Đúng là trong cuộc sống sôi động của đất nước hôm nay, không lãnh vực nào lại được dư luận xã hội, báo chí và các cơ quan truyền thông đại chúng bàn luận ở nhiều khía cạnh với các mức độ như giáo dục. Điều đó cũng dễ hiểu bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bởi giáo dục đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của mọi gia đình. Có biết bao nhiêu vấn đề lớn nhỏ, vĩ mô và vi mô về giáo dục đang cần được làm sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn, thậm chí có cả những vấn đề chưa quen nghĩ, chưa hề đặt ra nhưng vẫn phải đặt ra để nghĩ, đề bàn. Tất cả là để đưa nền giáo dục của nước nhà nhanh chóng vượt qua tình trạng non yếu, vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới, với đầy đủ bản sắc, bản lĩnh của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời hiện đại. Trong những vấn đề lớn nhất, gần đây, theo một số vị thức giả là phải có triết lý cho giáo dục. Bản thân tôi cũng từng thích thú điều đó. Nhưng rồi, sau một thời gian suy nghĩ, tự mình lấy nó lơ mơ, chơi vơi thế nào đấy. Bởi một định nghĩa triết lý trong đó có triết lý giản đơn, và triết lý cao siêu là thế nào? Rồi triết lý và triết học là một hay là hai? Quan hệ giữa triết lý với mục tiêu, phương châm và chiến lược trong giáo dục là thế nào?... Trên báo chí, đã có đó đây ý kiến về triết lý là thế này, thế khác. Nhưng với tôi vẫn chưa được thuyết phục. Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo về chiến lược giáo dục để lấy ý kiến thì có người đã phản bác cho rẳng đó chưa phải là triết lý giáo dục. Phải chăng như thế là “ông nói gà bà nói vịt” (xin lỗi). Bởi theo tôi, triết lý là triết lý, chiến lược là chiến lược. Mặc dù chiến lược phải có triết lý làm nền. Trước tình hình nan giải đó đối với mình, tôi quyết định chuyển hướng suy nghĩ sang vấn đề: Khoa học xã hội và nhân văn với nền giáo dục. Hy vọng cách đặt vấn đề này sẽ nhận được sự đồng thuận và chung sức của nhiều người, đặc biệt là các vị đại nhãn đại thức và quý vị đang có trách nhiệm chèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Ai cũng biết giáo dục đụng chạm đến toàn bộ tri thức cổ kim đông tây của nhân loại mà đại thể đã được chia thành hai ngành lớn: Khoa học tự nhiên - công nghệ và Khoa học xã hội - nhân văn. Trong phạm vi giáo dục, sự tồn tại của hai ngành tri thức đó là vừa tương hỗ vừa là biệt lập. Riêng khoa học xã hội và nhân văn lại vừa là nội dung truyền thụ vừa là cơ sở, nền tảng nhận thức để từ đó mà thiết kế và xây dựng nền giáo dục. Nếu coi giáo dục của một quốc gia là một lâu đài đồ sộ, muốn vững chãi thì phải có nền móng vững chãi là khoa học xã hội và nhân văn. Mà ngay với một quốc gia cũng vậy. Cuộc sống rất đa diện, nhưng tất cả muốn bền vững, trước hết cũng phải có nền tảng khoa học xã hội và nhân văn đích thực, bề thế. Lịch sử nhân loại đã chứng tỏ điều đó.
Từ cách nghĩ này, ta thấy gì ở nền giáo dục hiện thời của đất nước? Thấy qua các chương trình chính khóa và ngoại khóa, từ bậc mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, nội dung giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn với các mơn như lịch sử, ngữ văn, giáo dục công dân…, kể cả nội dung công tác đoàn hội, đã có vị trí đáng kể. Riêng ở bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, do có sự phân ngành nên ở các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, vị trí của khoa học xã hội và nhân văn là phụ và chủ yếu là chính trị học. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều đáng nói ở đây là nhìn từ góc độ tổng thể thì về khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường Việt Nam nói chung vẫn có điều thiếu điều thừa. Điều thiếu thì chưa thành dư luận mấy, nhưng điều thừa thì xem ra dư luận cũng đã rõ. Giá gì các nhà quản lý giáo dục có một cuộc điều tra xã hội học về sự thiếu thừa này với những người có nhiều hiểu biết về giáo dục ở trong nước và cả những chuyên gia giáo dục ở nước ngoài (trong đó có Việt kiều) thì hẳn có căn cứ hơn để suy nghĩ. Đúng là phải có một tầm nhìn rộng lớn và một bản lĩnh như thế nào đó mới có thể xác định được chuyện thiếu thừa này. Chứ cứ như cách nghĩ và tâm lý hiện thời của các nhả quản lý thì e cũng khó.
Tuy nhiên, vấn đề mà tôi muốn đặt ra ở bài viết này lại chưa phải là chuyện thừa thiếu cụ thể trong nội dung khoa học xã hội và nhân văn được giảng dạy trong hệ thống giáo dục hiện thời. Vấn đề tôi muốn nêu lên là ở cấp độ vĩ mô, tức là vai trò làm nền của khoa học xã hội và nhân văn đối với sự nghiệp giáo dục nói chung. Thì quả thấy là nó chưa đủ vững chãi vì còn thiếu nhiều điều lớn lao thuộc phạm vi khoa học xã hội và nhân văn mà đáng ra sự nghiệp giáo dục phải có trách nhiệm xử lý nếu thực sự muốn đạt được mục tiêu cuối cùng tối ưu của nó. Hạn chế này chính là từ nền khoa học xã hội và nhân văn của quốc gia. Không thể phủ nhận thành tựu của nó từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công nhưng cũng phải thấy rằng nền khoa học đó có để ngoài nhiều vấn đề lớn lao mà cuộc sống của đất nước đang phải đương đầu, đang đòi hỏi sự tường minh cao độ trong nhận thức và bản lĩnh sắc sảo trong việc xử lý. Do hạn chế này mà sự nghiệp giáo dục thiếu đi một sự hỗ trợ cần thiết. Riêng ngành Giáo dục thì cũng đã có Viện Khoa học Giáo dục, và cũng không thể phủ nhận thành tựu khoa học của nó, nhưng những thành tựu đó vẫn đang có tính chất khép kín thuộc nội bộ khoa học giáo dục trong khi đáng lẽ, nếu muốn có một nền khoa học giáo dục vững chắc, thì còn phải mở, quan tâm đến những vấn đề rộng lớn khác mà với sự nghiệp giáo dục nó vừa phải nhận thức vừa phải có trách nhiệm xử lý. Còn điều này nữa, cũng xin nói ra để cùng suy nghĩ xem sao… Sau Cách mạng tháng Tám 1945, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, với ngành giáo dục, hấu hết các vị bộ trưởng, thứ trưởng là những tên tuổi lớn thuộc khoa học xã hội và nhân văn: Vũ Đình Hoè, Đặng Thai Mai, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn… Dĩ nhiên thời đó không thể khác vì ngành khoa học tự nhiên và công nghệ chưa phát triển gì đáng kể. Còn sau này, một khi khoa học tự nhiên và công nghệ, kể cả các ngành kinh tế, thương mại đều phát triển mà xem ra như có sự “lấn át” đối với khoa học xã hội và nhân văn thì các vị bộ thứ trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thuộc giới khoa học tự nhiên công nghệ và kinh tế thương mại. Điều đó cũng là dễ hiểu. Tuy vậy, nếu thiếu các nhà khoa học xã hội và nhân văn, những nhà văn hóa lớn thì hẳn cũng không ít bất lợi cho sự nghiệp giáo dục. Tất nhiên để có được những nhà văn hóa lớn, khoa học xã hội và nhân văn lớn để tham gia lãnh đạo ngành giáo dục như chúng ta mong muốn trong tình hình hiện nay cũng không phải là chuyện dễ. Cái khó của vấn đề là ở đó. Nhưng vẫn phải nêu ra để suy nghĩ và cố tìm cách giải quyết chứ không thể lờ tịt. Chúng ta ước gì có được những bộ trưởng như cố giáo sư Tạ Quang Bửu, vốn là một tên tuổi sáng giá về khoa học tự nhiên nhưng cũng là người hiểu biết về khoa học xã hội nhân văn rất khả kính. Mặc dầu, với tình hình giáo dục của đất nước hiện thời, nếu giáo sư có tái sinh để làm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thì cũng không hẳn là chuyện đơn giản nốt.
Với giáo dục, nói gì thì nói, rút cục vẫn là mục tiêu đào tạo đạt được là ở đâu, đến đâu. Trong thực tế khái niệm mục tiêu từng được nêu lên ở mọi cấp, mọi mặt của nội dung giáo dục. Nhưng ở đây đang nói về mục tiêu tối thượng, mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp giáo dục là phải đào tạo được những thế hệ người Việt Nam có đầy đủ năng lực, phẩm chất tối ưu mang tính thời đại cho đất nước hiện tại và tương lai. Điều này nói thì dễ nhưng làm được cho ra làm thì rất khó. Vả chăng chúng ta quen nói nhưng thực ra cũng chưa nói đến độ tường minh và thấu đáo. Nghiêm túc ra, vẫn phải có một khoa học chuyên nghiên cứu về mục tiêu. Trong thực tế, chúng ta đang hăng hái vươn lên về khoa học tự nhiên và công nghệ hiện đại đó là điều không thể khác. Nhưng không chừng sẽ có sự thiên lệch bất lợi. Chúng ta khuyến khích học ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh hiện nay cũng là điều phải làm. Nhưng không chừng sẽ rơi vào tình trạng coi rẻ tiếng Việt. Chúng ta khát khao đưa nền giá dục nước nhà vươn lên ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới dĩ nhiên là tối cần. Nhưng không chừng lại coi nhẹ việc chăm bón cho bản sắc dân tộc trong giáo dục… Đúng là phải có một nền tảng khoa học xã hội và nhân văn đích đáng, bề thế hơn nữa, thực chất hơn nữa mới có thể đảm bảo sự hài hòa, cân đối trọn vẹn (dĩ nhiên cũng tương đối và phải là một quá trình) trong sự nghiệp đào tạo con người Việt Nam mà đất nước đòi hỏi trong thời đại mới. Bài viết này mới là đặt vấn đề. Bài tiếp sẽ nói rõ những vấn đề thuộc khoa học xã hội nhân văn mà sự nghiệp giáo dục cần quan tâm để có cách xử lý.
Y
(Bài II: Những vấn đề)
Ở bài I: Đặt vấn đề, tôi đã nói: Với nền giáo dục hiện thời của đất nước, để vượt qua tình trạng non yếu, cần làm sáng tỏ không biết bao nhiêu là vấn đề từ nhỏ đến lớn, vi mô đến vĩ mô. Nhưng điều cần nhất là cần có một nền khoa học xã hội và nhân văn đích đáng hơn, vững chãi hơn để đủ làm nền tảng cho sự nghiệp giáo dục nhằm đạt đến mục tiêu tối thượng, mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra được những thế hệ người Việt Nam có đủ năng lực, phẩm chất mang tính thời đại trong hiện tại và tương lai. Bài II này, xin nêu lên những vấn đề thuộc khoa học xã hội và nhân văn mà ngành giáo dục cần nhận thức và có trách nhiệm xử lý. Ở mỗi vấn đề này, chủ yếu cũng là nêu vấn đề. Bởi lẽ ở mỗi vấn đề đó, tự nó lại có nội dung vô cùng phong phú. Thậm chí, còn phải nghiên cứu công phu mới mong có sự tường minh và đặc biệt là sự đồng thuận.
1. Vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc trong công cuộc hội nhập thế giới
Mọi người Việt Nam chúng ta đều đã rõ, không chỉ rõ, mà thực tế đang sống trong một thời đại đất nước đã có cuộc hội nhập thế giới sôi nổi, gấp gáp chưa từng có trong lịch sử. Mà từ đó không chỉ là nguy cơ mất gốc, mất bản sắc dân tộc là một sự thật không thể chối cãi. Bởi thế mà một khẩu hiệu có thể nói là lớn nhất của thời đại đã được nêu lên: “hòa nhập không hòa tan”. Nhưng từ khẩu hiệu đến thực tiễn xã hội trong đó có thực tiễn của tuổi trẻ học đường đang là một khoảng cách khá xa. Chưa nói đến toàn xã hội, chỉ nói riêng ở thế giới học đường, giá gì Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, hoặc giả, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo có được một đề tài khoa học nghiên cứu về thực trạng tâm lý, lối sống, các thị hiếu trong cuộc sống của tuổi trẻ học đường trước yêu cầu “hòa nhập không hòa tan” thì biết thực trạng là thế nào. Và không chừng, sẽ sốt ruột biết mấy, nhất là với những ai thực sự tha thiết với yêu cầu bảo vệ bản sắc dân tộc. Của đáng tội, chuyện bảo vệ bản sắc dân tộc trong thời hội nhập thế giới sục sôi, gấp gáp như thế, đâu phải chuyện dễ. Không chỉ nghị quyết của Trung ương mà cả đến nhiều cơ quan văn hóa, nhiều sách báo đã bàn luận, nêu lên nhiều điều cần thiết nhưng xem ra vẫn chưa hết lúng túng. Bởi ngay đến một khái niệm “bản sắc dân tộc” là gì, đâu đã đủ độ tường minh, một khi mà cái xu thế chạy theo sự đổi mới đã trở thành một khát vọng lớn lao, một cảm hứng mãnh liệt, dù chân chính, nhưng ít nhiều lại rơi vào tình trạng phiến diện vì đã bỏ quên mất ý thức, cảm hứng tìm lại để bảo tồn những giá trị vĩnh hằng trong cuộc sống nhân sinh, từng đã làm nên bản sắc dân tộc. Nhiều người thường nhắc đến luận đề của Héraclit “Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông” (On ne c’est pagne deux même dans la rivère). Ý nói với dòng sông thì nước luôn luôn chảy. Cho nên hôm nay tắm với nước sông hôm nay, ngày mai tắm với nước sông ngày mai. Nói thế tưởng đúng. Nhưng thực ra chưa đúng. Vì nước sông thì không bao giờ dừng một chỗ nhưng vẫn còn là sông vĩnh hằng kia mà. Tôi ước gì trên đất nước ta hôm nay trong thời hội nhập thế giới chưa từng có như thế mà làm sao cùng một lúc cả đất nước nồng nàn với cảm hứng đổi mới thì cũng nồng nàn với cảm hứng, phát hiện và sống thực với những giá trị nhân sinh vĩnh hằng mà dân tộc trải qua bao đời tạo dựng được. Có được như thế thì lợi cho sự nghiệp giáo dục biết chừng nào. Hiện nay sở dĩ chưa thể an tâm được với công cuộc bảo vệ bản sắc dân tộc là do việc hiểu thế nào là bản sắc dân tộc chưa đủ độ tường minh cần có đã đành, còn là từ chỗ chưa nhìn rõ sự mất mát bản sắc dân tộc đã xảy ra khá nặng nề từ khi có sự đụng độ Đông Tây trong đó tuy có sự nâng đỡ của Tây đối với Đông, nhưng cũng có sự áp đảo của Tây đối với Đông. Nói riêng ở Việt Nam ta, sự áp đảo này là khá nặng nề mà tiếc rằng hầu như chúng ta cho đến nay chưa nhận rõ để có có cách khắc phục ở mức độ cần thiết nhất. Trách nhiệm này, dĩ nhiên, trước hết phải đòi hỏi ở các nhà lãnh đạo đất nước, ở Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia. Nhưng thiết tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi tập trung đội ngũ trí thức đông đảo nhất, bao gồm cả trí thức khoa học tự nhiên công nghệ và trí thức khoa học xã hội nhân văn, nếu có ý thức và biết tổ chức việc nghiên cứu để làm sáng tỏ thì không phải không làm được dù ở mức độ nào đó thì cũng có lợi cho sự nghiệp giáo dục.
2. Vấn đề đạo đức trong thời đại làm giàu
Đúng là đất nước hôm nay đang quyết tâm vượt ra khỏi nghèo đói, thua kém thế giới về đời sống kinh tế. Khát vọng làm giàu đất nước đã trở thành khát vọng lớn nhất của thời đại. Bởi như Hồ Chủ Tịch đã dạy: Độc lập mà để dân nghèo đói thì chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng vấn đề đặt ra là: Giàu có phải đi đôi với đạo lý. Đó mới là điều đáng mong muốn nhất chứ giàu có mà đạo đức suy thoài thì vui sao trọn được. Mà thực tế đang diễn ra là thế nào thì hẳn mọi người đã rõ. Nhiều văn kiện của Đảng, nhiều sách báo chẳng đã thừa nhận trong cuộc sống của đất nước hôm nay, có sự ngược chiều giữa sự giàu có và đạo lý. Giàu có thì đi lên. Đạo lý thì đi xuống. Trước hiện tượng này, trách nhiệm thuộc về ai, không nói thì cũng đã rõ. Nhưng chuyện quy trách nhiệm này xét đến cùng cũng chưa phải là điều cơ bản. Điều cơ bản là phải nhận chân về quy luật khách quan và khắc nghiệt của cuộc sống, không chỉ với Việt Nam mà còn là với nhân loại nói chung. Ở Việt Nam ta, người phát hiện đầu tiên ra quy luật này là thi sĩ Tàn Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Trong “Giấc mộng con” tập I viết năm 1916. Tản Đà trong cuộc sống mộng du đi khắp thế giới, đến “Cõi đời mới” nhìn lại cõi đời cũ mình từng sống đã nhận xét là nơi mà “sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man tiến hóa cũng bấy nhiêu. Sự công nghệ tiến hóa bao nhiêu thì sự giết người tiến hóa cũng bấy nhiêu…” Có ai bác bỏ được quy luật trần gian khắc nghiệt này không một khi chịu khó nhìn lại lịch sử thế giới và tình hình thế giới hiện nay. Vấn đề là phải áp dụng học thuyết chủ nghĩa Mác trong việc cố gắng phát huy vai trò chủ thể của con người để hạn chế được chừng nào hay chừng ấy trước sự phũ phàng, lạnh lùng của quy luật. Tôi đã từng có bài viết: “Mối quan hệ cân đối giữa sự giàu có và đạo lý: Một bài toán khó của văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XXI”. Trong đó tôi thiết mong Trung ương Đảng có một nghị quyết riêng về xây dựng đạo lý trên đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và quyết tâm lãnh đạo đất nước thực hiện được nghị quyết đó, để đến cuối thế kỷ XXI, con cháu sẽ ngợi khen: Vào đầu thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Việt Nam tài thật. Vừa làm giàu được đất nước vừa bảo vệ được nền đạo lý Việt Nam một cách tốt đẹp. Muốn có được nghị quyết đó, phải giao công việc khoa học đích thực và khoa học thì phải giải quyết cái vấn đề như sau:
1) Phân biệt đạo lý với văn hóa, văn minh mặc dù chúng có liên quan.
2) Xác định một cách khách quan mối quan hệ giữa đạo lý với chính trị vốn là rất phức tạp. Phức tạp tới mức như Makiêvel trong tác phẩm “Le Prince” (Ông Hoàng) đã cho rằng chính trị là vô đạo. Còn chúng ta thì không nghĩ thế mặc dù thấy phức tạp.
3) Xác định rõ mối quan hệ giữa đạo lý và kinh tế.
4) Xác định rõ mối quan hệ giữa đạo lý và tôn giáo.
5) Làm sáng rõ hơn truyền thống đạo lý Việt Nam bao gồm 2 mặt được và chưa được vốn đã hình thành từ thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, và có liên quan đến các học thuyết: Nho, Phật, Lão-Trang, chủ nghĩa Mác… Dĩ nhiên, đây cũng lại là chuyện đáng nhẽ là của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) – nhưng họ chưa làm, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ trí thức lớn của mình cũng có thể đứng ra làm được chừng nào hay chừng ấy để có lợi cho sự nghiệp giáo dục. Nếu làm thì xin tham khảo nhiều ở Nhật Bản. Xem phim ÔSin của Nhật, sẽ thấy đất nước đó đã giải quyết thế nào mối quan hệ giữa sự làm giàu và đạo lý. Với họ, phải làm giàu trên cơ sở cộng sinh vốn là một phương thức tối ưu chứ không phải bằng phương thức đấu tranh giai cấp.
3. Vấn đề cạnh tranh sinh tồn
Học thuyết Darwin, với thuyết Tiến hóa luận, đã phát hiện ra quy luật cạnh tranh sinh tồn trong sự sống không chỉ loài người mà vạn vật nói chung. Riêng với loài người, đó là một quy luật khách quan, lạnh lùng, càng ngày càng diễn ra một cách khốc liệt mà tạo hóa sinh ra loài người, bắt loài người phải chịu đựng, không thể khác. Trong đó có hai mặt: tiêu cực và cần thiết. Tiêu cực là chuyện cá lớn nuốt cá bé, tre buộc tre. Còn cần thiết là bởi có thế mới phát triển sự sống. Với học thuyết quen thuộc của chúng ta thì đã bất chấp quy luật khắc nghiệt đó để đi theo một con đường khác mà nhất thời tưởng đã thành công rực rỡ, nhưng thực tế cuối cùng là thế nào thiết tưởng cũng đã rõ. Ở nước ta, vào những năm đầu thế kỷ XX, các chí sĩ duy tân qua phong trào tân thư, đã đón nhận học thuyết tiến hóa luận của Darwin. Câu đầu tiên của Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu: “Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri; Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng, người sao trước có sau không, kinh sấm sét dễ đau lòng hậu bối.” đã thể hiện điều đó. Nhưng đến thời đại Mác xít thì không ai nói đến quy luật vừa khốn nạn vừa cần thiết đó nữa. Trong khi nhìn thẳng vào sự thật thì nó đang thể hiện, đang hoành hành ngày càng một gay gắt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, rõ nhất là ở phương diện kinh tế, chính trị và giáo dục không nằm ngoài quy luật lạnh lùng đó. Chuyện đua nhau chạy trường, chạy thầy, chạy lớp, chuyện học thêm, dạy thêm, chuyện các nhà giàu sang quyền quý cho con ra học nước ngoài… là gì? Nếu không phải là quy luật cạnh tranh sinh tồn đang phát huy mãnh liệt và càng ngày càng mãnh liệt trong đời sống giáo dục sao? Vấn đề là phải nhận chân quy luật với hai mặt phải trái, cần thiết và khốn nạn của nó và hơn đâu hết ở đây lại phải cố gắng vận dụng tối đa nguyên lý của chủ nghĩa Mác về vai trò chủ thể, chủ động của con người, kể cả kinh nghiệm điều tiết quyền lợi của các nước xã hội dân chủ trước quy luật khắc nghiệt đó của cuộc sống. Cách phê phán của nhiều đại biểu quốc hội, cũng như dư luận xã hội, và báo chí đối với ngành Giáo dục về chuyện dạy thêm học thêm là đúng nhưng cũng có mặt chưa thỏa đáng vì chưa thấy đủ hai mặt của hiện tượng… Và cách trả lời của vị cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước Quốc hội trước đây cũng là chưa hiểu hết sự phức tạp của cuộc sống. Đáng ra là phải nhận khuyết điểm nhưng cũng phải thưa Quốc hội vấn đề có hai mặt phức tạp cần được nhận thức đầy đủ có cách nghĩ và cách xử lý đúng mực, chứ không thể phê phán một chiều.
4. Sự trỗi dậy của đời sống tâm linh
Một trong những tiêu chí cơ bản để phân biệt loài người và động vật là loài người thì có cuộc sống tâm linh, còn loài vật thì không. Với loài người, bản chất sự sống là ham muốn. Người điên, người mất trí thì không còn ham muốn, có nghĩa là không còn sự sống đúng nghĩa của nó. Chứ đã sống, dù là rơi xuống tận đáy cùng như Chí Phèo, Thị Nở của Nam Cao vẫn còn ham muốn. Thậm chí là ham muốn lớn. Với Chí Phèo, ham muốn được trở lại làm người lương thiện. Ấy vậy, nhưng tạo hóa đã bắt loài người phải chịu một định mệnh là sự ham muốn và kết quả đạt được không bao giờ là một. Vẫn một khoảng cách và khoảng cách đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để đời đời nảy nở cuộc sống tâm linh thiên hình vạn trạng trong đó có tôn giáo cũng vô cùng phức tạp. Việt Nam ta xưa, kể cả phương Đông xưa đã có một đời sống tâm linh thật là bề thế và chưa hề có chủ nghĩa vô thần. Nhưng từ cuộc đụng độ Đông Tây, đặc biệt là từ ngày có sự du nhập của chủ nghĩa duy vật tiếp nữa là chủ nghĩa Mác thì ít nhiều đã rơi vào chủ nghĩa vô thần. Tình trạng nhân danh xây dựng đời sống mới để rồi phá đền chùa, lăng mộ… (chỉ nói riêng ở tỉnh Nghệ An, trong vòng 32 năm (1964 – 1996) theo số liệu Sở Văn hóa Nghệ An công bố là phá 1076 đền chùa), khinh rẻ, chê bai tín ngưỡng thì đủ biết chủ nghĩa vô thần đã đưa đến điều gì trên đất nước ta. Ngày trước, con người sống giữa cuộc đời có hai loại cảnh sát: một của trần gian, một của tâm linh. Còn nay, hầu như cảnh sát tâm linh đã không còn. Trong khi cảnh sát trần gian thì đã có bộ phận biến chất tha hóa như mọi người đã biết. Hiện tượng số người vi phạm đạo đức, đâm chém lẫn nhau, mà trường học không phải là ngoại lệ, đang có chiều hướng tăng trưởng, thử hỏi không liên quan gì đến cái gọi là “chủ nghĩa vô thần” sao? Tất nhiên, trong cuộc sống hiện nay, bên cạnh tình trạng trên lại đang có một chiều ngược lại đã khác rõ là sự trỗi dậy của đời sống tâm linh ở khắp nơi khắp chốn, ở mọi tầng lớp xã hội, từ quan chức cấp cao đến thường dân, từ người ít học đến người học nhiều, trí thức và đại trí thức nữa. Mà trong đó cũng dễ thấy có hai mặt: cần thiết và không cần thiết, chân chính và bất chính. Kể ra thì Nhà nước ta đã càng càng có chính sách tôn giáo đúng đắn hơn. Nhưng từ chính sách đến thực tiễn cuộc sống, ở vấn đề này, vẫn là một sự cách xa quá rõ. Nói chung, trong xã hội, kể cả học đường vẫn chưa có nhận thức tường minh, cần thiết về tâm linh, về tôn giáo. Nói riêng trong phạm vi học đường, đây vẫn là chuyện bỏ ngoài mặc ai. Riêng ở bậc đại học, nếu tôi không nhầm thì vẫn giảng về chủ nghĩa vô thần khoa học mà với không ít vị giảng viên ở trường lớp thì rao giảng hùng hồn về chủ nghĩa vô thần. Về nhà thì cùng vợ con đi lễ bái hết đền này đến chùa khác khá chi là thành kính để cầu xin đủ điều này điều nọ. Đúng là một bi hài kịch có thể đưa lên sân khấu. Theo tôi được biết, trên thế giới, ở đâu cũng cấm không được tuyên truyền tôn giáo trong trường học. Nhưng không ít nơi có dạy Thần học để giúp người học có nhận thức đúng đắn về thần linh, về tôn giáo trước khi vào đời. Nền giáo dục Việt Nam ta nghĩ gì trước vấn đề này nhỉ? Mong được các nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà lãnh đạo ngành cho biết ý kiến.
5. Sự trỗi dậy của Thằng Tôi: con người – cá thể
Đây cũng là sự thật hiển nhiên mà chưa thấy các nhà khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta quan tâm làm rõ vấn đề. Riêng với ngành Giáo dục và Đào tạo, vì lẽ này hay vì lẽ khác mà không thấy hoặc thấy mà né tránh vấn đề thì kết quả về mục tiêu đào tạo cuối cùng hẳn là bị hạn chế không nhỏ. Bởi ai cũng biết, sở dĩ có loài người là do có những con người – cá thể. Con người – cá thể là tế bào để tạo nên cơ thể là các hình thái cộng đồng người. Con người – cá thể vừa là thực thể sinh học có quy luật tự thân, vừa là thực thể xã hội với hai thuộc tính: cá thể và cộng đồng. Trong thực tiễn cuộc sống, từ một đối tượng là con người – cá thể nhưng lại nảy sinh hai ngả: Một ngả là nhân văn chân chính, cao cả, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nên cần thắp hương cầu nguyện cho nó càng trỗi dậy mãnh liệt chừng nào hay chừng ấy. Một ngả là phi nhân bản hủy hoại cuộc sống nhân quần, nên tiêu diệt nó sớm được chừng nào hay chừng ấy. Ngả sau chính là chủ nghĩa cá nhân (I’individualisme) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịch liệt phê phán và quyết tâm kêu gọi trừ bỏ, nhưng không sao trừ bỏ được.
Trong lịch sử thế giới, sự nhận thức và cách đối xử với con người – cá thể giữa phương Đông và phương Tây, giữa các hình thái xã hội, các quốc gia vốn không đồng đều. Trong nhận thức, nói chung là tự phát đến tự giác. Mà tự giác cũng từ thấp đến cao. Trong đối xử, cũng có trình độ cao thấp, khác nhau vốn có liên quan trực tiếp với vấn đề nhân quyền và vấn đề dân chủ. Nhân quyền, dân chủ trọn nghĩa thì không chỉ là nhân quyền dân chủ cho cộng đồng mà còn là cho từng con người cá thể.
Ở nước ta, trong lịch sử, sự tự giác về con người – cả thể là khá chậm. Có thể nói đến thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX mới thấy cái Tôi có mặt và trong buổi đầu cũng khá xinh xắn bởi ở đây đã có sự kết hợp hài hòa giữa cái Tôi và cái Ta. Nhưng ngay sau đó đất nước bị xâm lược, cái Tôi đã phải nhường chỗ cho cái Ta – số phận cá nhân phải nhường chỗ cho số phận dân tộc. Quy luật sống của Việt Nam là vậy. Sang thế kỷ XX, đặc biệt là từ những năm 30, cái Tôi lại tái xuất và cũng đưa đến nhiều mặt tích cực cho văn chương, cho cuộc sống. Cách mạng tháng Tám thành công, chưa gì đã phải đương đầu với hai cuộc xâm lăng Pháp, Mỹ và theo quy luật sống Việt nam, cái Tôi lại phải nhường chỗ cho cái Ta. sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước độc lập thống nhất trọn vẹn, cuộc sống dần dần trở lại bình thường, đặc biệt gần đây, lại thêm có cuộc hội nhập thế giới sôi động, gấp gáp đa dạng chưa từng có, nên cái Tôi có điều kiện tái xuất hiện trong sáng tác văn chương mà xem ra vẫn còn lẫn lộn trắng đen. Còn ở cuộc sống xã hội thì rõ ràng sự trỗi dậy của cái Tôi, của con người – cá thể là sự thật hiển nhiên, không thể coi thường “phe-lờ” với nó ở những ai tha thiết với sự nghiệp của đất nước. Mà tiếc rằng, sự nhận thức của chúng ta về vấn đề cái Tôi, về con người – cá thể còn bị hạn chế rất lớn. Đúng là chúng ta đang quen nhận thức về con người công dân, con người cộng đồng hơn là con người – cá thể. Với con người cá thể thì đang quen nhận thức về ngả phi nhân bản hơn là ngả nhân bản, trong đó có vấn đề tư duy cá thể. Điều mà Descartes đã khởi xướng trong luận đề: Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại. (Je pense donçe je sius. / Cogito ergo sum). Đúng thế ! Con người sở dĩ hơn muôn loài là có tư duy. Có tư duy mà không tư duy thì hơn gì muôn loài. Tư duy để tìm ra chân lý. Có người không hiểu vấn đề, sợ khuyến khích tư duy cá thể sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, bất lợi cho yêu cầu ổn định của xã hộ. Lầm to ! Tư duy cá thể để tìm chân lý so với tư duy cá thể theo kiểu bừa bãi, phi lý thì khác nhau một trời một vực. Vấn đề tư duy cá thể là vấn đề của đất nước, nếu muốn có sự phát triển bề thế, vững chải nhưng trực tiếp cũng là vấn đề của nền giáo dục Việt Nam, nếu muốn theo kịp thế giới, nếu muốn đào tạo ra những thế hệ người Việt Nam đủ tư chất, đặc biệt là năng lực sáng tạo để đưa đất nước vào cõi văn minh thật sự. Có thể nói: nhà trường Việt Nam đang làm công việc rót chân lý vào đầu học sinh chứ chưa phải là hướng dẫn học sinh tự tìm lấy chân lý.
Bạn đọc kính mến!
Những gì trình bày trên đây còn là sơ lược và vẫn có tính chất nêu vấn đề như đã nói. Tuy vậy, vẫn mong được sự chỉ bảo, góp ý, kể cả đối thoại của quý vị để vấn đề được thêm sáng tỏ và có sự đồng thuận. Riêng với các nhà lãnh đạo ngành Giáo dục ở cấp Trung ương và cấp Bộ, nếu có thể được, tôi sẽ xin trực tiếp trình bày vấn đề một cách cặn kẽ hơn. Còn với tôi, điều phải suy nghĩ tiếp, suy nghĩ nhiều nữa là nếu những vấn đề mình nêu lên là đúng đắn và cần thiết thì sự ứng dụng, hiện thực hoá nó vào nội dung giáo dục của nước nhà là thế nào. Cũng xin nói thêm là tiếp theo bài II này, tôi sẽ có bài III nói riêng về vấn đề tư duy vốn cũng là vấn đề thiết yếu và cơ bản thuộc khoa học xã hội và nhân văn, mà không chỉ ngành Giáo dục cần làm sáng tỏ hơn nữa, kể cả đất nước cũng phải làm sáng tỏ hơn nữa.
Yên Hòa thư trai
GS. NGND Nguyễn Đình Chú
Địa chỉ: Nhà số 8, ngõ 251/10 đường Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, HN. ĐT: 04. 37843749; DĐ: 0927 517551
Nguồn: http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét