8 tháng 1, 2011

Ai đã tạo ra sức ép đối với giáo viên

Tình trạng học sinh phổ thông tốt nghiệp THPT với tỉ lệ rất cao, nhưng khi thi đại học tỉ lệ HS đạt điểm tổng cộng ba môn bằng 15 điểm luôn chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn trong nhiều năm qua, hay hiện tượng mở rộng thang điểm đáp án trong chấm thi để nâng tỉ lệ tốt nghiệp của một số tỉnh... là hậu quả nhãn tiền của việc chạy theo thành tích để đạt chỉ tiêu do cấp trên áp đặt.

Hằng năm vào đầu năm học, các phòng, sở GD-ĐT thường căn cứ vào báo cáo kết quả của năm học trước để đặt ra một hệ thống chỉ tiêu thi đua cho các trường trong năm học mới: hiệu suất đào tạo, duy trì sĩ số, chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu đậu tốt nghiệp... Trên cơ sở đó, các trường triển khai và giao chỉ tiêu và xem đó là cơ sở quan trọng để đánh giá hoạt động chuyên môn của giáo viên (GV) và hiệu quả đào tạo của nhà trường...

Có thể nói trong điều kiện lương bổng không đủ sức cuốn hút người thầy chuyên tâm cho công tác giảng dạy như hiện nay, nếu không có những chỉ tiêu, kế hoạch này sẽ không tạo được động cơ thúc đẩy GV thực hiện tốt công tác giảng dạy.

Song bên cạnh ưu điểm nêu trên, biện pháp này bộc lộ một nhược điểm lớn, đó là nếu những chỉ tiêu đưa ra không đảm bảo khoa học thì nó sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Trong thực tế hiện nay, quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu, kế hoạch của ngành giáo dục ở nhiều nơi đang được tiến hành theo một qui trình ngược, mang tính áp đặt từ trên xuống.

Hệ quả của cách làm này là chỉ tiêu đưa ra không sát với điều kiện thực tế của từng trường, từng GV, dẫn đến các trường, các GV không thể nào đạt được những chỉ tiêu đó bằng chính năng lực và điều kiện hiện có của họ. Cuối cùng không còn cách nào khác là phải tìm mọi cách giúp học sinh đối phó để “chạy theo thành tích”.

Chúng tôi nghĩ rằng duy trì hoạt động thi đua trong dạy và học là một việc làm cần thiết. Nhưng không nên để những chỉ tiêu thi đua trở thành một sức ép quá lớn đối với GV trong quá trình dạy học, dẫn đến tình trạng phải đối phó với thi cử như hiện nay.

Để có được một hệ thống chỉ tiêu thật sự khoa học, đòi hỏi trong quá trình đưa ra chỉ tiêu GV phải căn cứ vào khả năng của học sinh, những điều kiện cơ sở vật chất hiện có của nhà trường và năng lực chuyên môn của mình để tự đưa ra một chỉ tiêu thích hợp, kèm theo đó là một loạt giải pháp thuyết phục để thực hiện mục tiêu đó. Trên cơ sở những chỉ tiêu của GV đăng ký, lãnh đạo nhà trường sẽ làm việc với GV để thống nhất một chỉ tiêu cụ thể.

Sau đó, các trường xây dựng những chỉ tiêu của trường mình và đăng ký với các cơ quan quản lý cấp trên. Sở, phòng GD-ĐT chỉ dựa vào chỉ tiêu của các trường đăng ký để thống nhất một con số mà hai bên có thể chấp nhận được.

PHẠM PHÚC VĨNH (Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp)
Tuổi Trẻ, Thứ sáu, 24 Tháng chín 2004, 05:14 GMT+7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét