Từ
chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Xuân Lộc,
chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch
sử là lớp lớp những chiến công oai hùng làm nên Đại thắng mùa xuân 1975
để Tổ quốc ta thống nhất, Nam Bắc một nhà. Sự kiện này được giới sử học
trong và ngoài nước đánh giá là một trong những sự kiện quân sự nổi bật
nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Nhân dịp 37 năm giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất đất nước, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Quyết định lịch sử
Ngày
9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp đánh giá tương quan lực
lượng giữa ta và địch trên chiến trường; đồng thời, đề ra nhiệm vụ quân
sự mùa xuân 1975, thực hiện một bước kế hoạch tác chiến chiến lược. Quân
ủy Trung ương xác định trong mùa khô 1974-1975, hướng tiến công chủ yếu
của ta là Tây Nguyên và bổ sung nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây
Nguyên là: Phải tiêu diệt 4 đến 5 trung đoàn bộ binh, 1 đến 2 trung đoàn
thiết giáp; nhiều tiểu đoàn bảo an, trung đội dân vệ, cố gắng đánh quỵ
hoặc tiêu diệt 1 sư đoàn, đánh thiệt hại Quân đoàn 2 của ngụy Sài Gòn.
Giải phóng một phần tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức gồm 3 thị xã Cheo
Reo, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột. Trọng điểm là tỉnh Đắc Lắc, mục tiêu then
chốt là Buôn Ma Thuột, mục tiêu quan trọng là 3 quận lỵ: Đức Lập, Thuần
Mẫn, Kiến Đức. Hướng Cheo Reo, Gia Nghĩa là hướng phát triển chủ yếu.
Ngày
5-2, Bộ Chính trị cử đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính
trị, Tổng tham mưu trưởng vào chiến trường Tây Nguyên làm đại diện của
Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh bên cạnh Bộ Chỉ huy
chiến dịch Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đồng thời đọc
Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Trung tướng Hoàng
Minh Thảo được bổ nhiệm Tư lệnh mặt trận; Đại tá Đặng Vũ Hiệp: Chính ủy;
Thiếu tướng Vũ Lăng, Đại tá Phan Hàm, Đại tá Nguyễn Năng, Đại tá Nguyễn
Lang: Phó Tư lệnh; Đại tá Phí Triệu Hàm: Phó Chính ủy. Thường vụ Khu ủy
Khu 5 cử đồng chí Bùi San, Ủy viên Thường vụ Khu ủy cùng một số cán bộ
đại diện các ngành bên cạnh Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch để trực
tiếp chỉ đạo 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc huy động mọi khả năng
hiện có của địa phương phục vụ mặt trận. Cùng trong tháng 2, Quân ủy
Trung ương Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 232 (tương đương Quân
đoàn) tại Nam Bộ. Trong Đoàn 232 gồm có 2 Sư đoàn bộ binh số 3 và số 5,
Lữ đoàn pháo binh 232, Trung đoàn công binh 32 và một số đơn vị trực
thuộc khác. (Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 26-30/4, Đoàn 232
được tăng cường Sư 9 của Quân đoàn 4, tấn công hướng Tây và Tây Nam Sài
Gòn). Đồng chí Nguyễn Minh Châu được bổ nhiệm Tư lệnh; đồng chí Trần Văn
Phác được bổ nhiệm Chính ủy.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. |
Chiến
dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch
(khoảng 4 đến 5 trung đoàn bộ binh, 1 đến 2 thiết đoàn thiết giáp) giải
phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, tạo thế chia cắt chiến lược thực hiện
chiến lược giải phóng miền Nam (1975-1976). Khu vực Nam Tây Nguyên gồm
các tỉnh Phú Bổn, Đắc Lắc, Quảng Đức, địch có Sư đoàn bộ binh 23, Lữ
đoàn dù 3, Trung đoàn bộ binh 40, 8 liên đoàn biệt động quân, Lữ đoàn
tăng thiết giáp số 2, 30 tiểu đoàn bảo an và các đơn vị binh chủng
chuyên môn kỹ thuật, bố trí thành thế phòng ngự hoàn chỉnh.
Về
phía lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm 5 Sư đoàn (10, 320A, 316,
968, 3) và 4 Trung đoàn bộ binh (25, 271, 95A, 95B), Trung đoàn đặc công
198, Trung đoàn xe tăng - thiết giáp 273 và một số đơn vị binh chủng
chuyên môn kỹ thuật. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Tư lệnh, Trung tướng
Hoàng Minh Thảo; Chính ủy Đặng Vũ Hiệp.
Sau một số
trận đánh tạo thế và nghi binh thu hút địch lên hướng Pleiku, từ ngày
4-3, ta bước vào tạo thế cắt đường 19, 21 (chia cắt chiến lược Tây
Nguyên với đồng bằng); cắt đường 14 (chia cắt chiến dịch Bắc với Nam Tây
Nguyên), tập kích bằng đặc công và hỏa lực pháo binh vào Kon Tum. Ngày
8-3, ta đánh quân lỵ Thuần Mẫu; ngày 10-3 diệt vị trí Đức Lập, cô lập
triệt để Buôn Ma Thuột (mục tiêu then chốt chủ yếu). Địch phải đổ bộ
đường không xuống Phước An để phản kích; bị Sư đoàn 10, Trung đoàn 25
đánh từ ngày 4 đến 18-3, Sư đoàn 23 (thiếu) và Liên đoàn biệt động quân
21 của địch bị tiêu diệt.
Để bảo toàn lực lượng còn
lại của Quân đoàn 2, địch phải bỏ Bắc Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng
theo đường số 7 liên tỉnh. Sư đoàn 320 truy kích địch từ ngày 17 đến
23-3, đánh thiệt hại nặng 1 trung đoàn bộ binh, 6 liên đoàn biệt động, 4
thiết đoàn..., giải phóng Cheo Reo, Cung Sơn. Đồng thời từ ngày 18 đến
24-3, Sư đoàn 968, Trung đoàn 95A và Trung đoàn 271 giải phóng thị xã
Kon Tum, Pleiku, Gia Nghĩa. Từ ngày 2-3 đến 3-4-1975, các đơn vị của ta
tiếp tục phát triển xuống duyên hải miền Trung Bộ diệt Lữ đoàn dù số 3,
Trung đoàn bộ binh 40, Liên đoàn biệt động quân 24 của địch; cùng với
lực lượng tại chỗ giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh.
Kết
thúc chiến dịch, ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 và
một số bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, giải phóng Tây
Nguyên và các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Chiến dịch Tây Nguyên thể hiện
nghệ thuật cao về chọn hướng (mục tiêu), nghi binh, tạo thế (cắt, vây),
tập trung lực lượng giành và giữ quyền chủ động, phát triển tiến công;
mở ra một bước ngoặt đưa cuộc chiến tranh từ tiến công có ý nghĩa chiến
lược đến Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Ngày
15-3, Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn quyết định đưa Liên đoàn 14 biệt
động quân từ Quảng Ngãi ra Quảng Trị thay thế Lữ đoàn 369 và đưa Lữ đoàn
258 lính thủy đánh bộ vào bảo vệ Quảng Nam - Đà Nẵng để rút Sư đoàn dù
về bảo vệ Sài Gòn. Cuộc điều quân bố trí lại lực lượng này càng làm cho
địch lâm vào thế bị đập tan vỡ.
Ngày 18-3, Bộ Chính
trị họp nhận định: Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh
dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp của Mỹ -
ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và
Cam Ranh… Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong
năm 1975; nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt Quân đoàn I của
địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các
tỉnh Trung Bộ.
Ngày 21-3, chiến dịch Huế - Đà Nẵng
được mở ra, nhằm tiêu diệt tập đoàn quân phòng ngự mạnh của quân ngụy ở
Trị - Thiên, Huế, Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh miền Trung; Bộ Quốc phòng
mở chiến dịch tiến công các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng
Nam, Quảng Ngãi. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có Quân đoàn I -
Quân khu 1; có 6 sư đoàn (2 sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị, 4 sư
đoàn biệt động quân); 24 tiểu đoàn và l0 đại đội bảo an, 21 tiểu đoàn
pháo binh (418 khẩu), 4 thiết đoàn và 10 chi đoàn tăng - thiết giáp
(trên 400 xe), 165 tàu hải quân, 1 sư đoàn không quân (96 máy bay chiến
đấu) được bố trí thành 2 khu vực phòng ngự vững chắc: Bắc đèo Hải Vân
(Trị - Thiên) và Nam đèo Hải Vân (Đà Nẵng - Quảng Ngãi).
Chiến
dịch này do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Trung tướng Lê
Trọng Tấn làm Tư lệnh; Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy. Chiến dịch
thực hiện làm 2 đợt. Đợt 1, tác chiến từ ngày 21 đến 25-3 tiến công bao
vây, chia cắt chiến lược, giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, Quảng
Ngãi. Đợt 2, tác chiến từ ngày 26 đến 29-3, ta tiến hành tổng công kích
vào Đà Nẵng.
Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi
vòng chiến đấu 120.000 tên địch, làm tan rã 130.000 phòng vệ dân sự,
tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh (Quân đoàn 1), sư đoàn thủy
quân lục chiến (tổng dự bị), 4 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1
sư đoàn không quân; giải phóng 5 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng
Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi). Thắng lợi của chiến dịch này có ý nghĩa
chiến lược quan trọng làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến
lược hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý đồ co cụm chiến lược
của địch, tạo điều kiện cho quân ta đẩy mạnh tốc độ tiến công giải phóng
Sài Gòn và toàn miền Nam.
Ngày 25-3, Bộ Chính trị
đã họp nhận định: "Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm
chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi như lúc này"; do đó, cần "Nắm
vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập
trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho
địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay". Bộ Chính trị quyết định
"Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa"
(tháng 5 -1975). Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241/NQ-TW thành lập Hội
đồng chi viện miền Nam ở Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên
Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Các đồng chí Lê Thanh
Nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng; Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ
Giao thông, Vận tải làm Phó Chủ tịch. Bộ Tổng Tham mưu cũng quyết định
điều động một bộ phận lớn Quân đoàn I vào tham gia chiến dịch giải phóng
Sài Gòn. Sư đoàn 308 làm nhiệm vụ dự bị chiến lược của Bộ và bảo vệ
miền Bắc.
Ngày 26-3, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số
54/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) tại căn cứ Tây
Nguyên. Trong Quân đoàn gồm có: 3 Sư đoàn bộ binh số 10, 316, 320A; 2
Trung đoàn pháo binh 40 và 675; 3 Trung đoàn phòng không số 232, 234,
593; Trung đoàn đặc công 198; Trung đoàn xe tăng 273; 2 Trung đoàn bộ
binh số 7 và 575; Trung đoàn thông tin 29 và các cơ quan, đơn vị đảm
bảo, phục vụ. Tư lệnh Quân đoàn: Thiếu tướng Vũ Lăng; Chính ủy Quân
đoàn: Đại tá Đặng Vũ Hiệp.
Cũng trong ngày này, hơn
2.000 binh sĩ ngụy thuộc trung tâm huấn luyện Hòa Cầm làm binh biến,
nhiều đơn vị địch rời bỏ trận địa tiền tiêu rút về phía sau. Tiếp đó, cả
3 lữ đoàn của sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy đều bỏ vị trí chiến đấu
(Lữ đoàn 148 rút về Phú Lộc, Lữ đoàn 258 bỏ về sân bay Nước Mặn, Lữ đoàn
369 chạy về Hiếu Đức), Trung đoàn 57 (Sư đoàn 3) chạy về Hòa Cầm. Trung
tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu I vội vàng chạy ra bán
đảo Sơn Trà lên tàu chiến Mỹ trốn vào Sài Gòn.
Ngày
31-3, Bộ Chính trị họp nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam
không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến
lược để tiến hành Tổng tiến công vào sào huyệt của địch đã chín muồi.
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu,
nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực
hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt
nhất là trong tháng 4, không thể để chậm. Phải gấp rút tăng cường lực
lượng vào hướng Tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược,
triệt hẳn đường số 4, áp sát Sài Gòn; đồng thời, nhanh chóng tập trung
lực lượng ở hướng Đông và Đông Nam, đánh chiếm những mục tiêu quan
trọng, thực hiện bao vây, cô lập Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa,
Vũng Tàu. Tổ chức sẵn sàng những đơn vị binh chủng hợp thành mạnh để khi
thời cơ xuất hiện, thì tức khắc hành quân chiếm các mục tiêu quan trọng
nhất ở trung tâm thành phố.
Tư tưởng chỉ đạo: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.
(Kỳ 2: Trận đánh quyết định)
Nhóm BS lịch sử (Theo Việt Nam thế kỷ XX)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét