TS. Phạm Phúc Vĩnh(*)
1. Đặt vấn đề
Hồ sơ môn học trực
tuyến sẽ tạo cầu nối có tính tương tác cao giữa sinh viên với giảng viên thông
qua môi trường mạng để đáp ứng những yêu cầu mới của quá trình đào tạo theo hệ
thống tín chỉ. Tuy nhiên, do việc xây dựng hệ thống thư viện hồ sơ môn học trực
tuyến này đòi hỏi phải có sự đầu tư về tài chính và điều kiện của từng cơ sở
đào tạo, nên ứng dụng này vẫn chưa được triển khai rộng rãi.
Trong điều kiện
nhiều cơ sở đào tạo chưa có hệ thống thư viện hồ sơ môn học trực tuyến hỗ trợ
giảng viên, việc sử dụng Blog để thiết kế hồ sơ môn học trực tuyến, phục vụ quá
trình đào tạo theo học chế tín chỉ là một giải pháp hiệu quả, ít tốn kém mà vẫn
mang lại hiệu quả cao.
2. Hồ sơ môn học
trực tuyến trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Khác với đào tạo
theo niên chế, trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, việc tự học có một vị trí rất
quan trọng. Theo quy chế 43, để chuẩn bị cho một tiết học trên lớp, sinh viên
phải có 2 giờ tự chuẩn bị các kiến thức liên quan đến bài học. Quá trình đào tạo
theo phương thức mới này đã làm nảy sinh những yêu cầu mới đối với cả giảng
viên và sinh viên:
Thứ nhất là xây dựng và công bố rộng rãi hồ sơ môn học: Do sinh viên phải tự học, tự chuẩn bị
bài trước khi lên lớp nên trước khi tiến hành giảng dạy, giảng viên phải chuẩn
bị và công bố “hồ sơ môn học” bao gồm: đề cương chi tiết, kế hoạch dạy học của
từng buổi học cụ thể, bài giảng, giáo trình và tài liệu tham khảo,… nhằm giúp
sinh viên nắm được những yêu cầu của giảng viên trong từng buổi học để có kế hoạch
tự học và chuẩn bị bài.
Thứ hai là sinh viên phải giao tiếp, trao đổi với giảng
viên: trong quá trình tự học và tự nghiên cứu,
sinh viên thường gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần giao tiếp và trao đổi thường
xuyên với giảng viên.
Để đáp ứng những
yêu cầu mới trong đào tạo theo học chế tín chỉ, các trường đại học thường quy định
giảng viên phải công bố đề cương chi tiết cho sinh viên trước khi giảng dạy và
đồng thời bố trí lịch tiếp sinh viên hàng tuần tại cơ quan làm việc. Đặc biệt
trong thời gian gần đây, một số trường đại học chuyển sang sử dụng thư viện hồ
sơ môn học điện tử trực tuyến để hỗ trợ quá trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Vấn đề xây dựng
hồ sơ môn học trực tuyến đến nay đã được nhiều trường đại học lớn trong và
ngoài nước thực hiện: năm 2002, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) Hoa Kì đã
đưa toàn bộ nội dung bài giảng của hơn 1800 môn học của mình lên website http://ocw.mit.edu và cho phép người dùng
Internet ở mọi nơi trên thế giới truy cập miễn phí. Hồ sơ của các môn học này gồm
có: “Bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi,
bài thí nghiệm,…”[1] để
sinh viên có thể tham khảo cho việc học tập và nghiên cứu của mình.
Ở Việt Nam, việc
xây dựng hồ sơ môn học như trên đã được thực hiện ở một số trường đại học có
đào tạo hệ từ xa theo phương thức trực tuyến như: Trung tâm đào tạo thường xuyên Đại học Đà Nẵng, Trường Đại
học Trà Vinh, Viện Đại học mở Hà Nội… Năm 2004, Trường Đại học Giáo dục, Đại học
Quốc gia Hà Nội đã đưa vào sử dụng thư viện hồ sơ môn học điện tử qua website http://daotaoquocte.edu.vn/elearning/?mod=home
để phục vụ cho đào tạo theo hệ thống
tín chỉ.
Hồ sơ môn học trực tuyến của Trường Đại học Giáo dục bao gồm có 5 nhóm thông
tin cơ bản như sau: “Chương trình môn học, đề cương môn học, giáo án điện tử, học
liệu các loại (bao gồm trang web, video clip, hình ảnh,…) và kết quả học tập của
sinh viên các khóa”[2].
Hồ sơ môn học điện
tử trực tuyến có chức năng như một thư viện điện tử, giúp sinh viên có thể truy
cập thường xuyên ở bất kì địa điểm nào (nếu có máy tính nối mạng Internet) để
xem thông báo của giảng viên, kế hoạch dạy học và các yêu cầu của giảng viên đối
với sinh viên trong từng buổi học cụ thể, tải bài giảng và các tài liệu tham khảo
liên quan để phục vụ cho việc tự học, tự nghiên cứu của mình. Đặc biệt là sinh
viên có thể thông qua chức năng trao đổi qua mạng có sẵn trên hồ sơ môn học để
giao tiếp với giảng viên thường xuyên mà không cần phải gặp trực tiếp. Đối với
các môn tự chọn, hồ sơ môn học trực tuyến cũng có thể giúp sinh viên tham khảo
trước nội dung của các môn học để có sự chọn lựa phù hợp với nhu cầu của bản
thân mình.
3.
Sử dụng Blog để lập hồ sơ môn học trực tuyến
Theo từ điển mở wikipedia, “Blog gọi tắt của weblog
là một dạng nhật ký trực tuyến, bùng nổ từ cuối thập niên 1990. Các blogger
(người viết blog) có thể là cá nhân hoặc nhóm, đưa thông tin lên mạng với mọi
chủ đề, thông thường có liên quan tới kinh nghiệm hoặc ý kiến cá nhân, chủ yếu
cung cấp thông tin đề cập tới những chủ đề chọn lọc, không giống như các báo truyền
thống”[3].
Blog giống như một website, nhưng việc thiết kế đơn giản hơn rất nhiều và ai
cũng có thể viết được. Và đặc biệt là việc tạo ra một trang blog là hoàn toàn miễn
phí, không phải trả phí cho việc lưu trữ và duy trì hoạt động của nó. Hiện nay,
có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ blog miễn phí như: Yahoo, Google (https://sites.google.com hoặc http://blogspot.com), Opera, Wordpress, ngoisaoblog.com,
vnnblog.com, blogtiengviet.net...
Thay vì thiết kế một blog thông thường, chúng ta hoàn
toàn có thể thiết kế một hồ sơ môn học trực tuyến bằng những ứng dụng của blog
một cách đơn giản. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu về các bước thiết kế một hồ
sơ môn học trực tuyến bằng http://blogspot.com
(xem hình 3 hoặc tại địa chỉ: http://tutuongcanhtan.blogspot.com).
Để
thiết kế blog, trước tiên phải đăng kí một tài khoản gmail, sau đó vào website http://blogspot.com và nhấn vào nút “Bắt đầu” để
đăng kí và tạo blog theo thứ tự các bước: 1: Tạo tài khoản à 2: Đặt tên
cho Blog à 3: Chọn
mẫu.
Sau khi chọn mẫu xong, chúng ta đã có 1 blog và mở thanh “Bố cục” để thiết kế
các nội dung, đề mục của Blog theo mục đích của mình. Sau đó, chúng ta bắt đầu vào
mục “Bài đăng mới” để upload thông tin của hồ sơ môn học lên blog.
4. Kết luận
Xây dựng thư viện hồ sơ môn học trực tuyến là một
xu thế tất yếu trong quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại
học hiện nay. Việc sử dụng Blog để thiết
kế hồ sơ môn học trực tuyến tuy đơn giản, không tốn kém, nhưng hiệu quả mang
lại là rất lớn đối với quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay.
Đây
chỉ là một giải pháp tình thế trong bối cảnh nhiều trường chưa có sự quan tâm và
đầu tư cho vấn đề này. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, các trường đại
học sẽ có sự đầu tư thích đáng cho việc xây dựng thư viện hồ sơ môn học trực
tuyến có tính chuyên nghiệp hơn để hỗ trợ hoạt động tự học, tự nghiên cứu của
sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phạm
Minh Hạc (2003), “Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học ở đại học và cao đẳng”,
Tạp chí Giáo dục, Số 55.
[2]. Nguyễn
Minh Hiển (2001), “Các giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục ĐH”, Tạp chí Giáo dục, Số 16.
[3]. Khoa
Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội (2004), Báo
cáo tóm tắt dự án xây dựng thư viện hồ sơ môn học điện tử trên mạng, Hà Nội.
[4].
Trần Hữu Luyến (2002), “Mục đích cơ sở và giải pháp đổi mới phương pháp dạy
học ở đại học và cao đẳng”, Tạp chí
Giáo dục, Số 38.
[5]. Lê Đức Ngọc
(2003), “Một số bất cập của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay và 5 giải
pháp khắc phục”, Tạp chí Giáo dục,
Số 67.
(*)
Giảng viên, Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn.
[1] Khoa Sư phạm, Đại
học Quốc gia Hà Nội (2004), Báo cáo tóm tắt
dự án xây dựng thư viện hồ sơ môn học điện tử trên mạng, Hà Nội, trang 4.
[2]
Khoa Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội (2004), Báo cáo tóm tắt dự án xây dựng thư viện hồ sơ môn học điện tử trên mạng,
Hà Nội, trang 12.
[3]
http://vi.wikipedia.org/wiki/Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét