17 tháng 11, 2012

ĐỐI THOẠI GIỮA ASEAN VÀ VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT “VẤN ĐỀ CĂM-PU-CHIA” (1985 - 1991)

Phạm Phúc Vĩnh(*)
1. Nhu cầu đối thoại với ASEAN về “vấn đề Cam-pu-chia” của Việt Nam
Sau đại thắng mùa xuân 1975, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam bắt đầu gặp nhiều khó khăn, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nghiêm trọng (lạm phát gia tăng với tốc độ phi mã: năm 1978: 128%, năm 1981 lên đến 131%,... ). Chỗ dựa quốc tế - ngoại lực quan trọng nhất của Việt Nam lúc này là Liên Xô cũng đang lâm vào khủng hoảng, nên viện trợ của Liên Xô đối với Việt Nam giảm đi và chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang cơ chế hợp tác hai bên cùng có lợi,... đẩy Việt Nam lún sâu vào cuộc khủng hoảng.
Mặt khác, việc đưa quân sang giúp nhân dân Căm-pu-chia đánh bại chế độ diệt chủng Pôn-pốt đã tạo ra thêm những khó khăn, phức tạp mới trong hoạt động đối ngoại. Sau sự kiện này, quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng, Trung Quốc và Mĩ cáo buộc Việt Nam xâm lược Căm-pu-chia và thúc đẩy Liên hiệp quốc ra Nghị quyết yêu cầu Việt Nam rút khỏi Căm-pu-chia, vận động hầu hết các nước trong Nghị viện châu Âu và các nước trong khu vực Đông Nam Á đình chỉ viện trợ kinh tế, siết chặt cấm vận, cắt đứt quan hệ, đẩy Việt Nam vào thế bị cô lập với khu vực và thế giới phương Tây. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong đầu thập nhiên 80 là phải phá thế bị bao vây, cô lập, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển của đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc của ĐCS Việt Nam lần thứ V (tháng 3/1982) đã có những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Văn kiện Đại hội đã xác định: “Nhân dân Việt Nam chủ trương thiết lập những quan hệ láng giềng tốt với các nước ASEAN, luôn luôn sẵn sàng phối hợp, cố gắng để xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hoà bình và ổn định”[1]. Đối với các nước khác thì sẵn sàng “thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường về mặt nhà nước về kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền bình đẳng cùng có lợi”[2].
Tuy nhiên, những tuyên bố mới về đường lối đối ngoại của Việt Nam dường như không được các nước ASEAN cũng như phương Tây đón nhận và ủng hộ. Nguyên nhân của tình trạng đó không nằm ngoài việc quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn đóng trên lãnh thổ Căm-pu-chia. Việc giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” và rút quân khỏi nước này chính là “chìa khoá” để Việt Nam mở cánh cửa giao lưu tiếp xúc với các nước trong khu vực và trên thế giới, thoát khỏi sự bao vây cô lập để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Việc giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” liên quan đến nhiều bên khác nhau, trong đó Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN có một vị trí rất quan trọng. Chính vì vậy, Việt Nam đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và ASEAN để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này.
Để tìm cách đối thoại với Trung Quốc nhằm tìm hướng giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia”, tháng 7/1982, thông qua Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Đông Dương, Việt Nam đã tuyên bố “mong muốn có quan hệ hoà bình hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc trong cùng tồn tại hoà bình và nối lại đàm phán Việt - Trung”[3] và ngày 17/7/1982, Việt Nam đã chủ động rút một phần quân tình nguyện ở Căm-pu-chia về nước và tuyên bố sẽ tiếp tục rút như vậy hàng năm. Những tín hiệu tích cực mà Việt Nam đưa ra đã không được phía Trung Quốc đáp lại. Tuy nhiên, trong vòng 1 của cuộc đàm phán Xô – Trung diễn ra 3 tháng sau đó (10/1982), Trung Quốc đã đưa vấn đề rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Căm-pu-chia làm một trong ba điều kiện tiên quyết mà Liên Xô phải thực hiện để tiến tới bình thường hoá quan hệ Xô – Trung[4] và từ chối đàm phán trực tiếp với Việt Nam để giải quyết vấn đề Cam-pu-chia. Chủ trương này được Trung Quốc duy trì liên tục đến cuối năm 1988. Chủ trương này của Trung Quốc đã làm cho kênh đối thoại với Trung Quốc để cùng giải quyết vấn đề Căm-pu-chia trong giai đoạn này đối với Việt Nam là hoàn toàn bế tắc. Hướng duy nhất còn lại đối với Việt Nam chính là đối thoại với ASEAN.
2. Đối thoại ASEAN - Việt Nam về “vấn đề Căm-pu-chia” (1985 - 1991)
Trong lúc Trung Quốc không đáp lại những thiện chí của Việt Nam, ASEAN đã có thái độ ngược lại. Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 18 họp tại Thái Lan (2/1985), Ngoại trưởng các nước ASEAN đã thống nhất sẽ đối thoại trực tiếp với Đông Dương mà chủ yếu là Việt Nam để giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” và đồng thời cử In-đô-nê-xi-a làm đại diện của ASEAN trong việc xúc tiến quá trình đối thoại với Việt Nam. Trước tín hiệu tích cực đó của ASEAN, tại Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Đông Dương (8/1985), Việt Nam tuyên bố sẽ rút hết quân vào năm 1990, nếu có giải pháp sẽ rút sớm hơn.
Trong bối cảnh thuận lợi như trên, ngày 29/7/1987, Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a (với tư cách là nước đại diện của ASEAN) đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, hai bên đã ra thông cáo chung, đánh dấu sự kết thúc của thời kì đối đầu giữa Việt Nam và ASEAN xung quanh “vấn đề Căm-pu-chia” và mở ra thời kì của những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Hun-xen và Xi-ha-núc. Để thúc đẩy đối thoại với ASEAN về “vấn đề Căm-pu-chia”, ngày 11/10/1987, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ra Thông cáo chung về việc rút quân tình nguyện Việt Nam ở Căm-pu-chia về nước đợt 6 vào tháng 11/1987.
Những kết quả thuận lợi này đã giúp Việt Nam xác định hướng đi mới trong việc giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia”: nếu chưa thể nối lại đàm phán với Trung Quốc thì Việt Nam có thể chuyển sang hợp tác với các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này. Nghị quyết 13 “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” ngày 25/5/1988 của Bộ chính trị đã xác định: “Vấn đề Căm-pu-chia” phải được giải quyết với Trung Quốc, nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa muốn trực tiếp giải quyết với ta về “vấn đề Căm-pu-chia”. Vì vậy, ta cần tiếp tục kiên trì mở ra nhiều hướng khác (Hun-xen – Xi-ha-núc, Việt Nam – In-đô-nê-xi-a, Việt Nam – Thái Lan, ASEAN – Đông Dương, Việt Nam – Mĩ)… để thúc đẩy và kéo Trung Quốc vào giải quyết. Dù giải quyết trực tiếp với Trung Quốc hay với các đối tượng khác, thì việc giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” cũng phục vụ cho mục tiêu bình thường hóa với Trung Quốc, không nhằm chống lại Trung Quốc”[5]. Và ngày 26/5/1988, Việt Nam tiếp tục tuyên bố rút 5 vạn quân và Bộ tư lệnh Việt Nam tại Căm-pu-chia.
Những chủ trương và hành động thể hiện quyết tâm giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” của Việt Nam như trên đã được ASEAN đón nhận một cách tích cực. Trong cuộc họp hàng năm của ASEAN diễn ra từ 03/7/1988 đến 05/7/1988 tại Băng-cốc (Thái Lan), các đại biểu đã bày tỏ niềm tin tưởng vững chắc rằng Việt Nam đã từ bỏ các mục tiêu quân sự của mình ở Căm-pu-chia và đang hướng toàn bộ nỗ lực vào con đường ngoại giao.
Nếu như trước đây, ASEAN và cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực, thì giờ đây họ đã nhận ra được rằng, mối đe dọa đó chính là Khơ-me đỏ chứ không phải Việt Nam. Nhằm giải quyết viễn ảnh Khơ-me đỏ có thể giành được thế thượng phong quân sự sau khi quân Việt Nam rút toàn bộ, ASEAN với sự ủng hộ của Mĩ đã nhấn mạnh rằng “Trung Quốc nhất thiết phải có mặt trong việc đề ra các bảo đảm quốc tế cho những thỏa thuận đạt được giữa các nước trong vùng quanh “vấn đề Căm-pu-chia”. Đồng thời cũng cần thành lập một lực lượng quốc tế gìn giữ hòa bình đông đảo ở nước này”[6]. Chính trong tình thần của lập trường này, tại Hội nghị JIM-1 (Jakarta Informal Meeting) từ 25 đến 27/7/1988, ASEAN đã đưa ra đề nghị giải giáp tất cả các phe Khơ-me đang xung đột ở Căm-pu-chia và sự cần thiết phải có một lực lượng vũ trang quốc tế ở nước này để thực hiện quyết định vừa kể. Đề nghị này phản ánh rõ ràng ý đồ của ASEAN là không muốn để bên nào chiếm được thế thượng phong ở Căm-pu-chia sau khi quân đội Việt Nam rút đi và trong lúc chờ tổng tuyển cử.
Trong bầu không khí ngày càng trở nên hòa dịu của quan hệ Việt Nam – ASEAN, tháng 8/1988, Thủ tướng Thái Lan Thạt-chai Xu-ha-vản đã tuyên bố rằng cần xem các nước Đông Dương không phải như là những chiến trường mà là những thị trường có thể trong tương lai. Theo ý ông, “cần giải quyết càng nhanh càng tốt “vấn đề Căm-pu-chia” và đã có tất cả các dấu hiệu cần thiết để mau chóng đạt được những thỏa hiệp tương xứng”[7]. Sau đó, ngày 08/8/1988, Thạt-chai Xu-ha-vản tuyên bố sẽ khuyến khích các nhà doanh thương Thái Lan tăng các hoạt động thương mại với Lào và Việt Nam, điều này theo ông sẽ góp phần làm dịu tình hình trong vùng và nhấn mạnh rằng Thái Lan sẽ thúc đẩy buôn bán với Việt Nam và Lào mà không cần xem xét đến việc Việt Nam rút quân khỏi Căm-pu-chia.
Như vậy, sự hợp tác giữa Việt Nam với ASEAN đã mở ra một hướng giải quyết mới (quốc tế hóa) cho “vấn đề Căm-pu-chia” mà không nhất thiết phải phụ thuộc quá nhiều vào việc Trung Quốc có chấp nhận đàm phán với Việt Nam hay không.
Trước những kết quả đạt được giữa Việt Nam và ASEAN như trên, thêm vào đó là tình hình quan hệ Xô – Mĩ, Xô - Trung trở nên lắng dịu, “vấn đề Căm-pu-chia” từng bước được quốc tế hóa, ngày 15/12/1988, Việt Nam đã chính thức đề nghị Trung Quốc tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để bàn về việc giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” và bình thường hóa quan hệ hai nước.
Việc tiếp tục trì hoãn việc nối lại đàm phán với Việt Nam để giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” giờ đây không còn phù hợp với tình hình quan hệ quốc tế và lợi ích của Trung Quốc nữa. Cuối cùng, ngày 24/12/1988, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo mời một Thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam đi Bắc Kinh vào giữa tháng 01/1989 để trao đổi với Trung Quốc về “vấn đề Căm-pu-chia” và bình thường hoá quan hệ Việt – Trung. Như vậy, Trung Quốc đã chấp nhận đối thoại với Việt Nam để giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia”.
Đầu năm 1989, Việt Nam đã nối được kênh đàm phán với Trung Quốc để giải quyết vấn đề Căm-pu-chia, nhưng khi tiến hành đàm phán, Trung Quốc lại muốn Việt Nam thỏa thuận theo hướng giải quyết mặt nội bộ của giải pháp Căm-pu-chia, chủ yếu là vấn đề chính quyền và vấn đề quân đội của các bên Căm-pu-chia trong thời kỳ quá độ (thời gian ngừng bắn cho đến tổng tuyển cử) theo quan điểm của Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng nếu có thảo luận và đạt kết quả này thì mới có giải pháp, nếu không thì mặt quốc tế có thỏa thuận cũng không giải quyết được và khó bàn về quan hệ hai nước. Ngược lại, lập trường của Việt Nam là vấn đề nội bộ Căm-pu-chia phải do các bên Căm-pu-chia giải quyết. Sự khác biệt về lập trường giữa hai nước đã làm cho quá trình đàm phán Việt – Trung vừa được mở ra lại rơi vào tình trạng bế tắc. Một lần nữa, Việt Nam lại tiếp tục hướng về ASEAN để giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia”.
Sau những thỏa thuận đạt được ở Hội nghị JIM-1, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh rút quân khỏi Căm-pu-chia nhằm thúc đẩy xu thế đối thoại và tiến đến quốc tế hóa “vấn đề Căm-pu-chia” để tranh thủ các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, kiềm chế những đòi hỏi của Trung Quốc. Và những nỗ lực của Việt Nam đã giành được sự ủng hộ của các nước ASEAN tại Hội nghị JIM-2 (02/1989). Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn trước sau như một, không chấp nhận thế thượng phong của Chính phủ Hun-xen do Việt Nam ủng hộ và chọn giải pháp Xi-ha-núc[8]. Để đi đến giải pháp này, họ đòi hỏi giải giáp tất cả lực lượng các bên Căm-pu-chia xung đột, để thay vào đó là lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Cuối cùng, giải pháp trên của các nước ASEAN đã nhận được sự ủng hộ của Mĩ, Trung Quốc, Liên hiệp quốc và cả Liên Xô, đồng thời phù hợp với chủ trương của Việt Nam và được các bên Căm-pu-chia đồng thuận.
Những thỏa thuận về giải pháp chính trị cho “vấn đề Căm-pu-chia” đạt được trong Hội nghị JIM-2 đã cho phép Việt Nam có thể quyết định dứt khoát hơn trong việc rút quân khỏi Căm-pu-chia. Tháng 3/1989, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương ĐCS Việt Nam (khóa VI) đã khẳng định sẽ “góp phần tích cực giải quyết vấn đề Căm-pu-chia bằng chính trị, đồng thời chuẩn bị tốt việc rút hết quân sớm trong trường hợp chưa có giải pháp về Căm-pu-chia”[9]; ngày 05/4/1989, Tuyên bố chung của Căm-pu-chia, Lào và Việt Nam về việc rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam ở Căm-pu-chia về nước đã khẳng định mạnh mẽ hơn rằng: “Việt Nam rút hết quân đội của mình về nước trước tháng 9/1989, dù có giải pháp hay không”[10].
Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam đã tham gia tích cực trong Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về “vấn đề Căm-pu-chia” tại Pa-ri (vòng 1: từ 30/7 đến 01/8, vòng 2: từ 28/8 đến 30/8/1989). Tuy nhiên, Hội nghị kết thúc mà các bên vẫn chưa đưa ra được một giải pháp cuối cùng cho vấn đề Căm-pu-chia. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn thực hiện đúng cam kết. Từ 21/9 đến 26/9/1989, Việt Nam đã rút quân tình nguyện còn lại ở Căm-pu-chia cùng toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh dưới sự quan sát của cộng đồng quốc tế.
Trước những kết quả đạt được giữa Việt Nam và ASEAN, cùng với quá trình rút quân mạnh mẽ của Việt Nam, ngày 18/7/1990, Mĩ tuyên bố không còn ủng hộ lực lượng Khơ-me đỏ và đến ngày 28/8/1990, một văn kiện khung để giải quyết “vấn đề Căm-pu-chia” và việc lập một Hội đồng tối cao của Căm-pu-chia bao gồm các phái Khơ-me và đại diện của Căm-pu-chia đã được 5 Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua[11]. Giải pháp chính trị cho “vấn đề Căm-pu-chia” về mặt quốc tế đã ngã ngũ, việc giải quyết vấn đề này đến đây đã được chuyển sang cho Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ngày 23/10/1991, Hiệp định Pa-ri về Căm-pu-chia được kí kết.
Vấn đề Căm-pu-chia - “vật cản” lớn nhất đối với việc khôi phục và mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam đã được giải tỏa. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới cũng dần hồi phục.
3. Kết luận
Trong bối cảnh Việt Nam đang bị bao vây cô lập và việc đối thoại với Trung Quốc rơi vào trạng thái bế tắc, sự thay đổi lập trường của ASEAN đối với Việt Nam kể từ năm 1985 trở đi đã mở ra thời kì đối thoại giữa ASEAN với Việt Nam về “vấn đề Căm-pu-chia” và từng bước tháo gỡ được những bất đồng, khúc mắc trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á và thế giới phương Tây.
Quá trình đối thoại giữa Việt Nam và ASEAN từ 1985 đến 1991 đã góp phần quan trọng trong việc hình thành giải pháp chính trị cho “vấn đề Căm-pu-chia”, đẩy Trung Quốc vào thế “người ngoài cuộc” và buộc phải nối lại đàm phán với Việt Nam và cộng đồng quốc tế để cùng giải quyết triệt để vấn đề này.


(*) Tiến sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Sài Gòn.


[1] ĐCS Việt Nam (1982), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (tập 1), Nxb Sự Thật, Hà Nội, trang 153.
[2] ĐCS Việt Nam (1982), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (tập 1), Nxb Sự Thật, Hà Nội, trang 155.
[3] Lưu Văn Lợi (1998), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 – 1995 (tập 2), Nxb CAND, Hà Nội, trang 202.
[4] Trong qúa trình đàm phán Xô – Trung, Trung Quốc đã luôn đặt ra điều kiện để bình thường hoá quan hệ với Liên Xô đó là Liên Xô phải giải quyết dứt điểm ba trở ngại: Thứ nhất là sự hiện diện của quân đội Xô Viết trên vùng biên giới Xô – Trung và Trung – Mông Cổ; Thứ hai là sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Áp-ga-nít-xtan; Thứ ba là sự ủng hộ mà Liên Xô dành cho Việt Nam trong vấn đề quân đội Việt Nam ở Căm-pu-chia.
[5] Báo cáo của Văn phòng TW Đảng về công tác đối ngoại trong những năm đổi mới (1989), Phần 1, Cục lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, trang 15.
[6] Lê Phụng Hoàng (1994), Một số vấn đề về quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (1975 - 1991), Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, trang 61.
[7] Lê Phụng Hoàng (1994), Một số vấn đề về quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (1975 - 1991), Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, trang 62.
[8] Lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên (CHND Căm-pu-chia, Khơ-me đỏ, Xi-ha-núc và lực lượng của Son San) do Xi-ha-núc đứng đầu.
[9] ĐCS Việt Nam (1989), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH TW khóa VI, Nxb CTQG, Hà Nội, trang 40.
[10] “Tuyên bố chung của CHND Căm-pu-chia, CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam về việc rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam ở Căm-pu-chia về nước”, Báo Nhân dân, ngày 6/4/1989, trang 03.
[11] Trong tình thế bị Mĩ và phương Tây cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn, để giải tỏa quan hệ với Mĩ và phương Tây, Trung Quốc đã phải nhân nhượng và ủng hộ văn kiện trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét