8 tháng 1, 2011

NGOẠI NGỮ - MỘT RÀO CẢN LỚN ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC Ở CÁC TỈNH NAM BỘ

1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển đội ngũ cán bộ khoa học – kĩ thật, … có trình độ SĐH đã trở thành một vấn đề nóng bỏng đối với các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Rất nhiều tỉnh đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lực lượng cán bộ công chức đi học SĐH. Đồng thời, Trường ĐHSP Tp.HCM và các cơ sở đào tạo khác ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và cả nước trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu trên. Tuy nhiên, vấn đề phát triển nguồn nhân lực có trình độ SĐH cho các tỉnh này vẫn diễn ra một cách chậm chạp. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này đó là do rất nhiều thí sinh của các tỉnh này không vượt qua được kì thi tuyển sinh SĐH do trình độ ngoại ngữ yếu.
Có thể nói rằng ngoại ngữ luôn là rào cản đối với các thí sinh dự thi cao học ở Trường ĐHSP Tp.HCM cũng như ở nhiều cơ sở đào tạo SĐHkhác tại Tp. Hồ Chí Minh hiện nay. Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ SĐH của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ hiện nay và trong thời gian tới.
Làm sao để tăng thêm cơ hội cho các thí sinh ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ trong đào tạo SĐH ở Trường ĐHSP Tp.HCM nói riêng và các cơ sở đào tạo khác ở Tp. Hồ Chí Minh nói chung ? Đó là vấn đề đòi hỏi cơ sở đào tạo và các địa phương cần phải nghiên cứu để tìm hướng giải quyết hợp lí.
Trong bài viết này, chúng tôi thử phân tích khả năng ngoại ngữ của các thí sinh để làm rõ nguyên nhân và đề xuất một vài giải pháp nhỏ nhằm góp phần hạn chế những thiệt thòi cho các thí sinh ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học – kĩ thuật có trình độ SĐH cho các địa phương này.
2. Yếu ngoại ngữ – hạn chế lớn của các thí sinh dự thi cao học ở Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh
Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo SĐH, người dự thi cao học phải có trình độ tương đương B ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức) và một trong những điều kiện cần thiết để bảo vệ luận văn Thạc sĩ là học viên phải có trình độ C ngoại ngữ (nghĩa là có thể sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu).
Trong những năm qua, Trường ĐHSP Tp.HCM đã thực hiện công tác ôn tập, thi tuyển và đào tạo môn ngoại ngữ trong quá trình tuyển sinh và đào tạo bậc thạc sĩ theo đúng quy định và chương trình đào tạo của quy chế. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong muốn : Trong nhiều năm liền, do khả năng ngoại ngữ của thí sinh không đáp ứng được yêu cầu của đề thi tuyển sinh môn ngoại ngữ nên trường đã không thể tuyển đủ chỉ tiêu do nhiều thí sinh trượt môn ngoại ngữ (dưới 50/100 điểm).
Nguyên nhân của thực trạng đó là do phần lớn những thí sinh dự thi SĐH ở Trường ĐHSP Tp.HCM là giáo viên trung học, giảng viên các trường đại học, cao đẳng… có trình độ cử nhân sư phạm (tốt nghiệp các trường ĐHSP) rất yếu ngoại ngữ vì :
Chương trình đào tạo ngoại ngữ cho các ngành cử nhân sư phạm hiện tại chỉ dạy trong khoảng 2 năm đầu của khoá học với thời lượng khá ít. Ví dụ : ở Trường ĐHSP Đồng Tháp, Trường ĐHSP Tp. HCM, … thời lượng dành cho chương trình ngoại ngữ không chuyên là 20 đơn vị học trình : 20 x 15 = 300 tiết. Về lí thuyết, các cử nhân sư phạm sẽ đạt trình độ B ngoại ngữ. Nhưng trong thực tế, khả năng ngoại ngữ của họ sau khi ra trường lại thấp hơn nhiều.
Hơn nữa, sau khi ra công tác, những cử nhân sư phạm này lại không có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ nên cũng quên dần theo năm tháng, làm cho trình độ ngoại ngữ vốn đã yếu lại càng yếu hơn. Đến khi họ được cơ quan cử đi học thì phải theo học các lớp ôn tập tạo nguồn do cơ sở đào tạo tổ chức trong vòng 2 đến 3 tháng để đối phó với kì thi. Chính vì học gấp gáp và thiếu nền tảng vững chắc như vậy nên rất nhiều thí sinh không nâng cao được khả năng ngoại ngữ của mình. Đối với các thí sinh thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, tình trạng yếu ngoại ngữ đó lại càng nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, rất nhiều thí sinh ở các tỉnh khó khăn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ … mặc dù khá, giỏi về chuyên môn nhưng thi nhiều năm liền không đậu vì không đáp ứng được yêu cầu của đề thi tuyển sinh môn ngoại ngữ.
Trong những năm gần đây, mặc dù theo học SĐH ở Tp. Hồ Chí Minh gần với địa phương hơn nên chi phí ít, chất lượng đào tạo ở đây cũng không thua các trung tâm đào tạo lớn khác trong cả nước, nhưng nhiều thí sinh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên vẫn rất ngại đăng kí dự thi tại Trường ĐHSP Tp.HCM. Họ chấp nhận dự thi ở những nơi có công tác ôn tập và tuyển sinh thích hợp hoặc theo học các chương trình liên kết đào tạo giữa địa phương và các cơ sở đào tạo sau đại học, mặc dù chi phí học tập ở những nơi này cao hơn rất nhiều. Chính vì thi ở Tp. Hồ Chí Minh khó đậu, phải đi thi và học xa, chi phí học tập tăng cao nên nhiều cán bộ công chức ngại đi thi và địa phương cũng không thể cho cán bộ đi học nhiều vì nguồn kinh phí có hạn.
Thực trạng trên là một trở ngại lớn trong việc phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ Sau đại học trong ngành giáo dục nói riêng và các ngành khác nói chung của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
3. Thử đề xuất một vài giải pháp
3.1. Về phía Trường ĐHSP Tp.HCM
Do đặc điểm của các thí sinh dự thi như trên, Nhà trường cần tổ chức tốt công tác ôn tập tạo nguồn đối với môn ngoại ngữ; không chỉ tổ chức tạo nguồn tại trường mà còn tìm cách liên kết với các địa phương để mở các lớp tạo nguồn ngoại ngữ theo địa chỉ và đồng thời Trường cũng nên tham khảo công tác tạo nguồn ngoại ngữ của các trường xung quanh, đặc biệt là các trường ngoài khu vực Tp. Hồ Chí Minh.
Về lâu dài, Trường ĐHSP Tp.HCM nói riêng và các trường ĐHSP nói chung cần tổ chức tốt công tác đào tạo ngoại ngữ không chuyên và nếu có thể thì nên xây dựng chương trình đào tạo ngoại ngữ không chuyên kéo dài trong 4 năm với thời lượng 36 ĐVHT = 540 tiết như các trường đại học ngoài sư phạm, thay thế cho chương trình ngoại ngữ của các trường sư phạm hiện nay để nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên sư phạm.
Trong thời gian qua, rất nhiều địa phương đã chủ động liên kết với các trường đại học có khả năng đào tạo SĐHđể xin chỉ tiêu đào tạo bằng ngân sách địa phương; chẳng hạn như : tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bình Dương… Hay một số trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thực hiện khá thành công mô hình liên kết đào tạo Sau đại học với các cơ sở đào tạo có năng lực, điển hình như chương trình liên kết giữa Đại học Cần Thơ với Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Tp.HCM, Trường ĐHSP Đồng Tháp với Đại học Vinh để góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ SĐHcủa các địa phương.
Trường ĐHSP Tp.HCM gần các địa phương này, năng lực đào tạo SĐHcũng không thua các cơ sở đào tạo khác, nếu thực hiện được những chương trình liên kết như trên thì kinh phí sẽ giảm hơn nhiều so với liên kết với các trường ở xa khu vực. Chúng tôi cho rằng Trường ĐHSP Tp.HCM cần chủ động hơn trong công tác liên kết đào tạo Sau đại học với các địa phương để tạo cơ hội cho lực lượng cán bộ công chức ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ tham gia học tập và nâng cao trình độ.
3.2. Về phía các địa phương
Các địa phương khi quy hoạch cán bộ đi học, nên công bố trước một, thậm chí vài năm để những đối tượng được quy hoạch có điều kiện chuẩn bị và khi chính thức cử đi thi, địa phương nên tạo điều kiện cho họ tham gia các lớp tạo nguồn dài hạn để họ có điều kiện ôn tập. Nếu có điều kiện, các địa phương có thể liên kết với Trường ĐHSP và các cơ sở đào tạo SĐH khác để mở các lớp tạo nguồn ngoại ngữ ở ngay tại địa phương.
Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ tăng thêm cơ hội cho các thí sinh trúng tuyển vào trường thôi, nó không phải là chìa khoá vạn năng để giải quyết vấn đề phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ SĐH cho các tỉnh một cách nhanh chóng được, bởi vì chỉ tiêu đào tạo SĐH hàng năm của trường được Bộ giao không nhiều.
Để nhanh chóng phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ SĐH, các địa phương và các trường đại học trong vùng cần tích cực liên kết, hợp tác với Trường ĐHSP Tp.HCM cũng như các cơ sở đào tạo khác ở Tp. Hồ Chí Minh để xin thêm chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ bằng ngân sách địa phương, hoặc bằng ngân sách nhà nước để tăng thêm cơ hội học SĐH gần địa phương và chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho các cán bộ – công chức ở các địa phương mình.
Phạm Phúc Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét