13 tháng 8, 2014

VẤN ĐỀ GIỚI TUYẾN QUÂN SỰ TẠM THỜI TRONG QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN TẠI HỘI NGHỊ GENÈVE

Phạm Phúc Vĩnh(*)
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã đấu tranh quyết liệt nhằm chống lại sự dàn xếp của các nước lớn để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Đông Dương. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève, việc xác định giới tuyến quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam là vấn đề gay cấn nhất và khó tìm được tiếng nói chung giữa Việt Nam và Pháp cùng các nước liên quan. Tuy nhiên cuối cùng, Việt Nam phải chấp nhận nhượng bộ, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân chứ không phải vĩ tuyến 13 hay 14 theo phương án đấu tranh của Việt Nam. Tại sao Việt Nam có ưu thế lớn trên chiến trường, nhưng lại phải chấp nhận kết quả hạn chế như vậy?. Đó là vấn đề được nhiều nhà sử học quan tâm nghiên cứu.
Bài viết này sẽ phục dựng lại quá trình đàm phán về vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời tại Hội nghị Genève giữa Việt Nam và Pháp cùng các nước liên quan để thấy được tính phức tạp của quá trình đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trước sự thỏa hiệp giữa các nước lớn với nhau nhằm phục vụ cho những mục tiêu chiến lược khác nhau của họ và từ đó cho thấy được rằng, những gì Việt Nam phải chấp nhận tại Hội nghị Genève là điều đáng tiếc, nhưng khó có thể thay đổi được.
2. Quan điểm của Việt Nam và Pháp về vấn đề tập kết chuyển quân
Ngày 26/4/1954, các nước lớn gồm: Mĩ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc đã khai mạc Hội nghị Genève để bàn về các vấn đề tranh chấp trên thế giới, trong đó Đông Dương chỉ là một nội dung trong chương trình nghị sự. Trong phiên khai mạc, các nước nhỏ có quyền lợi liên quan đều không được mời dự, đến ngày 02/5/1954, theo đề nghị của Liên Xô, Hội nghị đã mời thêm các bên liên quan trong cuộc chiến tranh Đông Dương (Việt Nam DCCH, Chính phủ Bảo Đại, Lào, Campuchia) cùng tham dự. Ngày 8/5/1954, phái đoàn ngoại giao của Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đã chính thức tham dự Hội nghị.
Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève, vấn đề tập kết và chuyển quân là một yêu cầu tất yếu khi hiệp định đình chỉ chiến sự được kí kết. Trong giai đoạn đầu của Hội nghị Genève (từ ngày 08/5 đến ngày 19/6/1954), các bên tham gia Hội nghị đã trình bày lập trường của mình về vấn đề kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, đồng thời vấn đề vấn đề tập kết chuyển quân cũng được cả hai bên Việt Nam và Pháp đề cập đến. Trong giải pháp 5 điểm của phái đoàn Pháp trình bày tại Hội nghị vào ngày 8/5/1954 đã xác định là hai bên sẽ “tập kết quân đội hai bên vào các vùng quy định”[1] và trong giải pháp 8 điểm của phái đoàn Việt Nam trình bày tại Hội nghị vào ngày 10/5/1954 cũng xác định là sẽ “Kí một hiệp định về rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, Campuchia và Lào trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thỏa thuận về nơi đóng quân của lực lượng Pháp hay Việt Nam trong một số khu vực hạn chế”[2].
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Pháp cùng với các nước liên quan vẫn chưa có sự thống nhất về phương án tập kết chuyển quân là vạch một giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc hay là xác định một số vùng tập kết quân sự cho cả hai bên (Việt Nam và Pháp).
3. Quá trình đàm phán về vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, Liên Xô và Trung Quốc là hai nước đồng minh của Việt Nam. Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (7/1950), do Mĩ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương, tăng cường viện trợ cho Pháp nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh, nên Trung Quốc lo sợ Mĩ mở rộng chiến tranh, đe dọa đến hoà bình và an ninh của Trung Quốc và khu vực Viễn Đông. Vì vậy, trong Hội nghị Genève, Trung Quốc đã chủ trương sớm giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở Đông Dương, tìm ra một giải pháp giúp Pháp ít nhất là duy trì được một phần chỗ đứng ở Đông Dương, ngăn cản khả năng Mĩ can thiệp ồ ạt vào khu vực. Đối với Liên Xô, kể từ sau khi Stalin qua đời, Khrushchev thực hiện chủ trương đối ngoại hoà hoãn với phương Tây, chính vì vậy, trong quá trình đàm phán, Liên Xô mong muốn đi đến giải pháp hoà bình nhằm ngăn chặn việc Mĩ có thể mở rộng chiến tranh ở Đông Dương và giảm bớt tình hình căng thẳng ở Viễn Đông, thúc đẩy xu thế làm dịu tình hình thế giới.
Chính vì vậy, trong đàm phán tại Genève, khi lập trường của Việt Nam và Pháp có sự khác biệt lớn dẫn đến quá trình đàm phán diễn ra chậm chạp, thậm chí có lúc rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài, Liên Xô và đặc biệt là Trung Quốc đã tỏ ra lo lắng về kết cục thất bại của cuộc đàm phán. Trong cuộc họp ba đoàn phía các nước xã hội chủ nghĩa ngày 15/6/1954, phía Trung Quốc đã thuyết phục phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà nhượng bộ Pháp.
Ngày 17/6/1954, Quốc hội Pháp bầu Mendès France (thành viên Đảng Xã hội cấp tiến) làm Thủ tướng chính phủ mới. Ngày 18/6/1954, tại lễ nhậm chức, Mendès France tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong thời hạn 1 tháng (đến 20/7/1954), nếu không nội các sẽ từ chức. Sự biến chuyển đó đã giải tỏa được những lo lắng của Trung Quốc. Nhằm thúc đẩy Hội nghị, Trung Quốc đã đề nghị với phía Pháp tổ chức một cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Mendès France. Cuộc hội đàm được tổ chức vào ngày 23/6/1954 tại Bern (thủ đô Thuỵ Sĩ). Kết quả, Trung - Pháp đã thống nhất: “chia cắt Việt Nam, hai miền Việt Nam cùng tồn tại hòa bình, giải quyết vấn đề quân sự trước”[3] và “đàm phán về vấn đề tập kết cần đi vào bàn cụ thể; vấn đề phân vùng tập kết giữa hai bên cần giải quyết trước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các bên liên quan của phía mình trong việc giải quyết các vấn đề của Hội nghị”[4].
Sau khi Trung Quốc và Pháp đã đạt được giải pháp chung cho vấn đề Đông Dương, Hội nghị Genève bước vào giai đoạn thảo luận trực tiếp giữa phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp[5] (từ ngày 23/6/1954 trở đi). Trong giai đoạn này, phương án vạch một giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam để quân đội Pháp rút về phía Nam và quân đội Việt Nam rút về phía Bắc mới được các bên liên quan khẳng định.
Trong cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Việt Nam và Pháp ngày 28/6/1954, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đã đề xuất lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam. Theo U. Bớc-sét thì “trong tình hình thảm hại của lực lượng Pháp sau thất bại Điện Biên Phủ, và số còn lại trong những lực lượng tinh nhuệ của họ thì đang bị bao vây ở đồng bằng Sông Hồng và các nơi khác ở miền Bắc, đó không phải là một đề nghị không phải chăng”[6].
Về phía Pháp, mặc dù chiến tranh Đông Dương trở thành một gánh nặng về kinh tế và tâm lý đối với nước Pháp, buộc Pháp phải nhận viện trợ và lệ thuộc Mĩ để kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh. Khi kế hoạch quân sự Nava bị thất bại, ý chí thực dân và hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự của Pháp bị tiêu tan, họ buộc phải tới bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, Pháp vẫn có tham vọng tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế và chính trị của mình ở Đông Dương. Chính vì vậy, việc chấp nhận vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời là điều Pháp không muốn và họ kiên trì đòi lấy vĩ tuyến 18 làm giới tuyến quân sự tạm thời nhằm tách Campuchia khỏi những liên hệ với cách mạng Việt Nam, đồng thời giữ đường số 9 và một vùng biên giới chung giữa Lào với miền Nam Việt Nam nhằm đảm bảo những lợi ích của Pháp sau này.
Trong khi các cuộc thương lượng giữa Việt Nam và Pháp đang diễn ra tại Genève, thì tại Washington (ngày 28/6/1954), Anh và Mĩ đã ra tuyên bố chung, trong đó, thống nhất đặt ra 7 điều kiện về một thỏa thuận đình chiến ở Việt Nam và Đông Dương, trong đó “nhấn mạnh điều kiện dành cho phương Tây phần lãnh thổ phía Nam và một vùng ở đồng bằng Bắc Bộ”[7] và thoả thuận sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm thành lập một khối phòng thủ ở Đông Nam Á. Tuyên bố của Anh, Mĩ đã tạo cho Pháp một sự hậu thuẫn để mặc cả với Việt Nam. Phái đoàn Pháp đã tỏ ra không vội vàng trong việc đi đến một hiệp nghị khi mà yêu cầu của họ chưa được thỏa mãn và phương án vĩ tuyến 13 của Việt Nam tiếp tục bị phía Pháp bác bỏ.
Diễn biến mới này đã khiến Trung Quốc lo ngại về khả năng Mĩ sẽ có cơ hội can thiệp sâu vào Đông Nam Á. Và Chu Ân Lai đã đi đến quyết định thúc đẩy Hội nghị Genève kết thúc theo đúng thời hạn mà Thủ tướng Pháp đã đưa ra (20/7/1954) với điều kiện thương lượng theo phương châm là “phải công bằng hợp lý để cho phía Pháp có thể chấp nhận được”[8]. Tuy nhiên, tại Genève, trưởng phái đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng vẫn tỏ ra cứng rắn và kiên trì đấu tranh không khoan nhượng trước những đòi hỏi quá đáng của phái đoàn Pháp[9], làm cho quá trình đàm phán diễn ra một cách chậm chạp, không như mong đợi của Trung Quốc.
Để thúc đẩy phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Genève thay đổi quan điểm theo hướng nhượng bộ Pháp, Chu Ân Lai đã trở lại Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu từ ngày 03/7 đến ngày 05/7/1954. Trong cuộc hội đàm này, hai bên đã “nghiên cứu tình hình tiến triển của Hội nghị Genève, trao đổi ý kiến về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và những vấn khác liên quan đến Hội nghị Genève”[10]. Đặc biệt, trong vấn đề phân vùng tập kết, Chu Ân Lai đã đề xuất quan điểm lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến quân sự tạm thời[11] thay vì vĩ tuyến 13 như quan điểm của phái đoàn Việt Nam tại Genève.
Sau thời kì các trưởng đoàn đàm phán về nước báo cáo và gặp gỡ, trao đổi bên ngoài hội nghị (từ 20/6 đến 10/7/1954), ngày 10/7/1954, Mendès France trở lại Hội nghị và đến chiều ngày 12/7/1954, Chu Ân Lai cũng đã có mặt tại Genève.
Ngày 10/7/1954, trong cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và phái đoàn Pháp tại Genève, phía Việt Nam đã đề nghị giới tuyến sẽ hạ xuống ở vĩ tuyến 14, nhưng phía Pháp vẫn giữ vững lập trường vĩ tuyến 18, không chấp nhận lùi bước. Sau đó (13/7/1954), phía Việt Nam tiếp tục nhượng bộ với đề xuất phương án vĩ tuyến 16. Tuy nhiên, Mendès France vẫn quyết không chấp nhận đề xuất mới của Việt Nam vì không muốn từ bỏ căn cứ Không quân, Hải quân Đà Nẵng[12] và đường số 9 sang Lào. Trước tình huống đó, Liên Xô đề xuất bổ sung phương án cho phép phía Pháp có thể tự do đi lại trên đường số 9, nhưng Mendès France cho rằng, để đi lại an toàn, phía Pháp phải khống chế toàn bộ đường số 9 và hai bên đường và tiếp tục bảo lưu quan điểm vĩ tuyến 18.
Sáng ngày 13/7/1954, Mendès France đã đích thân đến gặp Chu Ân Lai tại trụ sở của phái đoàn Trung Quốc. Tại đây, Chu Ân Lai đã gợi ý phía Pháp nhượng bộ về vấn đề Việt Nam để đổi lấy sự nhân nhượng nhiều hơn: “Tôi tin là nếu các ngài tiến lên một bước thì bên kia sẽ đi nhiều bước hơn về phía các ngài”[13]. Chiều ngày 13/7/1954, Mendès France và Ngoại trưởng Anh Eden cùng đáp máy bay trở về Paris để hội đàm với Ngoại trưởng Mĩ Foster Dulles. Tại cuộc họp ba bên (Anh, Pháp, Mĩ), Thủ tướng Pháp khẳng định rằng: Pháp chỉ nhận “đường giới tuyến lui về phía Nam một chút” (so với mốc là vĩ tuyến 18 mà họ đã đề nghị ngày 26/6/1954) - có lẽ theo đường Đồng Hới - Thakhek hoặc hơi quá về phía Nam con đường đó”[14]. Và ngày hôm sau (14/7/1954), Pháp đã đáp lại gợi ý của Chu Ân Lai bằng một đề nghị mới: “phía Pháp sẽ chỉ chấp nhận đường giới tuyến ở phía Bắc đường số 9 (khoảng vĩ tuyến 17)”[15] thay cho đề nghị đường vĩ tuyến 18 trước đây.
Ngày 19/7/1954, Mendès France đến gặp Chu Ân Lai (cùng dự có Eden) và sau đó, với vai trò trung gian, đại diện của phái đoàn Anh là Caccia đã có cuộc gặp gỡ với đại diện phái đoàn Trung Quốc là Trương Văn Thiên để thảo luận về vấn đề Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ này, đại diện phái đoàn Anh đã “thông báo và nhấn mạnh rằng, phía Pháp nhất quyết đòi đường số 9 và để cho việc sử dụng “an toàn” con đường này, ông gợi ý đường giới tuyến là “một trong hai con sông” nằm trong khu vực giữa đường số 9 và vĩ tuyến 18”[16].
Như vậy, trong các cuộc tiếp xúc và thương lượng trực tiếp với Việt Nam, Pháp luôn kiên trì bảo vệ quan điểm vĩ tuyến 18. Thông qua các cuộc dàn xếp với các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Pháp đã có sự nhượng bộ nhỏ trong vấn đề xác định giới tuyến quân sự tạm thời trước khi trở lại đàm phán trực tiếp với Việt Nam.
Ngày 20/7/1954, sau khi phương án “đường giới tuyến ở phía Bắc đường số 9”[17] về cơ bản đã nhận được sự đồng tình của các nước lớn, Pháp trở lại đàm phán trực tiếp với Việt Nam. Sau nhiều cuộc thảo luận, cuối cùng phái đoàn Việt Nam đã đi đến thỏa thuận với Pháp chọn vĩ tuyến 17 làm đường giới tuyến quân sự tạm thời. Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng được thống nhất cuối cùng để đi đến chính thức kí kết Hiệp định Genève vào ngày 21/7/1954.
4. Kết luận
Việc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Việt Nam nói chung và để xác định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam nói riêng lẽ ra phải là công việc của Việt Nam với Pháp. Tuy nhiên, do sự chi phối của trật tự thế giới hai cực trong chiến tranh lạnh và những tính toán vì lợi ích của các nước lớn, nên Hội nghị Genève đã bị các nước lớn chi phối mạnh mẽ, trong đó đặc biệt là vai trò của Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh đó, quá trình đàm phán để xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam diễn ra gay cấn và kéo dài. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã kiên trì đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước sự dàn xếp của các nước lớn. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng trong vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời, Việt Nam phải chấp nhận một kết quả khiêm tốn đó là lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để phân chia khu vực tập kết chuyển quân chứ không phải vĩ tuyến 13, 14 hay 16 như lập trường ban đầu của Việt Nam, bỏ lại toàn bộ vùng giải phóng khu V và nhiều vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17 làm vùng tập kết, chuyển quân cho Pháp.


(*) Tiến sĩ, Trường Đại học Sài Gòn.


[1] Nguyễn Phúc Luân (2001), Ngoại giao Việt Nam hiện đại, vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945 - 1975), Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 140.
[2] Nguyễn Phúc Luân (2001), Ngoại giao Việt Nam hiện đại, vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945 - 1975), Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 141.
[3] Bộ Ngoại giao Việt Nam (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 28 - 29.
[4] Nguyễn Văn Trí (2009), “Quan hệ Trung - Pháp trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Geneva năm 1954”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/2009, tr.53.
[5] Từ ngày 24/6/1954 đến ngày 20/7/1954, phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ cộng hòa đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể, xoay quanh các vấn đề: quyền tham gia hội nghị của các đại biểu chính phủ kháng chiến Lào và chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam.
[6] U. Bớc-sét (1986), Tam giác Trung Quốc Cam-pu-chia Việt Nam, Nxb Thông tin lí luận, HN, tr.40.
[7] Nguyễn Phúc Luân (2001), Ngoại giao Việt Nam hiện đại, vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945 - 1975), Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 144.
[8] Bộ Ngoại giao Việt Nam (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 30.
[9] Đến ngày 10/7/1954, phái đoàn Việt Nam vẫn kiên trì lập trường của mình về vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia,… định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong 6 tháng để thống nhất nước nhà[Bộ Ngoại giao Việt Nam (1979), Sđd, tr. 29].
[10] “Cuộc hội đàm Việt – Trung có ý nghĩa quan trọng đối với việc lập lại hòa bình ở Đông Dương”, Báo Nhân Dân, Số 203, ngày 10/7/1954.
[11] Theo Nguyễn Văn Trí, tại cuộc gặp Hồ Chí Minh ở Liễu Châu từ ngày 3/7 đến ngày 5/7/1954, Trung Quốc định đường giới tuyến phân chia vùng kiểm soát giữa hai ở Việt Nam tại vĩ tuyến 17 - gần với đề nghị đặt đường giới tuyến tại vĩ tuyến 18 của phía Pháp ngày 26/6/1954 [Nguyễn Văn Trí (2009), Sđd, tr. 54].
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam thì trong điện văn gởi BCH Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, sao gởi BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 30/5/1954, Chu Ân Lai đã đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc[Bộ Ngoại giao Việt Nam (1979), Sđd, tr. 30].
[12] Vĩ tuyến 16 sẽ đi qua giữa căn cứ Không quân và Hải quân  Pháp tại Đà Nẵng.
[13] Phrăng-xoa Gioay-ô (1981), Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội, tr. 291.
[14] Nguyễn Văn Trí (2009), “Quan hệ Trung - Pháp trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Geneva năm 1954”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/2009, tr. 54.
[15] Nguyễn Văn Trí (2009), “Quan hệ Trung - Pháp trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Geneva năm 1954”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/2009, tr. 55.
[16] Nguyễn Văn Trí (2009), “Quan hệ Trung - Pháp trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Geneva năm 1954”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/2009, tr. 56.
[17] Nguyễn Văn Trí (2009), “Quan hệ Trung - Pháp trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Geneva năm 1954”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/2009, tr. 55.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét