DONG DU MOVEMENT
IN THE SOUTH (1906 – 1908)
TS.
Phạm Phúc Vĩnh
Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn
TÓM TẮT
Năm 1905, phong trào Đông
Du chính thức được Phan Bội Châu phát động tại Nghệ An và sau đó lan rộng ra
khắp miền Trung và miền Bắc. Đến năm 1906, phong trào Đông Du đã phát triển đến
miền Nam. Phong trào Đông Du được phát động ở miền Nam muộn hơn so với miền Trung
và miền Bắc, nhưng sự hưởng ứng và đóng góp của miền Nam cho phong trào Đông Du
lại rất mạnh mẽ và to lớn, đúng như đánh giá của các lãnh đạo Duy
Tân hội lúc mới thành lập. Số du học sinh ở miền Nam chiếm khoảng một nửa số du
học sinh cả nước, phần lớn kinh phí hoạt động của phong trào Đông Du là do các mạnh
thường quân ở miền Nam ủng hộ... Bài viết này sẽ giới thiệu về
những sắc thái riêng của cuộc vận động Đông Du ở miền Nam diễn ra từ 1906 đến
1908.
Từ khóa: Đông Du; Miền Nam; Đông Du ở Miền Nam; Phong trào
Đông Du.
ABSTRACT
In 1905, the Dong Du movement was launched by Phan Boi Chau
in Nghe An and then spread throughout Central and North. By the year 1906, the
Dong Du movement has developed to the South. Dong Du movement was launched in
the south later than Central and North, but the support and contribution of the
South for the movement Dong Du is very powerful and great, just as the
evaluation of the territorial director Duy Tan chance at start-up. Number of
students in the South accounts for about half of the students throughout the
country, most of the funding of the Dong Du
movement is provided by sponsors in the South... This article will discuss the
nuances of movement Dong Du in the South from 1906 to 1908.
Keywords: Dong Du; the South; Dong Du in the South; Movement Dong Du.
1. Đặt
vấn đề
Vào đầu thế kỷ XX, làn sóng duy tân nổi lên trên khắp
đất nước Việt Nam, phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, đưa thanh
niên Việt Nam sang Nhật học tập là một trong những hoạt động tiêu biểu của làn
sóng này. Phong trào được phát động đầu tiên tại Nghệ An vào năm 1905 và sau đó
mở rộng ra miền Bắc và đến năm 1906 mới vận động đến Miền Nam. Mặc dù được vận
động muộn hơn so với miền Trung và miền Bắc, nhưng phong trào Đông Du lại diễn
ra mạnh mẽ và sôi nổi ở miền Nam, trong số 200 lưu học sinh của Việt Nam được
Phan Bội Châu đưa sang Nhật học tập, có đến phân nửa là người quê ở miền Nam.
Vị trí của Nam Bộ trong kế hoạch vận động của phong
trào Đông Du và tại sao phong trào Đông Du lại nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của
nhân dân miền Nam đến như vậy? Đó là những vấn đề cần được nghiên cứu và luận
giải.
2. Nội
dung nghiên cứu
2.1. Phong trào Đông Du khởi xướng
Đầu
năm 1904, tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành (Quảng Nam), Phan Bội Châu, Kì Ngoại Hầu
Cường Để, Tiểu La, Đặng Thái Thân… đã tiến hành hội nghị bí mật thành lập Duy
Tân hội, tôn Kì Ngoại Hầu Cường Để làm hội chủ với mục tiêu trước mắt là phát
triển thế lực về người và tài chính để chuẩn bị cho cuộc bạo động và xuất dương
cầu viện. Trong số các mục tiêu đó, vấn đề cầu viện được hội giao cho Nguyễn
Hàm và Phan Bội Châu tính toán. Và lúc bấy giờ, trong mắt những vị lãnh tụ của
Duy Tân hội, Nhật Bản là nước tân tiến ở trong nòi giống vàng. Chính vì
vậy, mục tiêu cầu viện Nhật Bản nhanh chóng được Duy Tân hội thống nhất.
Để
thực hiện mục tiêu cầu viện Nhật Bản, ngày 20 tháng giêng năm Ất Tỵ
(23/02/1905), Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ xuất dương mang
theo ảnh và giấy thông hành của Kì Ngoại Hầu do Khâm sứ Pháp cấp để tiện việc
liên hệ với chính phủ Nhật. Đến Nhật Bản, cụ Phan gặp Lương Khải Siêu cũng đang
ở Nhật. Lương Khải Siêu khuyên Cụ nên “trở về nước hoặc là đưa văn thư gửi
về trong nước, cổ động những hạng người xuất dương cầu học, mượn đó làm cái nền
tảng hưng dân khí, khai dân trí…”[1].
Từ đó, Phan Bội Châu bắt đầu chuẩn bị cho việc vận động thanh niên Việt Nam
sang Nhật du học[2].
Cuối
tháng 6 năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu về nước đưa Kì Ngoại Hầu Cường Để và
mang một ít người ưu tú xuất dương để thực hiện kế hoạch cầu viện và đưa thanh
niên Việt Nam du học sau này. Khoảng một tháng sau, Phan Bội Châu cùng với 3
thanh niên xuất dương sang Nhật (3
thanh niên đó là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điển, Lê Khiết ), còn việc đưa Kì Ngoại Hầu Cường
Để xuất dương thì giao lại cho Tiểu La Nguyễn Thành lo liệu.
2.2. Phong trào Đông Du ở miền Nam
Năm
1903, tại Quảng Nam, Tiểu La Nguyễn Thành đã từng nhận xét rằng: “Kim tiền
nứơc ta là ở miền Nam, mà khai thác ra miền Nam là công đức Triều Nguyễn làm.
Vua Gia Long lấy lại nước rặt là nhờ tài lực ở trong ấy. Bây giờ nếu ta tìm
được chính dòng Gia Long đặt làm minh chủ, hiệu triệu miền Nam tất ảnh hưởng
mau lắm”[3]. Và
cụ Phan đã chọn cách tranh thủ sự ủng hộ của miền Nam.
Đến
đầu năm 1906, Kì Ngoại Hầu đã sang Nhật[4], nhưng
phong trào vận động thanh niên du học đã được hơn nửa năm mà mới chỉ tập hợp
được một ít thanh niên miền Bắc và miền Trung còn miền Nam thì chưa có ai, kinh
phí hoạt động lại hết sức khó khăn vì phần lớn những du học sinh miền Bắc và
Trung thuộc thành phần gia đình nghèo. Phong trào Đông Du muốn phát triển thì
cần phải có nhiều du học sinh, nhưng nếu du học sinh càng tăng thì sức ép về
vấn đề kinh phí càng lớn. Làm sao để giải quyết khó khăn này?.
Cụ
Phan Bội Châu đã bàn với Kì Ngoại Hầu rằng: “du học sinh tuy chưa được bao
nhiêu, nhưng Trung Miền Bắc đã thấy có người, không bảo là không có ảnh hưởng.
Duy miền Nam còn vắng ngắt, nên tính cách vận động. Mà vận động miền Nam tất
nhờ ở nơi nhân dân nhớ cũ mới có hiệu lực. Ngài là đích phái Cao Hoàng, lại đã
xuất dương rồi, bây giờ thảo một bài cáo văn, phái người đem về, vào miền Nam
cổ động các thiếu niên khiến họ du học, mượn kim tiền của miền Nam mà nuôi cả
nhân tài Trung Bắc, cũng là chước hay”[5]
và sau đó Cụ liền viết bài “Kính cáo tuyên quốc phụ lão văn” để gởi về
nước tuyên truyền vận động.
Trong
khi cuộc vận động ở miền Nam chưa đạt thành tựu gì thì đến đầu năm 1907, một
khó khăn nữa lại ập đến. Ở trong nước, hoạt động của Phan Châu Trinh cũng bắt
đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ, mà chủ trương của Cụ Tây Hồ lại “bài phong” – hoàn
toàn đi ngược lại con đường tôn quân thảo tặc, xây dựng nhà nước quân chủ
lập hiến của Phan Bội Châu. Nếu chủ trương “bài phong” phát triển mạnh
trong nước thì các nhân sĩ Bắc, miền Trung đang hưởng ứng phong trào Đông Du
lâu nay vốn sẵn có thái độ chẳng mấy coi trọng Cường Để sẽ không còn ủng hộ
phong trào Đông Du nữa. Phan Bội Châu đã lo lắng bàn với Cường Để rằng: “Cái
thuyết bài quân, nếu rày mai lan rộng thì nhân tâm Trung Bắc tất hiện ra vẻ
hoán tán; nhân tâm không thống nhất thì trù khoản vào chỗ nào? Vậy nên in một
món văn thư, phái người đưa về miền Nam, lợi dụng nhân tâm nhớ cũ yêu vua vận
động tập khoản… Nếu không thế, Trung - Bắc e sắp đổ bể cả”[6].
Trước
hoàn cảnh đó, yêu cầu vận động nhân sĩ miền Nam tham gia và ủng hộ phong trào
Đông Du lại càng trở nên cấp thiết hơn. Cường Để giao cho Phan Bội Châu viết “Ai
cáo Nam kì phụ lão” (vào đầu năm Đinh Vị - 1907) sau đó dịch ra quốc ngữ để
chuyển về miền Nam vận động các nhân sĩ ủng hộ phong trào Đông Du.
Khoảng
sau tháng 4 năm 1907, thông qua Trần Văn Tuyết - một du học sinh đang học ở
Hương Cảng, bản “Ai cáo Nam kì phụ lão” chữ quốc ngữ đã đến tay Tri phủ
danh dự, đồng thời là Chủ bút tờ Nông cổ Mín đàm, ông Gilbert Trần Chánh Chiếu
ở Sài Gòn – cha của Tuyết. Từ đó nó dần được phổ biến ở miền Nam. Vài tuần sau,
Gilbert Chiếu đã đến Hương Cảng gặp gỡ và hội đàm với cụ Phan Bội Châu. Sau
Gilbert Chiếu vài tháng, Bùi Chí Nhuận, Trần Văn Định… cũng đã đến Nhật gặp Phan
Bội Châu và Cường Để. Có thể nói, đến đây chiếc cầu Đông Du từ Nhật Bản đến miền
Nam đã được chính thức thiết lập.
Sau
các cuộc gặp gỡ giữa các Nhân sĩ Miền Nam với lãnh đạo của phong trào Đông du,
cộng với những tác động của “Ai cáo Nam kì phụ lão”, “Kính cáo tuyên
quốc phụ lão văn”…, phong trào vận động thanh niên sang Nhật du học ở miền
Nam bắt đầu được khởi động và phát triển mạnh mẽ:
Từ
Hương Cảng trở về Miền Nam, Gilbert Chiếu đã bắt tay vào việc tổ chức vận động
đưa thanh niên miền Nam sang Nhật du học; ông thành lập Minh Tân hội, mở Minh
Tân khách sạn, Minh Tân công nghệ xã để huy động tài chính và liên lạc với
các chí sĩ trong vùng. Cùng với Gilbert Chiếu, lúc này ở Gia Định, Nguyễn An
Khương cũng đã thành lập Chiêu Nam lầu để làm nơi đưa rước thanh niên
xuất dương sang Nhật du học. Và ở Cần Thơ, cụ Nguyễn Thần Hiến cũng đã thành
lập Khuyến du học hội để cổ vũ và vận động thanh niên miền Nam sang Nhật
du học.
Sự
phát triển mạnh mẽ của các tổ chức vận động ủng hộ phong trào Đông Du ở miền
Nam hồi đầu năm 1907 còn nhận được sự tiếp sức của các nhân sĩ trong vùng như:
Nguyễn Quang Diêu (Cao Lãnh), Đặng Thúc Liêng (Sa Đéc), Nguyễn Háo Vĩnh (Cần
Thơ), Đặng Bỉnh Tòng (Vĩnh Long), Bùi Chí Nhuận (Long An)… và đặc biệt là sự
hưởng ứng của các thanh niên Miền Nam, tạo thành một làn sóng Đông du mạnh mẽ
đúng như nhận định của Tiêu La - Nguyễn Thành và Phan Bội Châu trước khi thành
lập Duy Tân hội và phát động phong trào Đông Du. Số lượng du học sinh miền Nam
đã vượt lên dẫn đầu và hơn tổng số của miền Bắc và miền Trung cộng lại.
Theo
Nguyễn Văn Hầu thì đến cuối năm 1907, tổng số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
là 115 người; trong đó: miền Nam có 75 người, Miền Bắc 30 người và miền Trung
10 người. Sang năm 1908, phong trào xuất dương của du học sinh miền Nam vẫn
tiếp tục phát triển mạnh mẽ; tháng giêng năm Mậu Thân (1908), Nguyễn Thần Hiến,
Trần Văn Định, Hoàng Công Đán sang Nhật để thăm việc học hành của các học sinh,
đồng thời mang nhiều du học sinh mới sang nhập trường và đến trung tuần tháng
đó thì họ trở về nước tiếp tục vận động cho phong trào. Sau lần đưa du học sinh
sang Nhật này, không biết còn đợt nào nữa không, nhưng theo trí nhớ của Phan
Bội Châu thì tính đến trước khi phong trào bị đình chỉ, tổng số du học sinh
Việt Nam ở Nhật “đại ước 200 người: miền Nam ước hơn 100 người, miền Trung
ước 50 người, miền Bắc ước hơn 40 người, mà nghe hơi còn nối gót nhiều nữa”[7].
Trong
khi phong trào đang phát triển thì đến tháng 9 năm 1908, theo yêu cầu của Pháp
trong khuôn khổ của hiệp ước Pháp – Nhật kí kết năm 1907, chính phủ Nhật đã ra
lệnh giải tán các tổ chức của phong trào Đông Du và trục xuất du học sinh Việt
Nam ra khỏi Nhật Bản. Đồng thời ở miền Nam, chính quyền thuộc địa lại buộc các
phụ huynh phải gọi con em của mình về nước gấp.
Trước
tình thế khó khăn đó, nhiều học sinh miền Bắc và miền Trung đã quyết định tản
ra các địa phương của Nhật Bản, chấp nhận khổ công cầu học. Còn lại đối với
những du học sinh Miền Nam, trừ 5 người: Hoàng Hưng, Nguyễn Xương Chi và 3
người nhỏ tuổi là Trần Văn An (Yên), Trần Văn Thư và Hoàng Vị Hùng, hầu hết
những người còn lại, nếu trước đây họ hăng hái xuất dương bao nhiêu thì giờ họ
lại đòi về nước gấp bấy nhiêu, trong Phan Bội Châu niên biểu, cụ Sào Nam cho
biết có người sợ không thể về được đến nổi phải khóc oà lên.
3. Thay lời kết
Có
thể nói rằng, phong trào Đông Du ở miền Nam đã góp phần quyết định đối với sự
phát triển của phong trào Đông Du nói chung; mặc dù diễn ra muộn hơn so với miền
Bắc và miền Trung (mãi đến đầu năm 1907 – sau khi Cường Để sang Nhật và gởi thư
vận động riêng cho miền Nam), nhưng nó lại phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với miền
Bắc và miền Trung: nguồn kinh phí đóng góp ủng hộ phong trào và số người tham
gia du học của miền Nam chiếm một phần rất lớn. Nhưng tiếc thay, khi phong trào
bị Nhật cấm hoạt động và trục xuất, nhiều du học sinh miền Nam đã không đủ ý
chí để tiếp tục khổ công cầu học đến cùng như những du học sinh miền Bắc và
miền Trung. Thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần phải làm rõ thái độ, mục tiêu và
động cơ du học của các du học sinh miền Nam trong phong trào Đông Du để có
những đánh giá chính xác hơn về vấn đề “miền Nam với phong trào Đông Du”.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.
Phan Bội Châu (1973), Niên biểu, Nhóm nghiên cứu sử – địa xuất bản, Sài Gòn.
2. Trần Văn Giàu (1973), Sự
phát triển của tư tưởng Việt Nam từ
thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Nxb
KHXH, Hà Nội.
3. Hào
Nguyên Nguyễn Hoá (1963), Lịch sử khoá trình – đệ tứ, Nxb Việt Hùng, Sài
Gòn.
4. Đinh
Xuân Lâm (Chủ biên) (1998), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb GD,
Hà Nội.
5. Sơn Nam (1971), Thiên
địa hội và cuộc Minh Tân, Nxb Phù Sa, Sài Gòn.
6. Nguyễn
Khánh Toàn (Chủ biên) (2004), Lịch sử
Việt Nam tập 2: 1858 – 1945, Nxb KHXH, Hà Nội.
[1] Phan Bội Châu, Niên
biểu, Nhóm nghiên cứu sử –
địa xuất bản, Sài Gòn, 1973. Trang 57.
[2] Có tài liệu cho rằng kế hoạch
đưa học sinh sang Nhật du học của Phan Bội Châu sau này là do Tăng Bạt Hổ đề xuất
sau khi lập Duy Tân hội (1904): Xem thêm: Hào Nguyên Nguyễn Hoá, Lịch sử
khoá trình – đệ tứ, Nxb Việt Hùng, Sài Gòn 1963. Trang 170, 171.
[3] Phan Bội Châu, Niên biểu,
Nhóm nghiên cứu sử - địa xuất bản, Sài Gòn, 1973. Trang 30.
[4] Trong chuyến đi này, Cường để
mang theo ảnh của Hoàng tử Cảnh và các tài liệu để chứng minh Cường Để là hậu
duệ của Hoàng tử Cảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét