chính ngày 11/11/1960 của Nguyễn Chánh Thi.
Có thể nói, sau phong trào Đồng khởi, các lực lượng yêu nước chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn phát triển đa dạng, nhanh chóng và mạnh mẽ song vẫn phân tán. Các lực lượng trên tuy có khác nhau về đường lối, phương pháp đấu tranh, nhưng tất cả đều có một điểm chung là lòng yêu nước thiết tha, mong muốn nước nhà được giải phóng, độc lập, tự do và thống nhất. Nếu bỏ qua những điểm khác biệt nhỏ, đặt mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, dân chủ và hòa bình lên hàng đầu, thì tất cả các lực lượng này sẽ trở thành một khối đoàn kết to lớn, không sức mạnh nào có thể địch nổi. Nếu có một tổ chức công khai để tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước ở miền Nam dưới một ngọn cờ duy nhất, thì sẽ tạo nên được sức mạnh to lớn để đánh bại đế quốc Mĩ, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của của tổ tiên và kinh nghiệm tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn đấu tranh cách mạng ở miền Nam, Đảng ta đã chủ trương thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam nhằm tập hợp tất cả các tổ chức, đoàn thể, cá nhân yêu nước phục vụ cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền Sài Gòn tay sai của Mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chương trình của Mặt trận khẳng định: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc! Đó là nguyện vọng thiết tha, cấp bách nhất của chúng ta. Nguyện vọng đó đã trở thành ý chí sắt đá, sức mạnh phi thường thúc đẩy đồng bào ta, phải đoàn kết lại, phải kiên quyết đứng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mĩ và bọn tay sai để cứu nước nhà”[2]. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một tất yếu, là kết quả của sự kết hợp giữa truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc Việt Nam với thực tế nhu cầu đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
3. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc
Thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tập hợp tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước tán thành hòa bình, trung lập, vì lợi ích tối cao của Tổ quốc để cùng nhau phấn đấu cho độc lập, dân chủ, hòa bình ở miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước là chủ trương nhất quán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kể từ khi ra đời cho đến khi hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (04/2/1977). Chương trình của Mặt trận đã xác định: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước miền Nam Việt Nam, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mĩ và tập đoàn tay sai của Mĩ ở miền Nam Việt Nam, thực hiện: Độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất tổ quốc”[3].
Hay trong bài trả lời câu hỏi: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đại diện cho ai? của phóng viên báo L’Humanite’ ngày 20/7/1964, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng khẳng định: “Ở miền Nam Việt Nam, chỉ có một nhóm rất ít người cam tâm làm tay sai cho đế quốc Mĩ để đối lấy đô la của chúng, còn tất cả nhân dân miền Nam đều thiết tha yêu nước, mong muốn nước nhà được giải phóng, độc lập, tự do. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bao gồm tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước tán thành hòa bình, trung lập” [4].
Ngoài ra, Mặt trận còn chủ trương sẵn sàng đón nhận cả những sĩ quan, binh lính, nhân viên của chế độ Sài Gòn đã bỏ hàng ngũ địch, trở về với nhân dân, tranh thủ, thuyết phục và luôn để ngỏ khả năng hợp tác với cả những lực lượng không tán thành chương trình của Mặt trận (nhưng có cùng chủ trương chống Mĩ – Diệm với Mặt trận). Trong bài trả lời câu hỏi về thái độ của Mặt trận đối với những người ngoài mặt trận ở miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ viết: “có những phe phái, những nhóm trong các tổ chức chính trị khác, trong các tôn giáo, trong binh lính và nhân viên ngụy quyền miền Nam, tuy chưa hoàn toàn tán thành chương trình của Mặt trận, nhưng đã liên hiệp hành đồng với Mặt trận. Chúng tôi biết rõ hiện nay có nhiều người vì lẽ này hay lẽ khác chưa tham gia Mặt trận, nhưng trong những hoàn cảnh thuận lợi nào đó họ sẽ gia nhập Mặt trận, hoặc liên hiệp hành động chặt chẽ với Mặt trận. Đối với những người ngoài Mặt trận hiện đang ở trong nước hoặc ở ngoài nước, nhưng tán thành hòa bình, trung lập, vì lợi ích tối cao Tổ quốc. Mặt trận sẵn sàng bắt tay với họ để cùng nhau phấn đấu cho độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam Việt Nam”[5].
Trong bối cảnh đất nước bị mất độc lập, chủ quyền, bị kẻ thù chà đạp, quyền lợi chung nhất của tất cả những người Việt Nam yêu nước giờ đây chính là độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, hòa bình và dân chủ. Và đó cũng chính là lợi ích cao nhất, vượt lên trên cả lợi ích cá nhân, lợi ích giai cấp và lợi ích tôn giáo. Chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, cải thiện dân sinh, dân chủ và trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất tổ quốc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã đáp ứng được quyền lợi cao nhất và nguyện vọng thiết tha, cấp bách nhất của tất cả những người Việt Nam yêu nước.
Với chủ trương đúng đắn trên, Mặt trận đã nhanh chóng trở thành một tổ chức chính trị lớn mạnh, và là trung tâm đoàn kết mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam với nhiều chính đảng và tổ chức đoàn thể như: Đảng nhân dân cách mạng miền Nam đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động miền Nam Việt Nam, Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam đại diện cho giới trí thức và những nhà kinh doanh công thương nghiệp, Đảng xã hội cấp tiến đại diện cho giới trí thức yêu nước và tiến bộ; Hội lao động giải phóng, Hội nông dân giải phóng, Hội liên hiệp thanh niên giải phóng, Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng, Hội liên hiệp sinh viên, học sinh giải phóng, Hội văn nghệ giải phóng, Hội nhà báo yêu nước và dân chủ, Hội nhà giáo yêu nước, Hội những người kháng chiến cũ, Hội những người công giáo kính Chúa yêu nước, Hội Lục Hòa phật tử miền Nam và một số Nhóm yêu nước trong đạo Cao đài, Hòa hảo, Phong trào tự trị Tây Nguyên. Mặt trận còn là nơi quy tụ của nhiều cá nhân xuất thân từ nhân viên trong quân đội, Quốc hội và chính quyền Sài Gòn, Việt kiều yêu nước, và cả những người chỉ có những yêu sách nhân đạo, yêu sách lành mạnh hóa xã hội, thậm chí một bộ phận trong “lực lượng thứ ba” sau hiệp định Pa-ri cũng dần dần ngã hẳn về phía Mặt trận.
Khối đại đoàn kết dân tộc được tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thực sự là một nguồn lực to lớn, không ngừng tăng lên và trở thành sức mạnh vô địch, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau đại thắng Mùa xuân năm 1975, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tiếp tục khẳng định: “chính sách trước sau như một của Chính phủ Cách mạng là thực hiện đại đoàn kết toàn dân, thực hiện hòa hợp dân tộc, nghiêm cấm mọi hành động gây chia rẽ, thù hằn, nghi kị trong nội bộ nhân dân và giữa các dân tộc” [6]. Đến đầu năm 1977, hai miền Nam – Bắc đã thống nhất cả về lãnh thổ lẫn nhà nước, một yêu cầu mới đặt ra là cần phải thống nhất toàn bộ lực lượng yêu nước trên toàn quốc thành một khối đoàn kết mới, chặt chẽ hơn, rộng rãi hơn để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (từ 31/1 đến 4/2/1977), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình đã hòa mình vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Kết luận
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn đấu tranh cách mạng ở miền Nam và kế thừa truyền thống yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc. Trong 17 năm tồn tại, trong đó đặc biệt là 15 năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã liên tục giương cao ngọn cờ dân tộc, nhờ vậy đã động viên được một cách cao nhất tinh thần yêu nước ở mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được, tạo ra khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do Đảng lãnh đạo cộng với sự chi viện của miền Bắc và sự ủng hộ của bè bạn quốc tế đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi này một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam và đồng thời thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới, những bài học kinh nghiệm về việc xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dân tộc nói chung và trong kháng chiến chống Mĩ nói riêng cần phải được kế thừa và phát huy một cách có hiệu quả để tạo ra nội lực mạnh mẽ, làm nền tảng vững chắc cho việc tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, đưa đất nước phát triển ổn định và bền vững.
Tài liệu tham khảo
1.      Đại tướng Lê Văn Dũng (2010), Đại đoàn kết dân tộc - nguồn sức mạnh vô địch bảo đảm thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, http://www.tuyengiao.vn/home/tutuong/lyluanthuctientutuong/2010/4/1972
2.      Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (1993), Chung một bóng cờ (Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam), Nxb CTQG, Hà Nội.
3.      Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (1961), Nxb Sự Thật, HN.
4.      Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 6.
5.      Nguyễn Hữu Thọ (1996), Găn bó với dân tộc, với nhân dân, với Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội.
6. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất, http://www.mattran.org.vn/Home/GioithieuMT/mtdttt10.htm.



[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr. 171.
[2] Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (1993), Chung một bóng cờ (Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam), Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 958.
[3] Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (1993), Chung một bóng cờ (Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam), Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 958.
[4] Nguyễn Hữu Thọ (1996), Găn bó với dân tộc, với nhân dân, với Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 96.
[5] Nguyễn Hữu Thọ (1996), Găn bó với dân tộc, với nhân dân, với Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 96.
[6] Nguyễn Hữu Thọ (1996), Găn bó với dân tộc, với nhân dân, với Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 158.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét