25 tháng 2, 2017

QUÁ TRÌNH GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CÁCH MẠNG Ở KIẾN PHONG (1954 – 1959)

TS. Phạm Phúc Vĩnh
Trường Đại học Sài Gòn
Tóm tắt
Bài báo phân tích nét sáng tạo của tỉnh Kiến Phong (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) trong quá trình gìn giữ và phát triển lực lượng vũ trang trong giai đoạn 1954 – 1959. Cụ thể là đi sâu tìm hiểu về chủ trương lợi dụng danh nghĩa của các giáo phái và lực lượng Bình Xuyên để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong điều kiện chủ trương của Trung ương không cho phép sử dụng vũ trang.
Nhờ lực lượng vũ trang được giữ gìn hiệu quả, nên khi có chủ trương cho phép vũ trang của Hội nghị 15, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Kiến Phong phát triển mạnh mẽ và tiến lên giành thắng lợi quân sự ở Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, mở đầu thời kì tiền Đồng Khởi ở Nam Bộ.
Từ khóa: tỉnh Kiến Phong, tỉnh Đồng Tháp, lực lượng cách mạng, Giồng Thị Đam, Gò Quản Cung.

THE PRESERVATION AND DEVELOPMENT OF THE ARMED FORCES IN KIEN PHONG (1954-1959)
Dr. Pham Phuc Vinh - Saigon University
Abstract: This paper analyzed the creative traits of Kien Phong province (now named Dong Thap province) in the preservation and development of the armed forces in the period 1954 - 1959. In particular, this paper gave an insight on the policy of abusing titular of the sects and the Binh Xuyen forces to build the revolutionary armed forces, give an effective support for the political movement of the masses in the conditions that the central policy did not allow using armed forces. Because the armed forces was preserved effectively, when there was the policy allowing the use of armed forces of Conference 15, the Revolutionary Armed Forces of Kien Phong province flourished and gained military victory in Giong Thi Dam – Go Quan Cung, opening the pre-Dong Khoi period in Southern Vietnam.
Keywords: Kien Phong province, Dong Thap province, the revolutionary forces, Giong Thi Dam, Go Quan Cung.

1. Quá trình giữ gìn lực lượng vũ trang ở Kiến Phong từ 1954 đến 1959
1.1. Tình hình Kiến Phong sau Hiệp định Genève
Theo quy định của Hiệp định Genève, ở khu vực Trung Nam Bộ, lực lượng cách mạng sẽ tập kết tại Cao Lãnh và chuyển ra miền Bắc trong thời hạn 100 ngày[1]. Ngày 19/10/1954, lực lượng cách mạng hoàn tất việc chuyển quân tại Cao Lãnh theo đúng kế hoạch đã thỏa thuận.
Cùng với quá trình rút quân, tháng 10/1954, Trung ương cục đã tiến hành Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam. Hội nghị đã công bố quyết định thành lập Xứ ủy Nam bộ thay cho Trung ương cục, toàn Nam Bộ chia làm ba liên tỉnh: Liên tỉnh ủy miền Đông, Liên tỉnh ủy miền Trung[2] và Liên tỉnh ủy miền Tây. Tại hội nghị, Xứ ủy Nam bộ đã chỉ đạo: “tất cả công tác Đảng đều nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chính trị. Đồng thời các Đảng bộ phải cảnh giác, sẳn sàng đối phó với khả năng đối phương phá hoại hiệp định, gây chiến tranh trở lại”[3].
Chấp hành sự chỉ đạo của Xứ ủy, tổ chức Đảng ở Kiến Phong được bí mật tổ chức lại để lãnh đạo nhân dân đấu tranh theo phương thức mới: “bằng sức mạnh của quần chúng và pháp lí của Hiệp định Genève, bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ cán bộ, giành quyền dân sinh, dân chủ, giữ vững thành quả cách mạng”[4].
Ngày 31/10/1954, chính quyền Sài Gòn mở chiến dịch tiếp quản Cao Lãnh. Sau khi tiếp quản Cao Lãnh, quân đội Sài Gòn đã tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét nhằm vào các khu căn cứ cách mạng và những người kháng chiến cũ ở Kiến Phong, tiêu biểu là vụ thảm sát 44 người dân vô tội và các chiến sĩ cách mạng ở Bình Thành (huyện Thanh Bình) ngày 11/11/1954, cho quân đội phá đài liệt sĩ và mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh, gây nhiều thiệt hại cho lực lượng cách mạng.
Sau khi tuyên bố từ chối hiệp thương tổng tuyển cử và bầu cử Quốc hội riêng, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” trên khắp miền Nam Việt Nam, trong đó Đồng Tháp Mười là một địa bàn trọng tâm của chiến dịch này.
Cuối năm 1956, chính quyền Sài Gòn thực hiện chương trình cải cách điền địa theo dụ số 57, lập dinh điền ở Đồng Tháp Mười, sửa chữa quốc lộ 30 (An Hữu – Cao Lãnh - Hồng Ngự), đào mới một số kênh như Phước Xuyên, An Long …, đồng thời cho xây dựng tháp mười tầng cao 42m và bố trí một trung đội bảo an chiếm đóng để kiểm soát các căn cứ cách mạng ở vùng Đồng Tháp Mười.
Chỉ trong những năm đầu sau khi Hiệp định được kí kết cho thấy, nếu thực hiện đúng chủ trương đấu tranh chính trị hòa bình của Trung ương Đảng thì sẽ dẫn đến những tổn thất lớn về lực lượng. Việc tái lập, duy trì lực lượng vũ trang để bảo vệ phong trào đấu tranh chính trị là một yêu cầu bức thiết đối với phong trào cách mạng tỉnh Kiến Phong.
1.2. Sáng tạo của tỉnh Kiến Phong trong quá trình giữ gìn lực lượng (1954 - 1956)
Xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ và hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị trước chính sách khủng bố của chính quyền Sài Gòn là một yêu cầu cấp thiết đối với cách mạng miền Nam sau Hiệp định Genève, nhưng nếu làm vậy thì sẽ trái với chủ trương đấu tranh chính trị hòa bình của Trung ương. Làm thế nào để xây dựng được lực lượng vũ trang trong bối cảnh Trung ương chủ trương chỉ đấu tranh chính trị hòa bình là một bài toán khó đối với những người trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam lúc này.
Trong lúc tưởng chừng như không có lối thoát như trên, một tình thế bất ngờ xuất hiện: đầu năm 1955, các lực lượng vũ trang giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên đã dạt về vùng Đồng Tháp Mười và nhiều địa phương khác của tỉnh Kiến Phong. Một bộ phận của lực lượng Cao Đài Liên minh không chịu theo Trịnh Minh Thế đầu hàng chính quyền Ngô Đình Diệm đã chạy về bám trụ ở Gãy Cờ Đen - Đồng Tháp Mười. Đặc biệt là lực lượng Hòa Hảo do Trần Văn Soái (Năm Lửa) đứng đầu đã chạy về vùng Đồng Tháp Mười[5]. Đến tháng 9/1955, Năm Lửa đã liên hệ và đề nghị phía cách mạng tư vấn giúp lực lượng Hòa Hảo. Nhân cơ hội này, Đảng bộ tỉnh Kiến Phong đã đưa nhiều cán bộ vào lực lượng vũ trang Hòa Hảo để tranh thủ, thuyết phục, giáo dục và chỉ huy lực lượng này. Đồng thời, tỉnh ủy Kiến Phong cũng chủ trương xây dựng lực lượng du kích xã với tên gọi thôn vệ đội Hòa Hảo giải phóng[6] (lực lượng này mang danh nghĩa Hòa Hảo, nhưng do cách mạng xây dựng và nắm giữ).
Đầu tháng 01/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm mở chiến dịch Nguyễn Huệ bình định miền Trung và Tây Nam Bộ mà trọng điểm là Đồng Tháp Mười và U Minh Thượng nhằm càn quét tàn quân của các giáo phái. Năm Lửa không chống lại nổi nên đã đưa lực lượng ra đầu hàng vào ngày 13/2/1956 (tức ngày mùng hai tết Bính Thân). Khi Năm Lửa đầu hàng, các cán bộ cách mạng trong lực lượng Hòa Hảo đã kịp thời tách ra và giữ được một số súng đạn tiếp tục kháng chiến. Đồng thời lực lượng Thôn vệ đội Hòa Hảo giải phóng do cách mạng nắm giữ cũng được đổi tên là “lực lượng Hòa Hảo li khai còn ở lại chống Diệm” cho phù hợp với tình hình mới.
Dưới danh nghĩa của lực lượng vũ trang Hòa Hảo, các chiến sĩ cách mạng đã làm công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở và khi cần thiết thì diệt tề, điệp, ác ôn… làm cho các lực lượng này khiếp sợ, không dám khủng bố cách mạng trắng trợn như trước nữa.
Lúc đầu, chủ trương này đã gặp phải sự phản đối của một số lãnh đạo Liên tỉnh ủy do sợ đi không đúng đường lối chỉ đạo của Trung ương. Nhưng do hiệu quả mang lại từ thực tế sáng tạo này trong quá trình đấu tranh rất lớn nên đã thuyết phục được những lãnh đạo có chủ trương thận trọng.
Từ cách làm của Tỉnh ủy Kiến Phong và một số địa phương khác ở trong vùng, Liên tỉnh ủy Trung Nam bộ đã chính thức chỉ đạo cho các tỉnh lợi dụng tình hình quân đội giáo phái ra đầu hàng chính quyền Ngô Đình Diệm, thành lập ngay lực lượng vũ trang để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị”[7]. Sau đó, Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ cho lập Bộ tư lệnh giáo phái (giả) để chỉ huy các lực lượng vũ trang này ở các tỉnh[8] thuộc Khu 8 – Trung Nam Bộ.
Những thành công trong thực tế của chủ trương trên đã được Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ tháng 12/1956 nâng lên thành chủ trương chung của Nam Bộ; Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy xác định: “Lúc này đấu tranh chính trị đơn thuần là không được, mà đấu tranh vũ trang thì chưa phải. Do đó, cần tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập đội vũ trang bí mật, tranh thủ vận động, cải tạo lực lượng giáo phái bị Mĩ - Diệm đánh tan, đứng vào hàng ngũ nhân dân, lợi dụng danh nghĩa giáo phái để diệt ác ôn”[9].
Nhờ có hoạt động vũ trang, chính quyền Sài Gòn không dám đẩy mạnh khủng bố, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Kiến Phong phát triển. Chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân không tham gia bỏ phiếu “trưng cầu dân ý” ngày 23/10/1955 do chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức với lí do sợ bị “quân đội Hòa Hảo” bắn. Tương tự, lực lượng cách mạng tiếp tục sử dụng những biện pháp này để vận động nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội riêng ở miền Nam do chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức ngày 04/3/1956.
Nhờ sử dụng lực lượng vũ trang dưới danh nghĩa giáo phái, tỉnh Kiến Phong đã tạo ra được thế trận kết hợp hình thức đấu tranh chính trị với vũ trang trong đấu tranh chống chính sách độc tài, phát xít của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhờ vậy, trong những năm 1956 – 1957, nhiều hoạt động đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị ở Kiến Phong diễn ra thành công[10]. Phong trào đấu tranh của nông dân chống dụ số 57 của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi[11].
Cách làm đầy sáng tạo trên của Tỉnh ủy Kiến Phong đã giúp địa phương xây dựng được lực lượng vũ trang làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh chính trị khá hiệu quả. Và trong một chừng mực nhất định, có thể nói, phong trào cách mạng ở Kiến Phong trong giai đoạn này diễn ra dưới hình thức “đấu tranh chính trị có kết hợp vũ trang tự vệ” mà vẫn không vi phạm chủ trương (về hình thức – tg) của Trung ương.
1.3. Quá trình giảm sút và phục hồi lực lượng vũ trang cách mạng (1956 – 1959)
Trong giai đoạn từ tháng 7/1957 đến tháng 9/1958, Đảng bộ tỉnh Kiến Phong chủ trương hạn chế việc xây dựng lực lượng vũ trang và ra lệnh giảm bớt lực lượng vũ trang, không được nổ súng (không chủ động trừ gian, phá tề…), giải thể Ủy ban hành chính giải phóng Hòa Hảo (do cách mạng lập ra)… để đảm bảo nghiêm túc chủ trương đấu tranh chính trị của trung ương[12]. Bộ đội phải phân tán rút sâu vào Đồng Tháp Mười, một số phân tán nhỏ thành từng tổ, từng bán đội tản ra các vùng đông dân để thực hiện “điều lắng”[13].
Chủ trương trên được đưa ra đúng vào lúc chính quyền Sài Gòn tập trung lực lượng tổng lực đánh phá phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của quần chúng cách mạng (kéo dài từ giữa năm 1957 đến giữa năm 1959)[14], làm cho phong trào cách mạng ở Kiến Phong bị đẩy sâu vào tình thế khó khăn và tổn thất nghiêm trọng[15]. Phong trào đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị vì thế cũng bị giảm sút[16].
Đánh giá về những tác động của chủ trương giảm bớt lực lượng vũ trang, không được chủ động nổ súng trong giai đoạn từ 7/1957 đến 9/1958 đối với phong trào cách mạng ở Kiến Phong, cuốn “Công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954 - 1975” viết: “phong trào cách mạng của quần chúng mất thế dựa vào lực lượng võ trang, đã núng thế, tạm lắng dịu, đấu trang lẻ tẻ, có khuynh hướng cải lương, có nguy cơ khó đứng vững[17].
Tháng 9/1958, tỉnh ủy Kiến Phong trở lại thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang bí mật để làm chỗ dựa cho đấu tranh chính trị[18], tái lập lực lượng vũ trang và đẩy mạnh diệt ác, phá kiềm để tháo gỡ thế kìm kẹp quần chúng của quân đội Sài Gòn[19]. Đến đầu năm 1959, lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Phong được sử dụng tập trung hơn và thường xuyên vũ trang tuyên truyền hỗ trợ cho hoạt động đấu tranh chính trị của quần chúng[20].
Sự phục hồi và hoạt động của lực lượng vũ trang ở Kiến Phong từ cuối năm 1958 đã tạo ra được chỗ dựa vững chắc cho hoạt động đấu tranh chính trị. Đây là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang ở Kiến Phong khi có chủ trương chính thức phục hồi lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam của Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II).
2. Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung ở tỉnh Kiến Phong
2.1. Sự phát triển của lực lượng vũ trang ở Kiến Phong sau Hội nghị 15
Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã thống nhất về chủ trương đối với cách mạng miền Nam là đấu tranh chính trị có kết hợp sử dụng vũ trang. Tuy nhiên, Nghị quyết của Hội nghị vẫn chưa được chính thức thông qua[21]. Trong bối cảnh đó, trước khi rời Hà Nội, ông Phạm Văn Xô - đại diện Xứ ủy Nam Bộ tham dự Hội nghị đến chào từ biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỏi Bác thêm về chủ trương đấu tranh vũ trang ở miền Nam, Bác trả lời: “dù sao cũng không thể để cách mạng miền Nam chịu tổn thất hơn nữa. Xứ ủy các chú có phải là Đảng không? Trung ương ở xa, các chú phải tùy tình hình, cân nhắc kĩ lưỡng mà quyết định và chịu trách nhiệm”[22]. Câu nói của Hồ Chủ tịch đã làm lãnh đạo Xứ ủy càng thêm vững tin vào chủ trương vũ trang.
Không chờ đến khi Nghị quyết 15 của Trung ương được chính thức thông qua và phổ biến chính thức, tinh thần cho vũ trang của Hội nghị 15 đã lan truyền đến nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao ở Nam Bộ. Tuy chưa chính thức cho phép nhưng việc phục hồi và phát triển lực lượng vũ trang ở nhiều địa phương của Nam Bộ đã được khởi động. Tại Kiến Phong, các lực lượng vũ trang địa phương được tổ chức lại và phát triển mạnh mẽ và đến tháng 9/1959, Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ đổi phiên hiệu Tiểu đoàn 2 Kiến Phong thành Tiểu đoàn 502, sẳn sàng cho một thời kì đấu tranh mới.
2.2. Diễn biến và kết quả của trận chiến Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung
Ngày 25/9/1959, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502 đang đóng quân tại Giồng Thị Đam (Tân Hộ Cơ - Hồng Ngự, nay thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), điều đại đội Bảy Phú (Thanh Bình) cùng một bán đội của đại đội Năm Bình chuẩn bị mở đợt hoạt động trên tuyến sông Sở Hạ. Lực lượng gồm có 42 người, trang bị 35 khẩu súng (có 3 trung liên).
Trong thời điểm này, Quân khu 5 của chính quyền Sài Gòn điều 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 42 thuộc Sư đoàn 23 bộ binh ddang hành quân đánh diệt quân giải phóng tại căn cứ Hồng Ngự và bảo vệ công trình kênh đào An Long.
Sáng sớm 26/9/1959, lực lượng cách mạng tại Giồng Thị Đam phát hiện quân đội chủ lực của chính quyền Sài Gòn đang hành quân bằng xuồng cặp theo giồng Giàng. Chỉ huy tiểu đoàn 502 cân nhắc tình hình và quyết định tấn công trong tình trạng so sánh lực lượng nghiêng về phía quân đội Sài Gòn[23].
Chỉ sau 20 phút chiến đấu, lực lượng cách mạng đã đánh chìm 83 xuồng của quân đội Việt Nam cộng hòa, bắt sống 75 người; thu 7 súng trung liên, 39 súng tiểu liên, 49 súng trường tự động, 4 súng phóng lựu, 6 súng ngắn, 7 máy thông tin PRC10, 83 chiếc xuồng và nhiều quân trang, quân dụng khác. Phía cách mạng có một người hi sinh và hai người bị thương.
Qua khai thác tù binh, lực lượng vũ trang cách mạng biết được quân đội Sài Gòn còn có một cánh quân khác là Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 42 đang theo hướng An Phong lên Hồng Ngự và sẽ đi qua vùng này. Toàn bộ lực lượng cách mạng nhanh chóng tiến về phía Gò Quản Cung cách Giồng Thị Đam khoảng 3km bám trụ ở đây và chuẩn bị tác chiến.
Khoảng 14 giờ ngày 26/9/1959, Tiểu đoàn 2 của quân đội Sài Gòn từ An Phong đi về hướng Gò Quản Cung. Với súng đạn vừa thu được, lực lượng cách mạng đã tổ chức phục kích, bắt thêm 30 tù binh, thu 20 súng, 2 máy vô tuyến điện và chỉ có 17 xuồng của quân đội Sài Gòn chạy thoát[24]. Phía cách mạng có một người bị thương.
Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của Tiểu đoàn 502 và là trận đánh lớn nhất tại Kiến Phong nói riêng và trên toàn Nam Bộ nói chung kể từ sau Hiệp định Genève. Nó đã thật sự tạo ra một bước ngoặt lớn đối với hoạt động vũ trang ở Kiến Phong nói riêng, Đồng bằng Sông Cửu Long và cả Nam Bộ nói chung.
Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung đã làm chấn động chính quyền Sài Gòn; tổng thống Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho thành lập ngay Hội đồng quân kỉ và giao cho đại tướng Lê Văn Tỵ - Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo tiến hành mổ xẻ nguyên nhân thất bại của trận đánh. Báo cáo tình hình Quân khu 5[25] tháng 12/1959 của Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa đánh giá sự phát triển của hoạt động đấu tranh vũ trang cách mạng cuối năm 1959 như sau: “tình hình đặc biệt nghiêm trọng bởi ngoài các vụ khủng bố, ám sát thường xuyên, hoạt động vũ trang của Việt Cộng gia tăng. Rõ ràng Việt Cộng tiếp tục theo đuổi chủ trương tập trung và vẫn cố gắng tạo thế chủ động với các hoạt động táo bạo như chấp nhận giao tranh… nhất là ở các tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường, An Xuyên…”[26].
Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung phù hợp với chủ trương mới của Trung ương. Vì vậy, tháng 10/1959, Thường vụ Khu ủy Khu 8 đã thông báo trước cho riêng Tỉnh ủy Kiến Phong tinh thần chỉ đạo “trên cho làm vũ trang” của Hội nghị trung ương lần thứ 15. Những kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh Kiến Phong đã được phổ biến tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 15 của Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ vào tháng 12/1959 và đồng thời Liên Tỉnh ủy đã giao cho tỉnh Kiến Phong nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh An Giang, Kiến Tường đang có phong trào vũ trang yếu.
3. Kết luận
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1959, Kiến Phong đã lợi dụng danh nghĩa của các giáo phái li khai chống chính quyền Ngô Đình Diệm để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh chính trị. Sự sáng tạo này đã giúp Đảng bộ tỉnh Kiến Phong lãnh đạo nhân dân “đấu tranh chính trị kết hợp có vũ trang tự vệ” trong hoàn cảnh Trung ương không cho phép vũ trang.
Chủ trương lợi dụng danh nghĩa các giáo phái để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong hoàn cảnh Trung ương không cho phép vũ trang ở Kiến Phong và nhiều địa phương khác ở Nam Bộ là một điểm rất nổi bật, thể hiện tính năng động, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Tỉnh ủy Kiến Phong nói riêng, Liên tỉnh ủy Trung Nam bộ và Xứ ủy Nam Bộ nói chung trong giai đoạn 1954 – 1959.
Nhờ có chủ trương sáng tạo và đúng đắn trên, tỉnh Kiến Phong trở thành địa phương đi đầu, điển hình của Khu 8 và Nam Bộ trong việc giữ gìn và phát triển lực lượng vũ trang trong giai đoạn 1954 - 1959. Nhờ vậy, sau Nghị quyết 15, lực lượng vũ trang Kiến Phong phát triển mạnh mẽ và lập nên được kì tích  chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, tạo thế và lực mới cho lực lượng cách mạng trong toàn Khu Trung Nam Bộ, đưa phong trào cách mạng ở đây bước sang giai đoạn chuẩn bị sẳn sàng tiến lên “Đồng Khởi” - thời kì “tiền Đồng Khởi”, góp phần chuẩn bị trực tiếp cho phong trào “Đồng Khởi” mạnh mẽ diễn ra trong toàn khu Trung Nam Bộ năm 1960.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (1997), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp.
[2]. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp (1998), Những trận đánh của lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp - Kiến Phong đánh giặc, Nxb QDND, Hà Nội.
[3]. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp (1990), Ba mươi năm kháng chiến của quân dân Đồng Tháp (1945 - 1975), Đồng Tháp.
[4]. Đảng bộ huyện Cao Lãnh (2005), Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Cao Lãnh 1954 – 1975, Ban tuyên giáo huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.
[5]. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000. Tập 17, 18, 19, 20, 21.
[6]. Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân khu 9 (1998), Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến (1954 - 1975), Nxb QDND, Hà Nội.
[7]. Lê Hồng Lĩnh (2005), Cuộc đồng khởi kì diệu ở miền Nam Việt Nam (1959 - 1960), Nxb Đà Nẵng.
[8]. Cao Văn Lượng - Phạm Quang Toàn - Quỳnh Cư (1981), Tìm hiểu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
[9]. GS.TS. Hoàng Phương (Chủ biên) (2005), Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội.
[10]. Tỉnh ủy Đồng Tháp (2005), Công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở tỉnh Đồng Tháp, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Đồng Tháp.
[11]. Viện LSQS Việt Nam (1996), Lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954 – 1975, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội.
  Nguồn: Tạp chí Lịch sử Quân sự, Số tháng 01/2017.



[1] Ở khu vực Tây Nam bộ, lực lượng cách mạng tập kết tại Cà Mau và di chuyển ra miền Bắc trong vòng 200 ngày; ở Đông Nam bộ, địa điểm tập kết là Hàm Tân và Xuyên Mộc với thời hạn 80 ngày.
[2] Liên tỉnh ủy miền Trung bao gồm các tỉnh: Long An, Mĩ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong, An Giang.
[3] Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân khu 9 (1998), Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến (1954 - 1975), Nxb QDND, Hà Nội, tr. 289.
[4] Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân khu 9 (1998), Sách đã dẫn, tr. 290.
[5] Nay thuộc các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Hồng Ngự, Thanh Bình của tỉnh Đồng Tháp.
[6] Tỉnh ủy Đồng Tháp (2005), Công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở tỉnh Đồng Tháp, Ban tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp, Đồng Tháp, tr. 16.
[7] Đảng bộ huyện Cao Lãnh (2005), Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Cao Lãnh 1954 – 1975, Ban tuyên giáo huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, tr. 35.
[8] Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân khu 9 (1998), Sách đã dẫn, tr. 304.
[9] Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân khu 9 (1998), Sách đã dẫn, tr. 308.
[10] Tiêu biểu là trận phục kích của lực lượng vũ trang cách mạng tại Me Nước xã Tân Thạnh huyện Thanh Bình vào tháng 8/1956 và cuộc đấu tranh của 6000 đồng bào ở huyện Mĩ An tại dinh quận trưởng vào tháng 01/1957 đòi thả 100 thanh niên bị chính quyền Sài Gòn bắt lính và buộc chúng phải thả hết những thanh niên này về nhà.
[11] Phong trào diễn ra mạnh mẽ ở các xã Bình Thạnh, Phong Mĩ thuộc huyện Cao Lãnh, Bình Thành, Tân Phú, Tân Thạnh thuộc huyện Thanh Bình.
[12] Từ tháng 7/1957 đến tháng 9/1958, Nguyễn Kim Nha và Nguyễn Văn Thử - Tám Thử (Sáu Sa) lần lượt làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiến Phong. Trong giai đoạn này, tỉnh ủy Kiến Phong thực hiện chủ trương chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của Trung ương về đấu tranh chính trị, do đó hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang cũng không được chú trọng đúng mức.
[13] Bí mật điều cán bộ đảng viên ở vùng này đến vùng khác để tránh địch theo dõi và phát hiện.
[14] Đặc biệt nghiêm là trong tháng 9/1958, lợi dụng mùa nước nổi, quân đội Sài Gòn mở nhiều cuộc càn quét vào vùng Đồng Tháp Mười gây cho lực lượng cách mạng nhiều tổn thất, Bí thư tỉnh ủy Kiến Phong - Nguyễn Văn Thử bị bắt trong đợt này.
[15] Tiêu biểu như vụ đột kích bất ngờ của quân đội Sài Gòn vào gò Cà Dâm ngày 31/10/1957, hầu hết Ban chỉ huy tiểu đoàn II – Bình Xuyên cùng một số cán bộ bị bắt; hàng chục tù chính trị ở Bắc Cao Lãnh và cầu sắt Vàm Xáng xã Phong Mĩ (Cao Lãnh) bị thủ tiêu, đặc biệt là vụ thủ tiêu 52 tù chính trị tại xã Tịnh Thới (Cao Lãnh) chỉ trong một đêm.
[16] Trong toàn tỉnh chỉ còn một số vụ đấu tranh nhỏ như trong tháng 8/1957, lực lượng cách mạng ở Kiến Phong đã kết hợp nội ứng lấy đồn Cây Điệp xã Tân Thuận Đông[Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (1997), Sách đã dẫn, tr. 44].
[17] Tỉnh ủy Đồng Tháp (2005), Công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở tỉnh Đồng Tháp, Ban tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp, Đồng Tháp, tr. 35.
[18] Tháng 9/1958, Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ điều động ông Nguyễn Văn Phối - Thường vụ Liên tỉnh ủy trở lại làm Bí thư tỉnh ủy Kiến Phong, từ đó chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang bí mật để làm chỗ dựa cho đấu tranh chính trị được phục hồi.
[19] Tiêu biểu cho các hoạt động này là vụ tập kích tiêu diệt Trưởng đồn Cây Me (Tân Thành) và vụ đột nhập quận lị Mĩ An tiêu diệt cảnh sát trưởng xã Mĩ Hội…
[20] Nhân sự kiện chính quyền Sài Gòn đầu độc tù chính trị tại nhà tù Phú Lợi (2/1959), thực hiện chủ trương của Trung ương và Liên tỉnh ủy, các địa phương trong tỉnh đã phát động phong trào đấu tranh tố cáo tội ác thảm sát tù nhân chính trị của Mĩ - Diệm. Hàng chục ngàn truyền đơn, khẩu hiệu đã được rải và dán khắp nơi. Cùng với hoạt động đấu tranh chính trị của quần chúng, lực lượng vũ trang ở Kiến Phong đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ở các khu dinh điền, vạch trần tội ác của kẻ thù, kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi trở về quê cũ làm ăn.
[21] Sau Hội nghị tháng 1/1959, Nghị quyết của Hội nghị vẫn chưa được thông qua (đến tháng 5/1959 Hội nghị lần thứ 15 họp lần 2, văn bản nghị quyết chính thức của Hội nghị mới được thông qua). Song do nhiều lí do khác nhau mà việc chính thức phổ biến tinh thần của Hội nghị 15 xuống các địa phương một cách rộng rãi phải chờ đến tháng 12/1959 mới được tiến hành.
[22] Lê Hồng Lĩnh (2005), Cuộc đồng khởi kì diệu ở miền Nam Việt Nam (1959 - 1960), Nxb Đà Nẵng, Tp. Đà Nẵng, tr. 268.
[23] Ban đầu trinh sát cách mạng phát hiện chỉ có 9 xuồng của quân đội Sàu Gòn đi về phía Giồng Thị Đam, nhưng sau đó phát hiện tiếp cách đó khoảng 300 mét còn thêm khoảng hơn 70 chiếc nữa. Ngược lại, lực lượng của cách mạng có một đại đội - 42 tay súng với 13 chiếc xuồng. Tuy nhiên, phía cách mạng có ưu thế hơn ở chỗ bộ đội thạo nghề sông nước, dùng sào để chống xuồng rất nhanh còn quân đội Sài Gòn không có kinh nghiệm đi xuồng trên vùng nước cạn, dùng dầm để bơi xuồng nên không thể “vừa bắn, vừa bơi” được.
[24] Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (trang 65), quân đội Sài Gòn chỉ còn lại 3 thuyền chạy thoát.
[25] Theo cách phân vùng lãnh thổ quân sự của chính quyền Sài Gòn, Quân khu 5 tương ứng với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
[26] Hoàng Phương (Chủ biên) (2005), Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 108.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét