1 tháng 10, 2012

Tác động của thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc và đối với nền kinh tế Việt Nam


Phạm Phúc Vĩnh(*)
 Tóm tắt:
Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng cán cân thương mại trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Việt - Trung) giai đoạn 2001-2011 và những tác động của nó đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, từ đó phân tích nguyên nhân, đề xuất những giải pháp để giúp Việt Nam từng bước giảm bớt tình trạng nhập siêu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế trong tương lai.

Từ khóa: Cán cân thương mại, quan hệ Việt – Trung, quan hệ thương mại Việt – Trung.
 Keywords: Trade balance; Vietnam - China relationship; the trade relations of Vietnam and China.


1. Đặt vấn đề
Cán cân thương mại trong quan hệ kinh tế Việt Nam từ 2001 đến 2011 là một vấn đề có tính thời sự nóng bỏng trong quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (11/1991) đến nay, quan hệ thương mại giữa hai nước đã đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ, luôn vượt chỉ tiêu của lãnh đạo hai nước đề ra. Đây là một kết quả tích cực đối với sự phát triển của mối quan hệ Việt – Trung. Tuy nhiên, kể từ năm 2001 đến nay, trong quan hệ thương mại Việt – Trung, Việt Nam luôn bị rơi vào tình trạng nhập siêu với tốc độ ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tốc độ, bất chấp những biện pháp can thiệp của lãnh đạo hai nước, làm cho tình trạng thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là phải hiểu rõ thực trạng, xác định đúng các nguyên nhân và tìm ra được những giải pháp hiệu quả nhằm giảm nhập siêu từ Trung Quốc, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế của Việt Nam trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa.
2. Cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn từ 2001 đến 2011
2.1. Thực trạng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại Việt - Trung
Trong bối cảnh quan hệ kinh tế quốc tế và khu vực phát triển theo xu hướng hợp tác và hội nhập, cùng với chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại song phương và những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của Chính phủ hai nước, quan hệ thương mại Việt – Trung trong thập niên đầu thế kỉ XXI phát triển mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước. Từ 2001 đến 2011, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng với tốc độ rất nhanh (xem Bảng 1) và luôn vượt chỉ tiêu mà lãnh đạo hai nước đề ra (đạt 10 tỷ USD năm 2007 và 25 tỷ USD năm 2010).
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt  - Trung tăng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 125% với tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều rất cao, đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam trong 8 năm liền. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ trên đã đẩy Việt Nam vào một tình thế hết sức bất lợi. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, nếu như trong giai đoạn từ 1991 - 2000, Việt Nam luôn xuất siêu sang Trung Quốc (trừ năm 1998), thì ngược lại trong giai đoạn từ 2001 - 2011, Việt Nam luôn nhập siêu với quy mô lớn, trung bình là 3.230,47 triệu USD/năm.
Bảng 1: Kim ngạch thương mại Việt – Trung từ 2000 đến 2011
Đơn vị tính: Triệu USD
Năm
Tổng kim ngạch XNK
VN xuất khẩu
VN nhập khẩu
Cán cân thương mại VN – TQ
Tính theo giai đoạn
Giá trị
Tỉ lệ so với năm trước (%)
Giá trị
Tỉ lệ so với năm trước (%)
2000
2937,5
-
1536,4
1401,1
+135,3


2001
3023,6
102,93
1417,4
1606,2
-188,8
139,5
Tổng giá trị nhập siêu của VN từ TQ giai đoạn 2001 – 2011 là: 65693,03 triệu USD
2002
3677,1
121,61
1518,3
2158,8
-640,5
339,2
2003
5021,7
136,57
1883,1
3138,6
-1255,5
196,0
2004
7494,2
149,24
2899,1
4595,1
-1696,0
135,1
2005
9127,8
121,80
3228,1
5899,7
-2671,6
157,5
2006
10634,1
116,50
3242,8
7391,3
-4148,5
155,3
2007
16356,1
153,81
3646,1
12710,0
-9063,9
218,49
2008
20823,7
127,31
4850,1
15973,6
-11123,5
122,72
2009
20814,3
99,95
5403,0
15411,3
-10008,3
89,97
2010
27327,6
131,29
7308,8
20018,8
-12710,0
126,99
2011
35719,0
137,29
11126,0
24593,0
-13467,0
105,95
Nguồn: Tổng cục thống kê và tính toán của tác giả
Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại Việt – Trung giai đoạn từ 2001 đến 2011 đó là mức độ thâm hụt thương mại của Việt Nam diễn tiến theo hướng ngày càng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2000, Việt Nam vẫn còn xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng từ năm 2001 trở đi, Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc là 188,8 triệu USD, đến năm 2006 đã tăng lên đến 4.148,5 triệu USD. Sang giai đoạn 2007 – 2011, do thuế nhập khẩu tiếp tục giảm, mức độ thâm hụt tăng mạnh hơn rất nhiều so với trước: năm 2007, Việt Nam nhập siêu 9.145,8 tỉ USD và đến 2011 đã tăng lên đến 13.467,00 triệu USD. Những con số thâm hụt trên chỉ mới tính trên cơ sở giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu tính cả giá trị về dịch vụ, ngân hàng, du lịch, viễn thông và doanh số mua điện hàng năm từ Trung Quốc, thì con số thâm hụt thương mại của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc thực tế sẽ cao hơn.
Xét về chủng loại hàng hóa, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô như: dầu thô, quặng khoáng sản, cao su, than đá; nông hải sản như: rau quả, hải sản khô và tươi sống… có giá trị chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, Trung Quốc xuất sang Việt Nam chủ yếu là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đa số là nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện tinh chế phục vụ sản xuất và lắp ráp gia công sản phẩm; dây chuyền công nghệ sản xuất và cả hàng tiêu dùng chất lượng trung bình.
2.2. Tác động của thâm hụt thương mại với Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam
Trung bình trong giai đoạn từ 2001 đến 2011, mỗi năm thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã trực tiếp góp phần làm GDP của Việt Nam giảm 5.972,09 triệu USD[1]. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ luôn trong tình trạng nhập siêu với tốc độ cao mà còn quan trọng hơn đó là thâm hụt thương mại với Trung Quốc chiếm một tỉ lệ khá cao trong tổng giá trị thâm hụt thương mại quốc tế hàng năm của Việt Nam, đặc biệt là tình trạng này diễn tiến theo hướng ngày càng gia tăng: năm 2001, thâm hụt thương mại với Trung Quốc chiếm 15,88% tổng thâm hụt thương mại quốc tế của Việt Nam; năm 2002 tỉ lệ này tăng lên 21,07%, đến năm 2006 lên đến 81%; trong năm 2007 và 2008 tỉ lệ này có giảm xuống, nhưng vẫn ở mức trên 60%, song đến năm 2010 chiếm hơn 100% và năm 2011 tăng vọt lên 136,80% (xem Bảng 2). Với tỉ lệ này, rõ ràng thâm hụt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đang tạo ra sức ép lớn lên cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam và làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bảng 2: So sánh giá trị và tỉ lệ thâm hụt thương mại Việt – Trung so với tổng giá trị thâm hụt thương mại của Việt Nam từ 2001 đến 2011
Đơn vị tính: Triệu USD
Năm
Thâm hụt thương mại của Việt Nam
Thâm hụt thương mại với TQ
Tỉ lệ thâm hụt thương mại VN – TQ trong tổng giá trị thâm hụt của VN
Giá trị
Tỉ lệ
Giá trị
Tỉ lệ
2001
1188,7
-
188,8
-
15,88%
2002
3039,5
255,70
640,5
339,25
21,07%
2003
5106,5
168,00
1255,5
196,02
24,59%
2004
5484,0
107,39
1696,0
135,09
30,93%
2005
4314,0
78,67
2671,6
157,52
61,93%
2006
5065,0
117,41
4148,5
155,28
81,91%
2007
14233,3
281,01
9145,8
220,46
64,26%
2008
18028,7
126,67
11116,4
121,55
61,66%
2009
12852,5
71,29
10008,3
90,03
77.87%
2010
12601,9
98,10
12710,0
126,99
100.79%
2011
9844,2
78,12
13467,0
105,9
136,80%
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Thông thường, đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, do đang tiến hành công nghiệp hóa, cần áp dụng những công nghệ máy móc mới và phát triển hạ tầng, nên nhập khẩu cũng là đòi hỏi của nền kinh tế và thâm hụt cán cân thương mại là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu xét kĩ về tỉ lệ thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tổng mức thâm hụt thương mại quốc gia, cơ cấu hàng hóa trao đổi với Trung Quốc trong giai đoạn từ 2001 đến 2011 và thực tế về trình độ công nghệ của hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thì tình trạng nhập siêu liên tục và ngày càng gia tăng với khối lượng lớn như trên là bất hợp lý lớn, đẩy Việt Nam vào thế bất lợi, tác động xấu đến sự phát triển ổn định và bền vững, đẩy nền kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ khủng hoảng[2].
Hiện nay (2011), CAFTA đã chính thức đi vào hoạt động, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tiếp tục tràn sang thị trường Việt Nam. Về lí thuyết, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, nhưng trong thực tế xuất khẩu các mặt hàng này kể từ khi CAFTA bắt đầu khởi động với “chương trình thu hoạch sớm” đến nay cho thấy, Việt Nam khó có thể tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc do bị cạnh tranh mạnh bởi hàng hóa cùng loại của các nước ASEAN. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu những sức ép lớn do bị cạnh tranh và thâm hụt thương mại trong quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong thời gian tới. Việc khắc phục tình trạng nhập siêu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là một vấn đề lớn đối với Việt Nam hiện nay.
3. Nguyên nhân và một số giải pháp điều chỉnh
3.1. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu của Việt Nam
Các nhân tố tác động đến cán cân thương mại bao gồm: chính sách thương mại, đầu tư, tỉ giá hối đoái. Trong quan hệ thương mại Việt – Trung, tình trạng nhập siêu với tốc độ lớn và ngày càng gia tăng của Việt Nam từ 2001 đến 2011 là do các nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn kém phát triển nên các ngành hàng chế biến xuất khẩu còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu, phụ kiện của nước ngoài. Trung Quốc có các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và có cơ cấu sản xuất giống Việt Nam nên nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phải nhập nguyên liệu, phụ kiện của Trung Quốc. Chẳng hạn, ngành may xuất khẩu của Việt Nam phải nhập vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may từ Trung Quốc với giá trị ngày càng lớn: năm 2001: 47 triệu USD, năm 2003: 320,1 triệu USD, năm 2004: 464 triệu USD, năm 2005: 661,2 triệu USD, năm 2006: 895,6 triệu USD[4; tr. 45], năm 2008: 2.466,251 triệu USD, năm 2009: 3.121,175 triệu USD[5] và năm 2010 là 4.952,575 triệu USD[10].
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kì đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lợi thế của Việt Nam là lao động rẻ, các doanh nghiệp ít vốn, do đó thiết bị, máy móc, công nghệ của Trung Quốc có trình độ trung bình, giá cả thấp phù hợp với điều kiện và khả năng của các nhà đầu tư Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc qua các năm là: 2001: 219,4 triệu USD, 2002: 347,9 triệu USD, 2003: 446,8 triệu USD, 2004: 607,1 triệu USD, 2005: 817,6 triệu USD, 2006: 1200,1 triệu USD[4; tr. 45], năm 2008: 4.430,286 triệu USD, năm 2009: 5.144,194 triệu USD[5] và năm 2010 là 7.010,472 triệu USD[10].
Thứ ba, các ngành sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu của Việt Nam chưa đủ sức đáp ứng thị trường trong nước cả về chất lượng lẫn giá cả nên bị hàng tiêu dùng chất lượng trung bình, giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh mạnh, làm gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thứ tư, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là hàng nông sản, khoáng sản thô, có giá trị gia tăng thấp nên khối lượng xuất khẩu tuy rất lớn nhưng giá trị không cao. Các sản phẩm chế tạo của Việt Nam thường trình độ công nghệ lạc hậu hơn Trung Quốc (trừ một số mặt hàng của các tập đoàn kinh tế toàn cầu sản xuất tại Việt Nam) nên khó có thể đẩy mạnh và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xét về chủng loại hàng hóa, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên, nhiên liệu thô như: dầu thô, than đá, cao su; nông hải sản như: rau quả, hải sản khô và tươi sống, lại bị cạnh tranh gay gắt với các nhóm sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN trên thị trường Trung Quốc, các mặt hàng này chiếm khoảng 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
3.2. Một số giải pháp điều chỉnh
Tình trạng thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc cho thấy khả năng cạnh tranh thấp của hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu được sản xuất trong nước. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề này, tuy nhiên theo chúng tôi, Việt Nam nên quan tâm đến một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và nâng cao giá trị hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, cụ thể là:
Việt Nam cần khai thác những thuận lợi của bối cảnh quốc tế và khu vực, đẩy mạnh mở cửa kinh tế đối ngoại, tranh thủ các nguồn viện trợ phát triển và thu hút các dự án đầu tư trực tiếp của các nước công nghiệp phát triển có công nghệ tiên tiến (kể cả Trung Quốc), để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các ngành sản xuất mà hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc như dệt may, giày da,...
Chính phủ cần phải có những chính sách phát triển các ngành sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, nhiên liệu, phân bón, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử, máy tính, để từng bước thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, và hiện đại hóa các ngành công nghiệp chế biến để hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao giá trị các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong thời gian qua, nhờ thu hút được đầu tư nước ngoài và phát triển sản xuất trong nước, Việt Nam đã giảm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa Trung Quốc như: bia Vạn Lực, xe gắn máy, phân bón của Trung Quốc và khi nhà máy lọc dầu Dung Quốc đi vào hoạt động, Việt Nam cũng sẽ giảm nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc.
Thứ hai, góp phần lớn nhất trong tổng giá trị thâm hụt thương mại của Việt Nam chính là việc nhập khẩu các máy móc, công nghệ của Trung Quốc. Đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng có trình độ công nghệ trung bình của Trung Quốc trước mắt là phù hợp với lợi thế nguồn lao động, vốn của Việt Nam. Tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam cần phải nhanh chóng chuyển sang phát triển các ngành sản xuất có trình độ công nghệ cao để đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Việt Nam cần thực hiện quyết liệt chính sách hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ có hiệu quả để khuyến khích các nhà đầu tư nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nước có trình độ công nghệ cao như Nhật Bản, Tây Âu, Hoa Kì để chuyển hướng nhập khẩu máy móc công nghệ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Đối với các dự án ODA, Việt Nam không nên đề xuất những dự án đòi hỏi công nghệ hiện đại mà Trung Quốc không có ưu thế. Bằng cách này, Việt Nam vừa giảm được nhập siêu từ Trung Quốc tức thời, vừa hiện đại hóa được nền sản xuất, từ đó có thể phát triển sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và nâng cao giá trị hàng xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm nhập siêu về lâu dài.
4. Kết luận
Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 2001 đến 2011, vấn đề nhập siêu lớn, liên tục và ngày càng gia tăng của Việt Nam là một thực tế đang diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc chiếm một tỉ trọng rất lớn trong rổ nhập siêu hàng năm của Việt Nam và đang tác động tiêu cực đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2015, CAFTA sẽ có hiệu lực đầy đủ đối với Việt Nam, thuế suất đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm xuống 0%, sức ép nhập siêu vì thế cũng gia tăng hơn nữa.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Việt Nam đó là tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm sớm hiện đại hóa nền sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng xuất khẩu để giảm sự chênh lệch cán cân thương mại trong quan hệ với Trung Quốc, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công thương (2008), Thương mại Việt Nam – Trung Quốc, NXBLĐ, Hà Nội.
2. Thu Hà (2006), “Trung Quốc – điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 8(68), trang 3 – 4.
3. Phạm Đình Hàn (2001), Những yếu tố cấu thành chỉ tiêu GDP và các giác độ nghiên cứu khác nhau, http://vienkhoahoc.thongke.gov.vn/
4. Doãn Công Khánh (2008), “Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc: thực tiễn và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số 4(83), trang 41 – 51.
6. PGS,TS. Nguyễn Văn Lịch (Chủ biên) (2006), Cán cân thương mại trong sự nghiệp CNH, HĐH ở Việt Nam, Nxb Lao Động – Xã hội, Hà Nội.
7. Phạm Văn Linh (2001), Các khu kinh tế cửa khẩu biên giới Việt – Trung và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế hàng hoá ở Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Mơ (2001), “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên lĩnh vực ngoại thương: nhìn lại 10 năm và triển vọng”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số 6(40), trang 36 – 43.
9. Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê các năm: 1992, 1993, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội.
10. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2010, Nguồn: http://www.vinanet.com.vn/tin-thi-truong-hang-hoa-viet-nam.gplist.294.gpopen.188094.gpside.1.gpnewtitle.tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-song-phuong-giua-viet-nam-va-trung-quoc.asmx/



(*) TS, Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn.
[1] Cán cân thương mại sẽ góp phần tác động trực tiếp đến tình trạng tăng hay giảm của tổng giá trị sản phẩm quốc nội - GDP (Gross Domestic Product). Hiện nay, có nhiều phương pháp tính chỉ số GDP khác nhau (nhưng đều cho kết quả giống nhau). Nếu căn cứ vào khía cạnh chi tiêu: GDP = tiêu dùng + chi tiêu đầu tư + chi tiêu của chính phủ + (tổng kim ngạch xuất khẩu – tổng kim ngạch nhập khẩu), thì cán cân thương mại sẽ góp phần quyết định trạng thái tăng hay giảm của GDP. Hay nói cách khác, cán cân thương mại sẽ góp phần tác động trực tiếp đến chỉ số GDP.
[2] Trong bài giảng chuyên đề “Nhận dạng nguyên nhân khủng hoảng kinh tế Mỹ 2008 - 2009” tại Học viện Ngoại giao chiều 14/12/2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra rằng thâm hụt thương mại liên tục và gia tăng là một trong bốn yếu tố dẫn đến khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét