24 tháng 4, 2012

Giá trị tinh thân của chiến thắng Xuân Lộc đối với quân và dân ta trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

QĐND - 10 giờ trước 20 lượt xem
QĐND - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự phát triển tất yếu của các chiến dịch với các quy mô khác nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là sự phối hợp chặt chẽ giữa đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực với bộ đội địa phương và nổi dậy của quần chúng nhân dân, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong các chiến dịch ấy, chiến dịch Xuân Lộc là đòn tiến công của quân chủ lực vào khu vực trọng yếu trong tuyến phòng thủ Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa -Vũng Tàu của địch. Đây là vị trí có tầm quan trọng chiến lược, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn; do đó, bằng mọi giá chúng phải “giữ cho được Xuân Lộc”. Đối với địch, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Với vị trí chiến lược đó, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc mà nòng cốt là Sư đoàn bộ binh 18 (thuộc Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn) để bảo vệ cho được “cánh cửa thép” rất quan trọng này ở phía Đông Sài Gòn.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng…” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Miền đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt lực lượng địch phòng giữ phía Đông Sài Gòn, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự bảo vệ Sài Gòn của địch; cắt đứt giao thông, cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi mở đường cho các lực lượng của Bộ, Miền và lực lượng vũ trang địa phương trên hướng Đông nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn -Gia Định.
Chỉ huy Trung đoàn 3 (Sư đoàn 304) bàn phương án tác chiến trong Chiến dịch Xuân Lộc. Ảnh tư liệu
Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu gay go, quyết liệt, với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1; tiêu diệt Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18), đánh thiệt hại Sư đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại; phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô; giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh. Chiến thắng Xuân Lộc đã đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn; làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược lịch sử.
Chiến thắng Xuân Lộc đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh cách mạng Việt Nam, trong đó có nghệ thuật phát triển thắng lợi của chiến dịch trước đối với chiến dịch sau. Chiến thắng Xuân Lộc còn có giá trị tinh thần đối với quân và dân ta trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giá trị đó thể hiện ở mấy vấn đề cơ bản sau:
Một là, chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của quân và dân ta vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng, thắng lợi của chiến tranh giải phóng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến thắng Xuân Lộc đã thể hiện rõ tài thao lược của Đảng ta trong chiến tranh giải phóng. Đó là quá trình tìm tòi, nghiên cứu, bám sát thực tiễn khách quan, phân tích đúng tình thế và thời cơ cách mạng, sớm phát hiện và giải quyết các vấn đề để kết thúc chiến tranh một cách đúng lúc.
Sau thắng lợi to lớn của hai đòn tiến công chiến lược giải phóng Tây Nguyên và giải phóng Huế - Đà Nẵng, cục diện chiến trường miền Nam đã có sự thay đổi căn bản về thế và lực, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta. Quân đội Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ hoàn toàn bất lực, dù có can thiệp thế nào cũng không cứu vãn nổi tình thế. Thời cơ đã chín muồi để quân và dân ta thực hiện tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, tiến hành trận quyết chiến chiến lược đánh thẳng vào hang ổ cuối cùng của địch ở Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước sự phát triển mau lẹ của tình hình, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định: Tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975.
Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông của Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn; niềm tin của quân và dân ta vào sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng, vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh được củng cố vững chắc. Đây là điều hết sức hệ trọng đối với quân và dân ta trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng Xuân Lộc đã khơi dậy và cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí thế cách mạng tiến công của toàn quân và toàn dân cho trận quyết chiến chiến lược. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ta đã huy động được một lực lượng quân sự lớn chưa từng có, với sự tham gia của 5 binh đoàn chủ lực, hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn của các quân binh chủng, lực lượng vũ trang tại chỗ ở Nam Bộ kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân; cùng một khối lượng vật chất lớn với hơn 60.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bằng đòn tiến công quân sự mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực đã nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân chủ lực địch, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Bằng thắng lợi của đòn tiến công quân sự, ở các địa phương, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, quần chúng nhân dân đã đứng lên tiến hành công tác binh địch vận, tổ chức đấu tranh, chớp thời cơ nổi dậy giành chính quyền, thiết lập trật tự trị an và truy quét tàn binh địch.
Với thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc, quân và dân cả nước tin tưởng hơn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng. Thắng lợi đó không những khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn củng cố, phát huy nhân tố chính trị -tinh thần của toàn quân, toàn dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Hai là, chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần động viên cổ vũ quân và dân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, kiên quyết tiến công tiêu diệt nhanh, gọn quân địch, giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là tư tưởng và quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân được thể hiện bằng hành động anh hùng của quân và dân ta trong đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong kháng chiến chống Mỹ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy, phát huy cao độ, kết tinh thành khát vọng cháy bỏng của toàn dân, toàn quân “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và trở thành quyết tâm sắt đá “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập, tự do”. Nhờ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn thử thách khốc liệt, liên tiếp giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Cùng với chiến thắng Tây Nguyên, chiến thắng Huế - Đà Nẵng, chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về tương quan so sánh lực lượng địch -ta; về thời cơ và sự chỉ đạo tác chiến chiến lược tài tình của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong việc tập trung lực lượng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ nhận thức chuyển hóa thành niềm tin, ý chí, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng và động cơ bên trong thôi thúc cán bộ, chiến sĩ toàn quân cùng với toàn dân quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, phấn khởi, tự tin, thấu triệt tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” để kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 4-1975, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều liên tiếp có những hoạt động chính trị -quân sự tác động trực tiếp đến trạng thái tâm lý và tư tưởng của bộ đội ta. Mỹ đã lập cầu hàng không khẩn cấp chở vũ khí chi viện cho quân đội Sài Gòn. Được Mỹ hà hơi tiếp sức, chính quyền Sài Gòn đã lập phòng tuyến ngăn chặn quân ta từ xa với binh lực khá mạnh nhằm khống chế các trục đường chính dẫn vào nội đô Sài Gòn; trong đó trên hướng Đông là trung tâm đề kháng kiên cố Xuân Lộc. Với hệ thống phòng ngự đã chốt chặn quanh Sài Gòn, cả Mỹ và Việt Nam cộng hòa đều hy vọng vào khả năng kéo dài cuộc chiến để thương lượng với ta. Đặc biệt, trong tình thế tuyệt vọng, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn được Mỹ cho phép đã sử dụng máy bay C -130 ném hai quả bom CBU -55 (loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng) để ngăn chặn ta tiến công, gây cho ta nhiều thiệt hại. Nhưng hành động của chúng không những không thay đổi được tình thế mà càng làm tăng thêm ý chí căm thù giặc và củng cố thêm quyết tâm chiến đấu, không sợ hy sinh gian khổ của quân và dân ta.
Chiến thắng Xuân Lộc đã cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta thi đua giết giặc lập công, thực hiện đột kích dũng mãnh, thọc sâu táo bạo, giáng đòn quyết định vào sào huyệt cuối cùng của địch. Trên khắp mọi miền của đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ biên giới đến hải đảo, từ hậu phương đến chiến trường, đều khẩn trương dốc lòng, dốc sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng -Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ba là, chiến thắng Xuân Lộc đã làm cho “hy vọng” cuối cùng của đế quốc Mỹ cứu chính quyền Sài Gòn trở nên tuyệt vọng; trạng thái chính trị -tinh thần, tâm lý của quân đội Sài Gòn nhanh chóng sụp đổ, tạo điều kiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi.
Chiến thắng Xuân Lộc là trận mở màn có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước".
Thực tế cho thấy, sau khi bị ta đánh tan rã toàn bộ lực lượng địch thuộc Quân khu 1, Quân khu 2; xóa sổ Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, địch buộc phải vội vã co cụm chiến lược, cố giữ những vùng còn lại ở Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Những thất bại liên tiếp trên chiến trường làm cho tình hình địch càng trở nên hỗn loạn, tinh thần binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn sa sút rất mạnh. Được Mỹ cung cấp thêm tiền và vũ khí, Nguyễn Văn Thiệu nhanh chóng củng cố và tăng cường tuyến phòng thủ Quân khu 3, Quân khu 4 với hy vọng Mỹ sẽ can thiệp và tìm cách thương lượng với ta. Ngày 31-3-1975, tướng Weyand tuyên bố rằng: Sài Gòn và vùng châu thổ là cứ điểm mạnh có thể tồn tại. Nếu tình hình quân sự ổn định thì không có lý do gì để tuyệt vọng cả, không có lý do gì để Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Tổng thống Mỹ G. Pho lúc đó còn ngạo mạn gửi công hàm cho Chính phủ ta và các nước ký Hiệp định Pa -ri về Việt Nam, đòi chúng ta ngừng tấn công ở miền Nam và đe dọa, nếu không sẽ chuốc lấy hậu quả.
Thế nhưng, khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá tan, cửa ngõ phía Đông tiến vào nội đô Sài Gòn được mở rộng thì giới lãnh đạo Mỹ và chính quyền Sài Gòn vô cùng hoảng loạn. Đại sứ Mỹ G.Martin tại Sài Gòn phải khẩn cấp báo ngay với Tổng thống G. Pho rằng: “Các đơn vị quân Bắc Việt Nam đang cùng một lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn... Có khả năng bao vây và cô lập thành phố này trong một hay hai tuần nữa. Chính phủ (Việt Nam Cộng hòa) có thể tăng viện một hoặc hai mặt trận bằng cách rút lực lượng từ khu vực Cần Thơ hoặc Mỹ Tho, nhưng cũng không thể làm gì hơn là sự kéo dài thêm sự tồn tại của Sài Gòn khoảng một tuần, bởi vì quân Bắc Việt có khả năng hầu như lập tức loại trừ những lực lượng tăng cường này” (1). Trước tình thế không thể cứu vãn, ngày 23-4-1975, Tổng thống G.Pho buộc phải tuyên bố cuộc “Chiến tranh Việt Nam được coi như chấm dứt đối với Hoa Kỳ” (2); không thể giúp người Việt Nam (ý nói quân đội Sài Gòn -TG) được nữa. Tướng Weyand thì cho rằng, tình hình quân sự ở Việt Nam là tuyệt vọng và phải gấp rút di tản người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam với quy mô lớn. Như vậy, chiến thắng Xuân Lộc đã tác động trực tiếp và góp phần làm cho giới cầm quyền Mỹ phải từ bỏ hoàn toàn ý đồ "hà hơi tiếp sức", cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn, “sự kiện Xuân Lộc” đã tạo ra áp lực mạnh mẽ, làm cho nội bộ vốn đã lục đục, nay càng lục đục và suy yếu thêm. Trước áp lực của tình hình và sức ép của người Mỹ, sáng 21-4-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tuyên bố từ chức. Sự thay đổi về nội các của chính quyền Sài Gòn trong tình thế suy sụp đã không thể làm thay đổi được cục diện chiến tranh và cứu vãn được tình hình. Mặt khác, sau khi hàng loạt địa bàn chiến lược quan trọng như: Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… bị mất, tinh thần và ý chí chiến đấu của quân đội Sài Gòn ngày càng suy sụp trầm trọng. Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc là đòn quyết định đánh sập toàn bộ ý chí kháng cự của địch và làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ xung quanh Sài Gòn. Mặc dù sau Chiến dịch Xuân Lộc, quân số và vũ khí trang bị của địch còn tương đối mạnh, nhưng tinh thần chiến đấu thì đã suy sụp hoàn toàn nên không thể chống đỡ nổi cuộc tổng công kích mạnh như vũ bão của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Chiến thắng Xuân Lộc đã đi vào lịch sử, những bài học kinh nghiệm và giá trị tinh thần của nó vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Kế thừa, phát triển và làm tỏa sáng giá trị tinh thần của Chiến thắng Xuân Lộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hiện nay cần nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 25 năm đổi mới, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đi đôi với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiện nay, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, đã và đang sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta... Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những thành quả của chiến thắng Xuân Lộc nói riêng, của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc nói chung, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn Quân ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng nhân tố chính trị -tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy. Trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cần đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực chủ yếu trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
(1) Bộ Quốc Phòng, Ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Đại thắng mùa Xuân 1975-Bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.213.
(2) Theo tin Viễn ấn ngoại quốc, ngày 25-4-1975, phông PTTg, Hồ sơ 3791.

1 nhận xét: