Phạm Phúc Vĩnh(*)
1. Sự cần thiết phải giành quyền lãnh đạo Tổng hội
sinh viên Sài Gòn
Sau năm 1954, để phục vụ cho việc phát triển miền Nam
Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa, ngoài việc mở rộng quy mô đào tạo của
Viện Đại học Sài Gòn (thành lập năm 1957, tiền thân là Viện Đại học Đông Dương
thời Pháp thuộc, năm 1955 đổi tên là Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, gồm có các
phân khoa: Y; Nha; Dược; Sư phạm; Khoa học; Văn khoa; Luật khoa; Kiến trúc), chính
quyền Sài Gòn đã cho thành lập thêm nhiều trường đại học mới dưới hai loại hình
là công lập và tư thục. Các trường công lập gồm có: Viện Đại học Huế (1957), Viện
Đại học Cần Thơ (1966), Học viện quốc gia hành chánh (1958), Viện Đại học Bách
khoa Thủ Đức (thành lập năm 1974, trên cơ sở nâng cấp Trường Kĩ thuật Phú Thọ
có từ năm 1957 và một số trường mới thành lập); các trường tư thục bao gồm: Đại
học Đà Lạt (1957), Đại học Vạn Hạnh (1964), Đại học Phương Nam (1967), Đại học
Hòa Hảo (1970), Đại học Cao Đài (1971) và Đại học Minh Đức (1972).
Sự mở rộng quy mô đào tạo của Viện Đại học Sài Gòn và quá
trình ra đời của các viện đại học mới ở miền Nam Việt Nam đã làm gia tăng nhanh
chóng số lượng sinh viên, nhất là ở Sài Gòn. Với số lượng đông đảo, có tri thức
và nhiệt huyết của tuổi trẻ, sinh viên ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói
riêng dần dần trở thành một lực lượng chính trị quan trọng trong các phong trào
yêu nước. Ngay
trong những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sinh viên Sài Gòn đã tham gia
nhiều hoạt động đấu tranh chính trị như: biểu tình chống chính quyền Ngô Đình
Diệm, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; tham gia “phong trào cứu trợ nạn nhân chiến cuộc”(5/1955); tổ chức bãi
khóa, xuống đường cùng với các tầng lớp nhân dân khác phản đối đàn áp tôn giáo
(1963) và tổ chức cuộc biểu tình của hơn 5.000 học sinh – sinh viên Sài Gòn –
Gia Định trước chợ Bến Thành vào ngày 25/8/1963.
Nhận thấy được sức mạnh của phong
trào sinh viên Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn đã tìm cách kiểm soát phong trào bằng cách thỏa hiệp, mua chuộc và đưa người
của mình vào nắm lấy Tổng hội sinh viên Sài Gòn[1]. Trong hai nhiệm kì 1963 –
1964 và 1964 – 1965, Tổng hội sinh viên Sài Gòn do Lê Hữu Bôi và Nguyễn Trọng Nho
là thành viên Quốc dân đảng, có khuynh hướng chống Cộng nắm giữ, đến nhiệm kỳ
1965-1966, chức Chủ tịch Tổng hội lại rơi vào tay Tô Lai Chánh – một thủ lĩnh
sinh viên thân chính quyền Sài Gòn[2]. Tổng hội sinh viên Sài Gòn hoạt động
công khai, hợp pháp, nhưng do bị chính quyền Sài Gòn chi phối, nên hoạt động của
Tổng hội từ 1963 đến 1966 khá mờ nhạt, không theo kịp sự phát triển của phong
trào sinh viên.
Tuy lãnh đạo Tổng hội bị
chính quyền Sài Gòn chi phối, nhưng phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn từ
1964 đến 1966 vẫn tiếp tục lên cao và trở thành phong trào đấu tranh chính trị
công khai chống chính quyền Sài Gòn và Mĩ rõ nét hơn:
Ngày 2/8/1964, khoảng 4.000
học sinh – sinh viên đã tổ chức cuộc hội thảo vạch trần bộ mặt độc tài phát xít
của Nguyễn Khánh. Ngày 21/8/1964,
hàng ngàn sinh viên và học sinh tập hợp tại trụ sở Tổng hội số 4 Duy Tân, kéo
tới tư dinh tướng Nguyễn Khánh đòi bỏ lệnh giới nghiêm. Trưa 23/8/1964, sinh
viên tập trung tại đại học Y khoa hội thảo, rồi kéo đến Đài phát thanh buộc tội
Giám đốc Nguyễn Ngọc Linh đưa tin xuyên tạc phong trào đấu tranh của sinh viên,
học sinh. Ông Linh phải thoát qua cửa sổ, bỏ trốn. Ngày 25/8/1964, học sinh,
sinh viên buộc Nguyễn Khánh trả lời về tình trạng khẩn cấp, về chế độ kiểm
duyệt báo chí và lên án sự phi pháp, phản dân chủ của Hiến chương Vũng Tàu, buộc
Nguyễn Khánh phải hủy bỏ hiến chương này và từ chức.
Ngay khi mới lên cầm quyền, Trần Văn Hương[3]
đã đối mặt với sự phản đối quyết liệt của học sinh, sinh viên Sài Gòn với những
cáo buộc như: “Chính phủ Trần Văn Hương đã đàn áp sinh viên một cách dã man,
xâm phạm học đường một cách trắng trợn. Chính phủ đã giết chết tự do báo chí”
và yêu sách: “Trần Văn Hương từ chức ngay và yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu
dùng quyền của mình để giải tán thành phần nội các Trần Văn Hương”[4].
Đặc biệt, học sinh, sinh viên đã lên án và chống đối quyết liệt chính sách
“Quân sự hóa học đường” của Trần Văn Hương với yêu sách rất rõ ràng: “tăng số
tuổi được vào đại học là 21 tuổi thay vì 19 tuổi. Điều kiện ưu tú phải được ấn
định một cách hợp lý, phù hợp với tình trạng thực tế tại đại học, không thể trở
thành một lý do để đẩy đa số con em sinh viên vào con đường lính tráng”[5].
Trước những áp lực từ quần chúng nhân dân (trong đó có sinh viên) và từ các phe
phái đối lập trong chính quyền Sài Gòn, Trần Văn Hương buộc phải từ chức.
Sau thất bại của âm mưu thành lập chính phủ dân sự, âm
mưu thành lập một chính phủ quân sự với liên minh Thiệu – Kỳ của Mĩ[6]
cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của sinh viên trên toàn miền Nam, nhất là ở
Sài Gòn. Trong một Bản tin của sinh viên Sài Gòn đã chỉ trích chủ trương chiến
tranh của chính quyền Sài Gòn rằng: “Chiến tranh hiện nay không giải quyết được
gì cả, không bảo đảm tương lai nào cả mà chỉ đẩy dân tộc ta ngày càng đi sâu
vào một cuộc phiêu lưu vô lý nhất, vô nhân đạo nhất bằng cách sát hại lẫn nhau
và tiếp tục chiến tranh là đi ngược lại với nguyện vọng của toàn dân”[7].
Những diễn
biến của phong trào sinh viên Sài Gòn nói riêng và sinh viên toàn miền Nam nói
chung trong giai đoạn này cho thấy, đây là một lực lượng yêu nước hết sức hăng
hái, năng động, nếu Đảng tập hợp và lãnh đạo được thì sẽ có một lực lượng chính
trị quan trọng có thể hoạt động công khai ngay trong lòng địch. Về vấn đề này,
BS. Huỳnh Tấn Mẫm sau này đã cho biết rằng, Đảng ta “cần có một mặt trận, một
lực lượng đấu tranh công khai ngay trong lòng địch mà lực lượng đó phải hợp
pháp và được chính quyền ở miền Nam thừa nhận. Và cuộc đấu tranh do lực lượng
đó khởi xướng phải liên tục. Lực lượng đó chính là đội ngũ sinh viên ở miền Nam”[8]. Và để lãnh đạo phong trào
sinh viên Sài Gòn phát triển theo hướng có lợi cho cách mạng, việc cần thiết
phải làm lúc này là giành quyền lãnh đạo Tổng hội sinh viên Sài Gòn.
2. Quá trình
vận động giành quyền lãnh đạo Tổng hội sinh viên Sài Gòn
Cơ quan cao nhất của Tổng hội sinh viên Sài Gòn là Hội đồng đại diện
sinh viên do Chủ tịch Ban chấp hành sinh viên các trường đứng đầu. Ban chấp
hành Tổng hội có nhiệm kỳ 1 năm do sinh viên trực tiếp bầu, nhưng cũng có nhiệm
kỳ do Ban đại diện các trường thành viên bỏ phiếu. Chính vì vậy, nếu Khu Đoàn muốn giành
quyền lãnh đạo Tổng hội thì trước hết phải đưa người vào nắm các Ban đại diện của
các phân khoa để ra tranh cử.
Trước bối cảnh Mĩ đưa quân trực tiếp xâm lược nước ta,
tháng 4/1965, Khu Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng khu Sài Gòn – Gia Định[9]
đã được thành lập. Thực hiện chủ trương của Đảng, Khu Đoàn đã đưa ra chủ
trương: “từng Đoàn ủy và Ban Vận động thanh niên tri thức tranh thủ vị trí công
khai của cá nhân tiêu biểu trong phong trào để hình thành các tổ chức thanh
niên từng giới…., nắm cơ quan “Học sinh vụ” của Tổng hội sinh viên vừa dựa thế
Tổng hội, vừa độc lập hoạt động trong khi Tổng hội sinh viên còn do bọn
phản động và các phe phái khác chi phối. Đoàn ủy sinh viên khẩn trương xây dựng
nòng cốt công khai, nắm lấy Ban Đại diện các trường đại học để đẩy mạnh đấu
tranh giành quyền lãnh đạo Tổng hội Sinh viên Sài Gòn”[10].
Thực hiện chủ trương trên, Khu Đoàn đã tổ chức đưa những
lãnh tụ sinh viên yêu nước tham gia vào Ban đại diện của các phân khoa để chuẩn
bị cho việc ra giành quyền lãnh đạo Tổng hội sau này. Tính đến năm 1966, trong
số 14 phân khoa của Tổng hội lúc bấy giờ, “nhiều đồng chí của ta đã “lồng
khung” vào được các ban đại diện của trường Khoa học, Sư phạm, Văn khoa, Nông
Lâm Súc, Y khoa,…”[11].
Sau này, chính quyền Sài Gòn cũng đã ghi nhận rằng: “có 10 ban có lập trường chống Cộng không bền vững nếu
không nói là thiên Cộng như Luật khoa, Khoa học, Văn khoa, Dược khoa, Y khoa,
Nha khoa, Sư phạm, cao đẳng Nông Lâm Súc, Điện học; 4 Ban chấp hành có lập trường
chống Cộng rõ rệt là Công nghệ, Kiến trúc, cao đẳng Công chính và Quốc gia hành
chính”[12].
Trước việc Mĩ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam, học sinh sinh viên
khắp miền Nam đã cùng với các tầng lớp nhân dân đấu tranh phản đối Mĩ. Tại sài
Gòn, tháng 4/1966, sinh viên trường Y và trường Kĩ thuật Phú Thọ mở hội thảo
đòi chủ quyền và hòa bình cho Việt Nam. Đến ngày 24/5/1966, sinh viên Y khoa đã
tập hợp tại trụ sở Tổng hội, chất vấn và yêu cầu Tô Lai Chánh phát động một
phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh ở miền Trung, chống đàn áp gây nội chiến.
Chánh lúng túng, hoảng sợ trước yêu cầu trên và bất ngờ tung cửa sổ chạy ra
ngoài, sau đó trốn về Cần Thơ.
Sau khi Tô Lai Chánh bỏ trốn, Hội đồng đại diện 14 phân khoa đã nhất
trí phế truất Ban chấp hành cũ và tạm thời cử người tạm quyền. Cuộc vận động bầu
cử Ban chấp hành mới của Tổng hội sinh viên Sài Gòn bắt đầu diễn ta. Tình huống
này đã tạo thời cơ để ta đưa người ra tranh cử để giành quyền lãnh đạo Tổng hội.
Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng tạo uy tín cho ứng cử viên của ta đối với
sinh viên và tiếp tục vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các Ban đại diện sinh
viên. Muốn tập hợp và lôi kéo sinh viên đứng về phía ta, không có cách nào
nhanh và hiệu quả bằng việc phát động một phong trào đấu tranh công khai và hợp
pháp.
Trong khi ta đang cần một lí do thích hợp để phát động phong trào đấu
tranh nhằm tập hợp, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của sinh viên và các Ban đại
diện, phục vụ cho việc
tranh cử, giành quyền lãnh đạo Tổng hội thì một cơ hội bất ngờ lại đến. Chính quyền Sài Gòn ra Nghị định đổi trường Y trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn thành Trung tâm Y - Nha - Dược trực
thuộc Phủ Thủ tướng và
bổ nhiệm 5 lãnh đạo mới. Nghị
định này đi ngược lại tinh thần tự trị đại học đang được Mĩ và chính quyền Sài
Gòn chủ trương áp dụng trong hệ thống giáo dục miền Nam[13].
Ban đại diện sinh viên Y khoa (do Khu Đoàn lãnh đạo) đã nắm lấy cơ hội này
để phát động phong trào đấu tranh phản đối chính quyền Sài Gòn.
Trong ngày bàn giao Khoa trưởng, sinh viên Y khoa biểu tình ngồi chặn
trước cửa văn phòng Khoa trưởng. Chính quyền Sài Gòn đã điều lực lượng cảnh sát
đến đàn áp. Trước tình
huống đó, Ban đại diện phân khoa Sư phạm và Khoa học (do Khu Đoàn lãnh
đạo) đã hưởng ứng cuộc đấu tranh của sinh viên Y khoa, phát động sinh viên đấu tranh chống xâm phạm quyền
tự trị đại học,
sau đó phong trào lan rộng ra nhiều trường khác ở Sài Gòn.
Tháng
3/1967, Đại hội sinh
viên Sài Gòn đòi tự trị ở bậc đại học đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương do Hồ
Hữu Nhựt (Chủ tịch Ban đại diện sinh viên Sư phạm) làm chủ tịch, Tổng thư ký là
Dương Văn Đầy (sinh viên Y khoa). Đại hội
ra tuyên ngôn chủ trương một nền đại học tiến bộ, chống việc can thiệp của
chính quyền Sài Gòn vào các khuôn viên đại học. Phong trào có Ban cố vấn gồm
khoảng 30 giáo sư, giảng viên, trong đó có viện trưởng Đại học Sài Gòn, Cần Thơ
và Ban chấp hành các phân bộ tự trị của phân khoa Khoa học, Sư phạm, Y khoa, Luật
khoa, Dược khoa, Trung tâm Kĩ thuật Phú Thọ, cao đẳng Nông Lâm Súc.
Việc nắm bắt cơ hội và phát động phong trào “tự trị đại học” kịp thời đã
giúp Khu Đoàn nhanh chóng tập hợp rộng rãi sinh viên của nhiều trường, đưa Hồ Hữu
Nhật trở thành người có uy tín cao trong giới sinh viên Sài Gòn cũng như Ban đại
diện các phân khoa, hội đủ những điều kiện cơ bản để trở thành ứng cử viên sáng
giá cho chức Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn.
Ngày 30/4/1967, cuộc bầu cử Tổng hội sinh viên Sài Gòn diễn ra tại số 4
Duy Tân giữa hai liên danh là Hồ Hữu Nhựt và Lê Hồng Khanh[14]. Kết quả, Hồ Hữu Nhựt thắng
cử với 2/3 số phiếu[15]. Ban chấp hành Tổng hội mới
ra mắt ngày 14/5/1967 tại trụ sở của Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Từ đây, Tổng hội sinh
viên Sài Gòn chính thức do Khu Đoàn lãnh
đạo, phong trào đấu tranh công khai của sinh viên Sài Gòn chống Mĩ và chính
quyền Việt Nam cộng hòa diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
3. Kết luận
Trước năm 1965, phong trào
đấu tranh công khai của sinh viên Sài Gòn diễn ra sôi động, liên tục và từng
bước trở thành một lực lượng chính trị quan trọng trong các phong trào đấu
tranh công khai ở Sài Gòn. Năm 1965, Đảng ta chủ trương từng bước nắm lấy quyền
lãnh đạo Tổng hội sinh viên Sài Gòn để tập hợp sinh viên, xây dựng lực lượng
phục vụ cho các phong trào đấu tranh công khai ở đô thị.
Thực hiện chủ trương của Đảng,
Khu Đoàn Sài Gòn – Gia Định đã tổ chức cài cắm lực lượng của ta vào Ban đại
diện của các phân khoa như Sư phạm, Y khoa, Khoa học, Nông – Lâm – Súc,… và đặc
biệt là đã nắm lấy cơ hội để phát động phong trào đòi tự trị đại học để tập hợp
và vận động sinh viên, nâng cao uy tín của ứng viên Hồ Hữu Nhựt do Đảng đưa ra tham
gia tranh cử Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Quyết định nhạy bén đầy sáng
tạo đó của Khu Đoàn đã giúp Hồ Hữu Nhựt giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử,
lên nắm chức Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn nhiệm kì 1966 – 1967. Thắng
lợi này mở đầu cho quá trình nắm quyền lãnh đạo Tổng hội sinh viên Sài Gòn của
ta trong 4 khóa liên tiếp sau đó (Hồ Hữu Nhựt 1966 - 1967, Nguyễn Đăng Trừng
1967 - 1968, Nguyễn Văn Quỳ 1968 - 1969 và Huỳnh Tấn Mẫm 1969 - 1970).
Tài liệu
tham khảo:
1.
“Bác sĩ
Huỳnh Tấn Mẫm: Người đấu tranh cho hạnh phúc”, Báo Bình
Dương, http://www.baobinhduong.org.vn, Cập nhật ngày 16/6/2011.
2. Trần Bạch
Đằng (Chủ biên) (1993), Chung
một bóng cờ: về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội.
3.
Lê
Xuân Khoa (2010), “Giáo dục miền Nam trước 1975: hồi tưởng và nhận định”, Kỉ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810 -
2010), Nxb Tri Thức, Hà Nội.
4.
Nhiều
tác giả (1975), Trui rèn trong lửa đỏ (Tập
kí sự truyền thống Thành đoàn), Nxb Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tr. 67.
5.
Hồ
Hữu Nhựt (2002), Tri thức Sài Gòn – Gia Định
1945 – 1975, Nxb CTQG, HN.
6.
Thành
Đoàn Tp. Hồ Chí Minh, Lược sử Thành Đoàn
Tp. Hồ Chí Minh, NVHTN, Tp. Hồ Chí Minh.
7.
Trung
tâm lưu trữ Quốc gia II, Phiếu trình Thiếu
tướng - Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định của Giám đốc Nha cảnh sát quốc gia đô
thành Sài Gòn, Số 283/CSQG/P3/M, Ngày 19/1/1965, HS số 29541.
8.
Trung
tâm lưu trữ Quốc gia II, Bản tin số 1 do
phân ban sinh viên Khoa học vận động hòa bình ấn hành ngày 17/3/1965.
9.
Trung
tâm lưu trữ Quốc gia II, Phiếu trình Thủ
tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Bộ văn hóa Giáo dục khối Thanh niên học
đường, Số 8/M:VHGD/VP, Ngày 13/4/1968, HS số 30218.
10. Phạm Chánh Trực (2001), Lược sử Đoàn và phong trào thanh niên TP. Hồ Chí Minh (1954 – 1975),
Nxb Trẻ, TP Hồ chí Minh.
(*) Trường Đại học Sài Gòn
[1]
Tổng hội sinh viên Sài Gòn là tổ
chức của sinh viên Viện Đại học Đông Dương tại Sài Gòn thời Pháp thuộc. Sau
hiệp định Giơ-ne-vơ, Tổng hội sinh viên Sài Gòn tiếp tục tồn tại, nhưng hoạt
động mờ nhạt. Tổng hội gồm có 14 phân khoa và trường như sau: Khoa
học, Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, Sư phạm, Văn khoa, Kiến trúc, Luật, Học viện
quốc gia Hành chính, Trường Nông Lâm Súc, Công chánh, Điện học, Hàng hải, Kỹ
thuật Phú Thọ.
[2]
Tô Lai Chánh là người có uy tín, hoạt động nhiệt thành trong phong trào sinh
viên giai đoạn 1963 - 1964. Tuy nhiên sau đó Chánh đã bị Mỹ, Thiệu - Kỳ mua chuộc.
[3] Ngày 25/10/1964, dưới sức ép của
Mĩ, Nguyễn Khánh phải rời khỏi chính quyền, Phan Khắc Sửu lên làm Quốc trưởng
và Trần Văn Hương làm Thủ tướng.
[4]
Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Phiếu
trình Thiếu tướng - Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định của Giám đốc Nha cảnh sát quốc
gia đô thành Sài Gòn, Số 283/CSQG/P3/M, Ngày 19/01/1965, HS số 29541.
[5]
Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Phiếu
trình Thiếu tướng - Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định của Giám đốc Nha cảnh sát quốc
gia đô thành Sài Gòn, Số 283/CSQG/P3/M, Ngày 19/1/1965, HS số 29541.
[6] Ngày 19/2/1965, “Hội đồng quân lực”
do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu loại Khánh ra khỏi quân đội. Ngày 19/6/1965, “Hội đồng
quân lực” lật đổ chính quyền của Phan Khắc Sửu và Phan Huy Quát, lập “Ủy ban
lãnh đạo quốc gia” do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và “Ủy ban hành pháp trung
ương” do Nguyễn Cao Kì làm chủ tịch.
[7]
Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Bản tin số
1 do phân ban sinh viên Khoa học vận động hòa bình ấn hành ngày 17/3/1965.
[8] Báo Bình Dương, Bác sĩ Huỳnh Tấn
Mẫm: Người đấu tranh cho hạnh phúc, http://www.baobinhduong.org.vn, Cập nhật
ngày 16/6/2011.
[9]
Tiền thân của Khu đoàn là Ban Cán sự Thanh niên Học sinh Sinh viên khu Sài Gòn
– Gia Định.
[10]
Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh, Lược sử Thành
Đoàn Tp. Hồ Chí Minh, NVHTN, Tp. Hồ Chí Minh.
[11]
Nhiều tác giả (1975), Trui rèn trong lửa
đỏ (Tập kí sự truyền thống Thành đoàn), Nxb Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tr.
67.
[12] Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Phiếu trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Bộ văn hóa Giáo dục
khối Thanh niên học đường, Số 8/M:VHGD/VP, Ngày 13/4/1968, HS số 30218.
[13] Triết lí giáo dục đại học của miền Nam Việt Nam được
xác định trong Đại hội Giáo dục lần thứ nhất năm 1958, với ba nguyên tắc căn bản
là “nhân bản, dân tộc, khai phóng” và “từ 1965, Đại học miền Nam mới có cơ hội
tiếp cận với tinh thần thực dụng và chế độ tự trị đại học của Mỹ và tìm cách áp
dụng vào hệ thống đại học Việt Nam”[Lê Xuân Khoa, 2010] và sau đó, Điều 10
trong Hiến Pháp 1967 (được ban hành ngày 18/3/1967) của chính quyền Sài Gòn đã
chính thức khẳng định nguyên tắc: “Nền giáo dục Đại học được tự trị”.
[14]
Liên danh tranh cử Lê Hồng Khanh (Liên danh đứng đầu Liên viện đại học, nắm 5
phân khoa: Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, Văn khoa và Học viện hành chính); Liên
danh Hồ Hữu Nhựt (Chủ tịch Ban đại diện sinh viên Sư phạm, Chủ tịch phong trào
đòi Tự trị đại học – do Khu đoàn đề cử)
[15]
Nhiều tác giả (1975), Trui rèn trong lửa
đỏ (tập kí sự truyền thống thành đoàn), Nxb Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tr.
69.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét