4 tháng 10, 2013

QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG VÀ GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở NAM BỘ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

Phạm Phúc Vĩnh(*)
1. Đặt vấn đề
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, quá trình trực tiếp chuẩn bị lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở miền Bắc được tiến hành từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5/1941). Sau khi Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), ở Bắc Bộ, Trung ương Đảng đã xây dựng và tập hợp được một lực lượng cách mạng lớn mạnh và phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến hành khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong khi đó ở Nam Bộ, do ở xa Trung ương, tổ chức Đảng lại bị tổn thất nặng nề sau Khởi nghĩa Nam kì (1941), mãi đến năm 1943 mới bắt đầu được gầy dựng lại nên lực lượng cách mạng rất yếu. Chính vì vậy, quá trình chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng tháng Tám ở đây được tiến hành rất muộn. Vậy bằng cách nào mà chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 5 đến tháng 8/1945), Xứ uỷ Nam Bộ đã tập hợp được một lực lượng đủ sức để giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám cùng với cả nước ?.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra những nét đặc trưng của quá trình chuẩn bị lực lượng và giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám 1945.
2. Quá trình chuẩn bị lực lượng trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ
2.1. Sự tồn tại hai Xứ ủy ở Nam Bộ
Sau Khởi nghĩa Nam Kì thất bại, phần lớn cán bộ, đảng viên bị bắt, giết và tù đày, Xứ ủy Nam bộ trên thực tế không còn hoạt động. Ngày 21 và 22/01/1941, một số Xứ ủy viên và Đảng viên còn lại gồm: Phan Văn Khỏe, Phan Văn Bảy, Dương Công Nữ, Phạm Hùng Thám, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Tiếp, Trần Văn Thời, Phạm Văn Sáng, Nguyễn Văn Trọng, Ngô Tám đã họp ở Đa Phước, Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay là Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh), thành lập Xứ ủy lâm thời. Tuy nhiên, đến cuối năm 1942, nhiều Xứ ủy viên lâm thời lại bị bắt[1] và Xứ ủy tan vỡ.
Từ ngày 13 đến ngày 15/10/1943, Dương Quang Đông và một số Đảng viên vừa vượt ngục ra đã liên lạc với nhau và tiến hành Hội nghị tại Chợ Gạo, Tiền Giang để thành lập Xứ ủy Nam Bộ mới, Hội nghị đã quyết định tái lập Xứ ủy Nam Bộ và bầu Dương Quang Đông làm Bí thư, nhưng ông Đông chỉ tạm nhận chức vụ này và sau 9/3/1945, đã chuyển giao lại cho Trần Văn Giàu. Xứ ủy ra Báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận. Do đó, Xứ ủy được gọi là Xứ ủy Tiền Phong.
Sau khi Xứ ủy Tiền Phong được thành lập một thời gian, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu đã liên lạc và mời nhóm “Giải phóng” của Bà Nguyễn Thị Thập tham gia Xứ ủy, nhưng Bà Thập từ chối với lí do “Xứ ủy cũ dù bị bắt gần hết, dù chỉ còn một đôi người, nhưng đã giải tán đâu”[2]. Sau đó, ngày 20/3/1945, tại Xoài Hột, Châu Thành, Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), nhóm đảng viên hoạt động tại khu vực miền Đông Nam Bộ và Tiền Giang[3] đã tiến hành Hội nghị, thành lập Xứ ủy Nam Kì lâm thời, bầu Trần Văn Vi làm Bí thư và ra Báo Giải phóng làm cơ quan ngôn luận. Do đó, Xứ ủy được gọi là Xứ ủy Giải phóng[4]. Ngày 15/4/1945, Xứ ủy lâm thời (Giải phóng) đã họp và tuyên bố thành lập Xứ ủy chính thức (còn gọi là Ban Cán sự Nam Kì), bầu Lê Hữu Kiều làm Bí thư.
Sự ra đời và cùng hoạt động của hai Xứ ủy ở Nam Bộ đã dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Thực tế đó đã được lãnh đạo của cả hai Xứ ủy nhận ra và đã nhiều lần tìm cách để hợp nhất[5]. Tuy nhiên, do quan điểm của hai bên có những điểm khác biệt nhất định, nên trong giai đoạn từ khi hai Xứ ủy ra đời đến Cách mạng tháng Tám, hai bên đã không thể thống nhất được. Tuy không thể hợp nhất, nhưng hoạt động của hai Xứ ủy không đến mức có sự đối lập nhau.
2.2. Quá trình chuẩn bị lực lượng của Xứ ủy Giải phóng
Trước khi thành lập, Xứ ủy Giải phóng đã bắt liên được với Trung ương nên có Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) và đề ra chủ trương tập hợp lực lượng, hoạt động theo chương trình của Mặt trận Việt Minh, thành lập và phát huy vai trò của các Hội quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc.
Xứ ủy Giải phóng được thành lập và chính thức hoạt động từ ngày 15/4/1945, địa bàn hoạt động chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn và hoạt động bí mật. Trong một khoảng thời gian ngắn (từ 15/4/1945 đến 15/8/1945), với phương thức hoạt động bí mật và địa bàn hoạt động chủ yếu là nông thôn như trên, nên “số lượng đảng viên thuộc hệ thống tổ chức của Xứ ủy Giải Phóng không nhiều”, phần lớn là nông dân, cơ sở quần chúng ở các đô thị, tỉnh lị càng ít”[6] và “hoạt động của Xứ ủy Giải Phóng chỉ đạt kết quả khá hạn chế... Bản thân Xứ ủy Giải Phóng cũng phạm phải sai lầm chiến thuật, quá tập trung vào chỗ đứng ở nông thôn mà không có chủ trương thích hợp trong việc xây dựng lực lượng ở thành thị”[7]. Theo như đánh giá của Giáo sư Trần Văn Giàu thì “làm như các anh ấy [tức Xứ ủy Giải Phóng] thì chẳng bao giờ có cách mạng thành công ở Nam Kì đâu. Có sức đâu mà làm. Thời cơ tốt thì anh em đó nhiều lắm là giành được chính quyền ở mấy làng, một vài quận là cùng”[8].
2.3. Quá trình chuẩn bị lực lượng của Xứ ủy Tiền Phong
Sau khi thành lập, do Xứ ủy Tiền Phong đã không liên lạc được với Trung ương nên không biết Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII (1941). Xứ ủy đã dựa vào Nghị quyết Hội nghị Trung ươn VII (11/1939) và tình hình thực tế để tự đề ra phương hướng hoạt động. Địa bàn hoạt động của Xứ ủy Tiền Phong chủ yếu là các đô thị và các vùng ven đô thị.
Khoảng giữa tháng 4/1945, phái viên của Xứ ủy Tiền Phong được phái ra liên lạc với Trung ương là Lý Chính Thắng cùng với giao liên của Trung ương là Cái Thị Tám đã về đến Nam Bộ. Xứ ủy chính thức nhận được Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) và Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945). Sau khi nhận được chủ trương của Trung ương, Xứ ủy Tiền Phong đã thành lập Mặt trận Việt Minh ở Nam bộ để tiến hành chuẩn bị lực lượng.
Tuy nhiên, thực trạng lực lượng các mạng ở Nam Bộ lúc này quá non yếu, theo Trần Văn Giàu thì đến đầu 1945, riêng ở Sài Gòn, lực lượng cách mạng chỉ vỏn vẹn có “non trăm Đảng viên, mươi nghìn đoàn viên công đoàn”[9]. Mặt trận Việt Minh muốn nhanh chóng tập hợp được một lực lượng đủ mạnh, sẵn sàng cho việc giành chính quyền ở Nam Bộ khi thời cơ đến thì chỉ có hình thức công khai là thích hợp nhất. Nhưng làm sao để Mặt trận Việt Minh ra công khai trong điều kiện kẻ thù của cách mạng đang ngày đêm tìm cách đàn áp và khủng bố?.
Giữa lúc khó khăn đó, một tình thế thuận lợi bất ngờ đã xuất hiện: chính quyền Nhật Bản ở Nam Kì mời Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra thành lập một tổ chức để tập hợp thanh niên Nam Bộ mà chủ yếu là ở Sài Gòn. Ngày 26/5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền Phong do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu được thành lập. Tuy nhiên, một điều mà phát xít Nhật hoàn toàn không ngờ đó là “thủ lĩnh” của Thanh niên Tiền phong mà họ rất tin tưởng - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại chính là một Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương[10]. Xứ uỷ Tiền Phong đã quyết định lấy danh nghĩa hợp pháp của Thanh niên Tiền Phong dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phạm Ngọc Thạch để tạo một mặt trận công khai nhằm tập hợp và chuẩn bị lực lượng cho cách mạng.
Kế thừa cách tổ chức của Mặt trận Việt Minh, Xứ ủy Tiền Phong đã thành lập tổ chức: Phụ nữ Tiền Phong, Phụ lão Tiền Phong, Thiếu niên Tiền Phong và đồng thời còn lấy danh nghĩa của Thanh niên Tiền Phong làm vỏ bọc để đưa Tổng công đoàn Nam Kì ra hoạt động công khai dưới tên gọi là “Thanh niên Tiền Phong – Ban xí nghiệp”.  Ngay từ khi ra đời, Thanh niên Tiền Phong đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm tập hợp lực lượng và chuẩn bị mọi mặt cần thiết nhằm đảm bảo cho sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa có thể nổ ra. Hoạt động chủ yếu của tổ chức là: huấn luyện chính trị cho các thủ lĩnh của Thanh niên Tiền Phong ở các tỉnh, huấn luyện quân sự cho thanh niên, đoàn viên và tổ chức các hoạt động xã hội.
Chính vì có Thanh niên Tiền Phong nắm lấy chức năng tập hợp lực lượng công khai, nên Xứ ủy Tiền Phong đã không tổ chức trong Mặt trận Việt Minh các hội Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ Lão cứu quốc, Thiếu niên cứu quốc,... như Xứ ủy Giải phóng để bí mật tập hợp lực lượng nữa. Và trong thực tế, Mặt trận Việt Minh vẫn hoạt động bí mật và liên hệ mật thiết với Thanh niên Tiền Phong dưới sự lãnh đạo chung của Xứ ủy Tiền Phong.
Mặc dù phát xít Nhật biết được Thanh niên Tiền Phong do Xứ ủy “cầm lái”, nhưng vì Nhật đang trên đà thất bại, thêm vào đó là nhờ tài ngoại giao khôn khéo của thủ lĩnh Phạm Ngọc Thạch, nên Nhật không những không can thiệp vào công việc nội bộ của Thanh niên Tiền Phong mà còn trao một khối lượng vũ khí lớn mà chúng đã tước của Pháp cho Phạm Ngọc Thạch.
Nhờ quá trình tập hợp lực lượng diễn ra công khai, hợp pháp dưới vỏ bọc Thanh niên Tiền Phong, nên chỉ trong vòng non 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/1945), ở Nam Bộ, Xứ uỷ Tiền Phong đã nhanh chóng tập hợp được một lực lượng quần chúng cách mạng hùng hậu. Tính đến giữa tháng 8/1945, lực lượng Thanh niên Tiền Phong ở Nam Bộ đã lên đến hơn 1.200.000 người. Riêng lực lượng Thanh niên Tiền Phong ở Sài Gòn đã có đến 200 trụ sở với 80.000 đoàn viên. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn - “Thanh niên Tiền Phong – Ban xí nghiệp” cũng nhanh chóng phát triển từ con số gần 30 tổ chức cơ sở với 15.000 đoàn viên hồi cuối tháng 5/1945 đã tăng lên đến 342 cơ sở và 120.000 đoàn viên vào giữa tháng tám[11] năm 1945. Hầu hết lực của Thanh niên Tiền Phong đều nằm ngay bên trong nội bộ của kẻ thù; trong hầu hết các cơ quan, công sở của phát xít Nhật ở Nam Bộ, không nơi nào lại không có mặt lực lượng Thanh niên Tiền phong dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Tiền Phong.
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, thời cơ giành chính quyền xuất hiện, Mặt trận Việt Minh cần công khai để tập hợp thêm các lực lượng khác (không thuộc sự lãnh đạo của Xứ ủy), tối ngày 21/8/1945, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu đã tuyên bố chính thức công khai Mặt trận Việt Minh.
Ngày 22/8/1945, Thanh niên Tiền Phong công khai tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Đồng thời Thanh niên Tiền Phong – Ban xí nghiệp cũng quyết định lấy lại tên cũ và tuyên bố là thành viên của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng cho việc giành chính quyền ở Nam Bộ.
3. Quá trình giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám 1945
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, ở phía Bắc, Trung ương đã ban bố lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và nhân dân đã giành được chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi. Tuy nhiên trong giai đoạn này, do Xứ ủy Tiền Phong mất liên lạc với Trung ương và các đại biểu được cử ra Hà Nội để liên hệ với Trung ương lại chưa về đến Nam Bộ nên Xứ ủy vẫn chưa nhận được chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Trung ương. Trong bối cảnh thời cơ giành chính quyền xuất hiện rất thuận lợi như trên, đêm 16/8/1945, Xứ ủy Tiền Phong đã tiến hành Hội nghị tại Chợ Đệm. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn chưa thống nhất kế hoạch lãnh đạo quần chúng đứng lên giành chính quyền.
Ngày 19/8/1945, Hà Nội và nhiều tỉnh ở miền Bắc đã giành được chính quyền, không khí cách mạng sôi sục trong cả nước, Xứ ủy Tiền Phong đã tổ chức Hội nghị lần thứ hai tại Chợ Đệm (vào sáng ngày 21/8/1945) để thống nhất hành động. Tuy nhiên, Hội nghị lần này vẫn chưa đạt được sự thống nhất.
Để có cơ sở vững chắc cho việc quyết định giành chính quyền, Xứ ủy Tiền Phong quyết định khởi nghĩa thí điểm ở Tân An. Ngày 22/8/1945, lực lượng Thanh niên Tiền Phong đóng vai trò xung kích đã nổi dậy giành chính quyền ở Tân An. Đến 3 giờ chiều cùng ngày, việc giành chính quyền tại thị xã Tân An đã hoàn tất, không hề có sự can thiệp của Nhật (trước đó phía Nhật đã hứa với Phạm Ngọc Thạch là sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam).
Thắng lợi của tỉnh Tân An đã củng cố niềm tin cho Xứ ủy quyết định tổng khởi nghĩa trên toàn Nam Bộ. Sáng 23/8, Hội nghị của Xứ ủy họp lần thứ ba tại Chợ Đệm đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ vào đêm 24/8/1945.
Với lực lượng Thanh niên Tiền Phong (lúc này thuộc Mặt trận Việt Minh) đang hoạt động hợp pháp ngay trong hàng ngũ của kẻ thù, Xứ ủy chủ trương sẽ tiến hành giành chính quyền ngay từ bên trong trước (Lực lượng Thanh niên Tiền Phong ở cơ quan nào sẽ tự đứng lên chiếm chính quyền của địch ở đó), sau đó lực lượng quần chúng nổi dậy tiếp ứng từ bên ngoài vào.
Đêm 24/8/1945, tại Sài Gòn, Thanh niên Tiền Phong nhanh chóng chiếm các công, tư sở và những cơ quan quan trọng của chính quyền tay sai ngay từ bên trong. Bắt giữ khâm sai Nguyễn Văn Sâm, hạ cờ quẻ ly và treo cờ đỏ sao vàng ngay trên nóc dinh Thống đốc Nam kì. Đến sáng 25/8/1945, quần chúng nhân dân với giáo mác, gậy tầm vông tràn ngập đường phố, kéo vào sở mật thám, sở cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà máy điện, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn.
Ở các tỉnh Nam Bộ khác, lực lượng Thanh niên Tiền Phong dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng giành chính quyền ở phần lớn các tỉnh thành như: Gò Công (24/8/1945), Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Chợ Lớn, Gia Định, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc (25/8/1945), Biên Hòa, Cần Thơ (26/8/1945) .v.v...
Đối với Xứ ủy Giải phóng, do lực lượng hạn chế và tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, nên chỉ phối hợp nổi dậy giành chính quyền ở một số nơi thuộc địa bàn nông thôn, còn việc giành chính quyền thuộc cấp huyện, tỉnh ở Nam Bộ đều do lực lượng của Thanh niên Tiền Phong hoạt động mạnh ở các đô thị thực hiện.
4. Kết luận
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, quá trình chuẩn bị lực lượng và giành chính quyền ở Nam Bộ có những đặc điểm riêng so với Bắc Bộ. Nếu ở Bắc Bộ, quá trình chuẩn bị lực lượng diễn ra từ tháng 5/1941, dưới hình thức bí mật, thì ở Nam Bộ, quá trình chuẩn bị lực lượng diễn ra muộn hơn rất nhiều (tháng 5/1945), nhưng nhờ sự sáng tạo của Xứ ủy Tiền Phong mà quá trình đó đã được tiến hành công khai, hợp pháp (dưới vỏ bọc của Thanh niên Tiền Phong).
Nhờ tính công khai, hợp pháp của Thanh niên Tiền Phong, Xứ uỷ đã xây dựng được một lực cách mạng đông đảo nằm ngay bên trong nội bộ của kẻ thù, trong hầu hết các cơ quan, công sở của phát xít Nhật dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ vậy, quá trình giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám đã diễn ra từ bên trong nội bộ của kẻ thù và diễn ra nhanh chóng, ít đổ máu.
Có thể nói, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của sự lãnh đạo chủ động đầy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Xứ uỷ Tiền Phong lúc bấy giờ. Và cũng chính nhờ vậy, mặc dù không kịp nhận lệnh tổng khởi nghĩa từ Trung ương, nhưng Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Bộ vẫn diễn ra đúng thời cơ và giành thắng lợi cùng với thắng lợi chung của cả nước.

Tài liệu tham khảo:

1.   Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh (2005), Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 60 năm tiếp bước con đường cách mạng Tháng Tám (1945 - 2005), Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
2.   Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (1996), Mùa Thu rồi ngày hăm ba, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội.
3.   Trần Văn Giàu (1995), Mấy đặc điểm của Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 – 1995.
4.   Trần Văn Giàu (Chủ biên) (1987), Địa chí văn hoá TP. Hồ Chí Minh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
5.   Trần Văn Giàu (1995), Hồi kí 1940 – 1945 (Bản đánh máy), Chưa xuất bản.
6.   Đinh Xuân Lâm (Chủ biên) (1998), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
7.   Trần Trọng Tân (1995), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, Tập 1, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
8.   Nguyễn Thị Thập (1985), Từ đất Tiền Giang, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
9.   Nguyễn Khánh Toàn (Chủ biên) (2004), Lịch sử Việt Nam:1858 – 1945, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội.
10.   Minh Tranh và tgk (2004), Hà Nội – Huế – Sài Gòn tháng Tám năm 1945, Nxb QĐND, Hà Nội.
11.   Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (2010), Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb ĐHSP Tp. HCM.
12.   Phạm Hồng Tung (2009), Nội các Trần Trọng Kim – bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội.

Liên hệ: TS. Phạm Phúc Vĩnh, Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sài Gòn, Số 273 An Dương Vương, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. ĐT: 0946.579.260.



(*) TS, Trường Đại học Sài Gòn.
[1] Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, Tập 1 (Trần Trọng Tân, 1995, tr. 166) thì “Một số cán bộ bị bắt và cơ quan in báo ở Sài Gòn cũng bị địch đánh phá. Việc thành lập Xứ ủy của Nhóm Giải phóng không thành”.
[2] Nguyễn Thị Thập (1985), Từ đất Tiền Giang, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tr. 261.
[3] Nhóm này gồm có: Trần Văn Vi, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Dư Khương, Lê Hữu Kiều, Lữ Đồng Tấn, Hoàng Tế Thế, Võ Bá Nhạc, Tô Kí
[4] Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (2010), Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb ĐHSP Tp. HCM, tr. 198.
[5] Tháng 4/1945, Xứ ủy Giải phóng chủ động đưa ra đề nghị thống nhất từng bước. Trước tiên là thống nhất đường lối quan điểm rồi sẽ thống nhất về tổ chức và trên cơ sở đó thống nhất về công tác Mặt trận, vận động quần chúng. Đề nghị này bị đại biểu Xứ ủy Tiền Phong từ chối.
[6] Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (2010), Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb ĐHSP Tp. HCM, tr. 277.
[7] Phạm Hồng Tung (2009), Nội các Trần Trọng Kim – bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 158.
[8] Trần Văn Giàu (1995), Hồi kí 1940 – 1945 (Bản đánh máy), Chưa xuất bản chính thức, tr.142.
[9] Trần Văn Giàu (1995), “Mấy đặc điểm của cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn Nam Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/1995, tr. 10.
[10] Xem thêm: Trần Văn Giàu (Chủ biên) (1987), Địa chí văn hoá Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 340.
[11] Nguồn của các số liệu này được tổng hợp từ bài “Mấy đặc điểm của cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn Nam Bộ” của Trần Văn Giàu, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6/1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét