24 tháng 2, 2012

Chủ quyền biển đảo Việt Nam


16:4' 10/9/2011
Hải đăng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam.


Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII
Năm 1075, vua Lý Nhân Tông có sai Lý Thường Kiệt vẽ hình thế núi sông của 3 châu Ma Linh, Địa Lý và Bố Chính. Những năm 1172-1173, nhân một cuộc đi tuần để quan sát núi sông và đời sống nhân dân, vua Lý Anh Tông có ra lệnh cho các quan soạn ra bản địa đồ nước ta. Đời Trần, ngoài cuốn An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong đó có phần dành cho địa chí, theo các nhà nghiên cứu có khả năng còn có cuốn sử Việt ghi chép về địa lý nước ta như Việt sử Cương mục, Đại Việt Sử ký... Ngoài ra còn nhiều cuốn sử ký và địa lý nước ta cũng như nhiều cuốn sách quý khác từ đầu thế kỷ XV trở về trước bị quân Minh tiêu hủy hoặc mang về Kim Lăng.
Đời nhà Lê có quyển sách địa lý đầu tiên của người Việt Nam là cuốn Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi. Kế đến, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Lê Thánh Tông có ra lệnh cho các quan thân trấn thủ xem xét địa hình núi sông hiểm trở thuộc địa phương mình vẽ thành bản đồ giao cho Bộ Hộ để lập thành bản đồ của lãnh thổ Đại Việt. Cuốn Thiên Nam Từ Chí Lộ Đồ Thư (hay Toàn Tập An Nam Lộ) của Đỗ Bá tự Công Đạo được soạn vẽ theo lệnh Chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), căn cứ vào những chi tiết thu thập được từ thế kỷ XV. Có thể xem đây là một trong những tài liệu xưa nhất của Nhà nước phong kiến Việt Nam còn tồn tại đã ghi phần chú thích bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam với nội dung: "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dặm, rộng 20 dặm. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hoá thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn (Chúa Nguyễn) mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu hồi hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”. Tháng cuối mùa đông Âm lịch thường rơi vào tháng 2, tháng 3 Dương lịch, khí hậu vùng Hoàng Sa đang vào mùa khô và quan trọng là không còn bão nữa. Đây là thời gian thuận lợi nhất để các Chúa Nguyễn sai người ra thu hồi hàng hoá của những chiếc tàu bị chìm trong khu vực Hoàng Sa. Chi tiết lịch sử này đã chứng tỏ một cách hùng hồn các hoạt động xác lập chủ quyền của người Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Vì nếu quần đảo Hoàng Sa thuộc về nước khác thì không thể có chuyện hàng năm, theo từng thời kỳ nhất định, hàng đoàn thuyền của người Việt cứ đều đặn ra Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) để chở hàng hoá quý giá về một cách ngang nhiên không bị ai phản ứng. Trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được ghi nhận là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, những tư liệu lịch sử còn sót lại cho thấy muộn nhất là vào thế kỷ XV đến thế kỷ XVII người Việt Nam đã từng ra vào Bãi Cát Vàng. Trong cuốn sách "Univers, histoire et decription de tous les peuples, de leurs religions moeurs et coutumes” viết năm 1833, Đức Giám mục Taberd cũng cho biết: "Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lỏm chỏm những đá nhô lên giữa những bãi cát đã được người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ”. Đáng lưu ý là trong nguyên văn của vị giám mục này tên Cát Vàng được viết theo âm tiếng Việt (Paracels nommé par les Annamites Cát Vàng ou Hoang Sa).
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1726-1784) viết năm 1776 là tài liệu cổ mô tả chi tiết nhất về Hoàng Sa. Phủ Biên Tạp Lục gồm 6 quyển, trong đó quyển 2 có 2 đoạn văn nói về Hoàng Sa. Đoạn thứ nhất viết: "Ở ngoài cửa biển lớn thuộc về địa phận xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa có một hòn núi mang tên là Cù Lao Ré (tục danh của đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Chiều rộng núi này có thể hơn 30 dặm... Người ta ra biển rồi chèo thuyền đi bốn trống canh nữa có thể đến Cù Lao Ré. Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật được chở đi bán các nơi, nên Nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi ba ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa ấy”. Đoạn thứ hai viết: "... Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dung; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt. Các thuyền ngoại phiên bị bão làm hư hại thường ở đảo này. Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Thu hồi được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi (Lê Quý Đôn) đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân thu hồi được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc, từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khối, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu và các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là thu hồi các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi thu hồi được”.
Phủ Biên Tạp Lục cũng chép rất rõ những hoạt động của đội Hoàng Sa ở phía Bắc, năm thứ 18 (1753) niên hiệu Càn Long có 10 lính Hoàng Sa bị bão trôi dạt vào cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Viên quan địa phương tra xét rõ nguyên nhân xong liền cho thuyền áp chở những người lính Hoàng Sa trở về nguyên quán. Điều này chứng tỏ từ xưa chính quyền Trung Quốc vẫn luôn tôn trọng quyền hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã không hề có phản ứng nào về những hoạt động của đội Hoàng Sa mà còn giúp đỡ những người lính Hoàng Sa khi họ gặp bão trôi dạt vào đất Trung Quốc.
Hiện còn khá nhiều tài liệu về các hoạt động của đội Hoàng Sa còn lưu trữ trong dân gian ở phường An Vĩnh, đảo Lý Sơn (tức Cù Lao Ré), tỉnh Quảng Ngãi. Chẳng hạn như đơn của ông Hà Liễu, cai hợp phường Cù Lao Ré, xin chính quyền Tây Sơn cho phép đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động và tờ Chỉ thị ngày 14 tháng 2 Thái Đức năm thứ 9 (1786) của quan Thái Phó Tổng Lý Quân Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công đốc suất công việc của đội Hoàng Sa. Năm 1773, sau 2 năm khởi nghĩa, quân Tây Sơn đã làm chủ miền đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận, trong đó có Quảng Ngãi. Những hoạt động của đội Hoàng Sa ở xã An Vĩnh được đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn. Với truyền thống hoạt động hàng trăm năm, dân xã An Vĩnh vốn tự lập về phương tiện tàu thuyền lại quen việc nên luôn là nòng cốt của đội Hoàng Sa dù ở dưới bất kỳ triều đại nào, họ luôn chủ động kiểm soát vùng biển truyền thống lâu đời của cha ông một cách tích cực nhất.
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc
Từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Chính phủ Pháp nước ta bước vào thời kỳ mà các sử gia gọi là Thời kỳ Pháp thuộc. Trong thời kỳ này, chính quyền thuộc địa Pháp thay mặt Nam Triều trong những quan hệ ngoại giao, đồng thời đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ của những cam kết chung, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hành động cụ thể liên tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Theo báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933, năm 1899 Tòan quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra lệnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, dự án này đã không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Về sự kiện này, tờ La Nature nhận xét: "Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam mà những hòn đảo này (quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này. Phải nhận thấy rằng họ đã hoàn toàn phớt lờ trách nhiệm cho đến hôm nay. Lý do vì lợi tức ít ỏi hoàn toàn không biện bạch được cho sự thờ ơ này”. Tuy vậy, hải quân Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu vùng biển này để giữ an ninh và cứu giúp các tàu thuyền bị đắm.
Các động thái ít ỏi của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương trong giai đoạn đầu cho thấy sự quan tâm chưa đầy đủ của người Pháp tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính thái độ này của Pháp đã tạo điều kiện cho một vài nước gia tăng các hoạt động của họ trên vùng Biển Đông dẫn tới nguy cơ đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà nước Pháp đã cam kết bảo hộ. Từ năm 1909, Trung Quốc bắt đầu đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ở một mức độ nhất định. Một lần trong năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông cho tàu chiến ra thám sát trái phép quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20-3-1921, Tỉnh trưởng Quảng Đông ký một sắc lệnh kỳ lạ sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Hải Nam. Tuy hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy tờ, nhưng Pháp cho rằng đây là hành vi nghiêm trọng. Khâm sứ Trung Kỳ LeFol viết trong thư ngày 22-1-1926 gửi Toàn quyền Đông Dương: "Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo Hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan, thì trái lại hình như hoàn toàn không quan tâm đến”. Cũng trong bức thư trên, ông LeFol cho biết, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam Triều đã có văn thư ngày 3-3-1925 khẳng định: "Các đảo nhỏ đó (quần đảo Hoàng Sa) bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.
Trước các chỉ trích của dư luận cũng như thực tế diễn biến phức tạp trên Biển Đông, từ đầu thế kỷ XX, Pháp đã bắt đầu có những động thái tích cực hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh việc gìn giữ an ninh trên Biển Đông, các năm 1917- 1918 trong báo cáo của chính quyền Pháp tại Đông Dương có đề cập đến việc lắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát khí tượng, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1925, Viện Hải Dương Học và Nghề Cá Đông Dương cử tàu De Lanessan ra khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Ngòai tiến sĩ Krempf, Giám đốc Viện Hải Dương học, còn có nhiều nhà khoa học khác tham gia nghiên cứu về địa chất, về sinh vật... Các nhà khảo sát đã phát hiện một tầng đá vôi phosphat dày khoảng 1 mét với hàm lượng phosphoric từ 23% đến 25% trong tầng mặt và 42% ở tầng sâu. Sự khám phá này mở ra cơ hội cho công việc khai thác phân bón phosphat về sau. Năm 1927, Sở Địa chất và Sinh học Đại Dương cho người ra khảo sát ở quần đảo Trường Sa. Các cuộc khảo sát khoa học đã đưa tới kết luận Hoàng Sa và Trường Sa là sự nhô lên của một thềm lục địa liên tục nhờ các địa tầng dưới biển kéo dài dãy Trường Sơn từ đèo Hải Vân ra Biển Đông. Nếu nước biển rút xuống khoảng 600-700m, Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gắn với bờ biển Việt Nam thành một dải đất liền thống nhất.
Ngày 8-3-1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp. Tháng 11-1928, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở quần đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat Bắc Kỳ Mới. Trong thư ngày 20-3-1930, Toàn quyền Đông Dương gởi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp xác nhận: "Cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhân danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. Ngày 13-4-1930, thông báo hạm La Malicieuse ra quần đảo Trường Sa và treo quốc kỳ Pháp. Thông cáo ngày 23-9-1930 của Chính phủ Pháp cho biết về hành động chiếm đóng thực thi chủ quyền của Pháp trên quần đảo Trường Sa. Ngày 4-12-1931 và ngày 24-4-1932, Pháp phản kháng Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phosphat trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 15-6-1932, chính quyền thuộc địa Pháp ra Nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chính gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 13-4-1933, một hạm đội của hải quân Pháp ở Viễn Đông dưới sự chỉ huy của trung tá hải quân De Lattre rời Sài Gòn ra quần đảo Trường Sa thực hiện đầy đủ các nghi thức truyền thống theo đúng tập quán quốc tế về việc chiếm hữu lãnh thổ tại đây. Ngày 26-7-1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo đăng trên tờ Công báo Pháp về việc hải quân Pháp chiếm hữu một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thông báo ghi rõ những hải đảo và tiểu đảo ghi trong văn bản này kể từ nay đã thuộc chủ quyền nước Pháp. Ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer ký Nghị định số 4762, sáp nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Spratley) nằm trên Biển Đông vào tỉnh Bà Rịa. Trong năm 1937, chính quyền Pháp cử kỹ sư công chính Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu vị trí xây dựng hải đăng, căn cứ cho thủy phi cơ; tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó Đô đốc Istava chỉ huy ra thăm quần đảo Hoàng Sa.
Nam Triều trong thời kỳ này tuy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, song vẫn chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13 (30-3-1938), Hoàng đế Bảo Đại ký Dụ số 10 có nội dung: "Chiếu theo các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã từ lâu và dưới các tiên triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi. Đền đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi. Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên đại diện Chính phủ Nam Triều cũng phải ra kinh lý các cù lao ấy cùng qua các đại diện Chính phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn... Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành Chính, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quán hiến tỉnh ấy”. Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévie ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, một bia chủ quyền được chính quyền Pháp dựng lên mang dòng chữ: "Cộng hoà Pháp, Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816 - đảo Pattle 1938”, một hải đăng, một trạm khí tượng ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một trạm khí tượng khác ở đảo Phú Lâm (lle Boisée), một trạm radio TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle); cùng một bia chủ quyền, một hải dăng, một trạm khí tượng và một trạm radio TSF tương tự trên đảo Ba Bình (ltu Aba). Tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam tới đồn trú ở Hoàng Sa.
Ngày 31-3-1939, Nhật Bản tuyên bố kiểm soát quần đảo Trường Sa và chuyển thông báo tới Đại sứ Pháp tại Nhật. Ngày 4-4-1939, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm phản đối quyết định của Nhật và khẳng định chủ quyền của Pháp tại quần đảo Trường Sa. Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5-4-1939 tại Hạ Nghị viện, đại diện Bộ Ngoại giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp. Ngày 5-5-1939, Toàn quyền Đông Dương J. Brévie ký Nghị định số 3282, sửa đổi Nghị định trước và thành lập 2 sở địa lý tại quần đảo Hoàng Sa. Do nhu cầu lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm (1838) và đảo Ba Bình (1939) thuộc quần đảo Trường Sa. Mãi đến ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Nhật mới bắt lính Pháp đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa làm tù binh. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một phân đội lính Pháp đã đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza lên thay thế quân Nhật từ tháng 5-1945, nhưng đơn vị này chỉ ở đây vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27-5-1945, Đô đốc D'Argenlieu, Cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L'Escamouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Suốt thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp chưa bao giờ tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Vương quốc An Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ. Mặc dù trong giai đoạn này bắt đầu có một số nước lên tiếng đòi hỏi chủ quyền vô lý ở một số đảo, nhưng tất cả đều bị chính quyền Pháp kiên quyết phản đối. Những tư liệu lịch sử nói trên cho thấy, người Pháp cũng như người Việt trong thời điểm này chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho đến khi thua trận rút khỏi Đông Dương, Chính phủ Pháp cũng đã bàn giao quyền quản lý vùng biển này lại cho một chính phủ tuy do Pháp dựng lên nhưng cũng là của người Việt Nam.
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1945 -1954
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 do Chính phủ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc và sự tồn tại của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Điều đó khiến cho các cơ sở pháp lý của những hiệp ước do nhà Nguyễn ký kết với Pháp trước đây không còn hiệu lực nữa. Chủ quyền toàn bộ lãnh thổ trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lẽ ra phải ngay lập tức thuộc về nhân dân Việt Nam. Song với nhiều "khúc quanh” của lịch sử, con đường tái lập và tái khẳng định chủ quyền thực sự của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn phải vượt qua nhiều thách thức. Mặc dù vậy, trong bất cứ tình huống nào, người Việt Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo này và luôn được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
 Trong lúc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận rộn đối phó với những hành động gây hấn ngày càng leo thang của quân đội viễn chinh Pháp, ngày 26-10-1946 một hạm đội của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội cảnh vệ độc lập của hải quân xuất phát từ cảng Ngô Tùng; ngày 29-11-1946, các chiến hạm Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới quần đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đảo Phú Lâm (Woody); chiến hạm Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa (mà lúc này Trung Quốc gọi là Đoàn Sa, chưa phải là Nam Sa). Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp này của Trung Hoa Dân quốc và ngày 17-10-1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được điều tới Hoàng Sa để yêu cầu quân lính của Tưởng Giới Thạch phải rút khỏi các đảo, nhưng quân Tưởng đã không thực hiện theo yêu cầu. Pháp tiếp tục gửi thêm một phân đội lính trong đó có cả quân lính của Chính phủ Quốc gia Việt Nam đến trú đóng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Chính quyền Trung Hoa Dân quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25-2 đến ngày 4-7-1947 tại Paris. Cuộc đàm phán thất bại vì Trung Hoa Dân quốc đã từ chối việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết vấn đề do phía Pháp đề xuất. Điều này cho thấy phía Trung Quốc ngay từ thời Tưởng Giới Thạch đã rất không muốn quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, vì chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý của họ sẽ không thể thuyết phục được ai nếu buộc phải chứng minh trước trọng tài hay tòa án quốc tế. Ngày 1-12-1947, Bộ Nội vụ chính quyền Tưởng Giới Thạch đơn phương công bố tên Trung Quốc cho hai quần đảo và tự đặt hai quần đảo này thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.
Theo TS Nguyễn Nhã, trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào Hòa ước Giáp Thân (1884) song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, nên về ngoại giao Pháp vẫn thực thi quyền đại diện cho Việt Nam trong việc chống lại sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng Hiệp định ngày 8-3-1949, Pháp dựng lên Chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp do Cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu để củng cố các cơ sở hình thức về pháp lý cho một bộ máy hành chính quốc gia của người Việt Nam tạo thuận lợi cho Pháp trong các quan hệ đối nội, đối ngoại nhân danh quốc gia Việt Nam. Trên thực tế, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp làm chủ tình hình trên Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 4-1949, Đổng lý Văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại là Hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 1-10-1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Tưởng Giới Thạch thua chạy ra đảo Đài Loan. Tháng 4-1950, tất cả quân lính của Tưởng Giới Thạch chiếm đóng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm (Woody), thuộc quần đảo Hoàng Sa phải rút lui. Còn lính Pháp và lính quốc gia Việt Nam ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn tiếp tục đồn trú. Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ trì việc chuyển giao quyền hành ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuyên bố công khai đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về yêu sách đối với các đảo ở Biển Đông nằm trong Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là Chu Ân Lai ngày 15-8-1951, ba tuần trước khi diễn ra Hội nghị San Francisco. Trung Quốc và Đài Loan đã bị loại khỏi Hội nghị theo thỏa hiệp giữa một bên là Mỹ và Anh còn một bên là Liên Xô khi các nước này không thể thoả thuận được với nhau rằng Trung Quốc hay Đài Loan được chấp nhận tham gia hội nghị. Tuyên bố của Ngoại trưởng Chu Ân Lai cho rằng Trung Quốc "có chủ quyền không thể xâm phạm” đối với các đảo và quần đảo trên Biển Đông, nhưng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng lịch sử hay cơ sở pháp lý đáng kể nào.
 Từ ngày 5 đến ngày 8-9-1951, các nước Đồng minh trong Thế chiến thứ II tổ chức hội nghị ở San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời kỳ hậu chiến. Hòa ước San Francisco ghi rõ Nhật Bản phải từ bỏ mọi quyền lợi và tham vọng với hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa). Hòa ước cũng phủ nhận việc Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa ở phía nam. Ngày 7-9-1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam long trọng tuyên bố trước sự chứng kiến của 51 nước tham dự rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Ông Hữu nói: "Việt Nam rất hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật tranh thủ tất cả mọi cơ hội để dập tắt tất cả những mầm móng tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam được ghi vào văn kiện của Hội nghị San Francisco (1951) với đa số tán thành và không hề có bất kỳ một phản ứng chống đối hay một yêu sách nào của tất cả các quốc gia tham dự. Việc Chính phủ Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn này tham dự Hội nghị San Francisco dưới sự bảo trợ của Chính phủ Pháp và tuyên bố chủ quyền lâu đời với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự kiện có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong chuỗi các sự kiện minh chứng cho sự xác lập chủ quyền từ rất sớm về pháp lý cũng như về sự chiếm hữu thực tế một cách hòa bình, lâu dài và liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt Nam.
Dựa trên những tư liệu đã được công bố, có thể khẳng định rằng muộn nhất từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của người Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XIX, những hòa ước ký kết giữa Việt Nam với Pháp đã quy định rằng chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương thay mặt triều đình nhà Nguyễn gìn giữ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đó. Đồng thời, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương cũng đã thi hành mọi biện pháp để khẳng định sự chiếm hữu theo đúng tập quán quốc tế cũng như các biện pháp quản lý hành chính đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến giữa thế kỷ XX, tuy một số đảo của Hoàng Sa và Trường Sa bị quân đội Nhật Bản tạm thời chiếm đóng từ năm 1939 đến năm 1946 nhưng với Hòa ước San Francisco (1951), Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo này. Do đó, Việt Nam tất nhiên đã khôi phục lại được chủ quyền vốn có của mình đối với hai quần đảo đó trên cơ sở luật pháp quốc tế. Giá trị pháp lý về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị San Francisco không những được khẳng định đối với các quốc gia tham dự Hội nghị mà còn đối với những quốc gia cũng như các chính quyền không tham dự bởi những ràng buộc của Tuyên cáo Cairo và Tuyên bố Potsdam. Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị San Francisco rõ ràng là sự tái lập, tái khẳng định một sự thật lịch sử đã có từ lâu đời và nay vẫn đang tiếp diễn. Hơn nữa, Hội nghị Geneve năm 1954 bàn về việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương với sự tham gia của những quốc gia không có mặt tại Hội nghị San Francisco cũng đã tiếp tục tuyên bố cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1975 - 1991
Kể từ tháng 4-1975, Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản toàn bộ quần đảo Trường Sa và các đảo khác trên Biển Đông. Sau đó, nước Việt Nam thống nhất với tên gọi Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), với tư cách kế thừa quyền sở hữu các đảo và quần đảo từ các chính quyền trước theo luật pháp quốc tế và sự liên tục của lịch sử, có trách nhiệm tiếp tục khẳng định và duy trì việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cùng với các bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12-11-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12-11-1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trước sau như một đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước CNXHCN Việt Nam công bố các Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu này đã chứng minh hết sức rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về tất cả các khía cạnh lịch sử, pháp lý và thực tiễn.
Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 09-12-1982 Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-12-1982, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII nước CHXHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai để sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Nghị quyết ngày 06-11-1996 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX nước CHXHCN Việt Nam tách huyện đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, để sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Các chính quyền tại hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đó đến nay vẫn liên tục thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình.
Trong suốt thời gian thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi thống nhất đất nước đến nay, bên cạnh việc ban hành các văn bản hành chính để quản lý nhà nước về lãnh thổ trên hai quần đảo này, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, kịp thời nhằm khẳng định chủ quyền và kiến quyết đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 30-12-1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong Tuyên bố trước đó của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất đồng bằng giải pháp thương lượng hòa bình. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, càng khiến cho quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng và tình hình trên Biển Đông càng gia tăng sự phức tạp. Mặc dù ngay sau đó, quân Trung Quốc đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Việt Nam buộc họ phải lui quân và chịu nhiều tổn thất, thế nhưng hậu quả lâu dài do cuộc chiến tranh và sự cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước khiến cho các cuộc trao đổi thương lượng hòa bình về vấn đề biên giới và hải đảo bị gián đoạn trong một thời gian khá dài.
Trong thời gian đó, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố và tài liệu xuyên tạc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Ngày 30-7-1979, Trung Quốc cho công bố tài liệu mà phía Trung Quốc cho là để chứng minh Việt Nam đã "thừa nhận” chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 7-8-1979 bác bỏ sự xuyên tạc trắng trợn của Trung Quốc đối với văn bản ngày 14-9-1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tinh thần và ý nghĩa của văn bản này chỉ trong khuôn khổ công nhận giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc chứ không hề nói tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế đang thuộc quyền quản lý tạm thời của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phía Nam vĩ tuyến 17 theo Hiệp dịnh Genève năm 1954. Chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một cách bất hợp pháp bằng vũ lực, Trung Quốc đã xâm phạm vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và trái với tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc kêu gọi giải quyết tất cả các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Sau khi phát động một cuộc chiến xâm lược Việt Nam trên quy mô lớn, phía Trung Quốc lại nêu ra vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo ra tình trạng càng ngày càng căng thẳng dọc theo biên giới phía bắc Việt Nam và từ chối việc thảo luận những giải pháp cấp thiết để bảo đảm hoà bình và ổn định trong khu vực biên giới giữa hai nước.
Ngày 28-9-1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách Trắng đưa ra thêm nhiều tài liệu tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện đòi hỏi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tây Sa và Nam Sa). Ngày 5 tháng 2 năm 1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Trung Quốc trong văn kiện ngày 30 tháng 1 năm 1980 của họ về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm 1980, tại Hội nghị Khí tượng Khu vực Châu Á II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm thuộc hệ thống quốc tế như cũ. Ngày 13 tháng 6 năm 1980, Việt Nam yêu cầu OMM (Tổ chức Khí tượng Thế giới) đăng ký trạm khí tượng Trường Sa vào mạng lưới OMM. Tháng 12 năm 1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam điện cho Chủ tịch Ủy ban đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách Trắng: "Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”. Tháng 6 năm 1982, Tân Hoa Xã loan tin một hải cảng lớn được xây dựng tại đảo Hoàng Sa. Tháng 10, tại Hội nghị Toàn quyền của UIT (Hiệp hội Quốc tế Vô tuyến Viễn thông), Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève. Ngày 12 tháng 11 năm 1982 Việt Nam công bố đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Tháng 1-1983 Hội nghị Hành chính Thế giới về thông tin vô tuyến đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị sắp tới. Cũng tháng 01 năm 1983 tại Hội nghị Hàng không Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương họp ở Singapore, Trung Quốc muốn mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng. Tại Hội nghị Tổ chức Thông tin Vũ trụ Quốc Tế (INTU SAT) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc sử dụng những bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa) là của Trung Quốc. Việt Nam phản đối việc ngày 1 tháng 6 năm 1984 Quốc hội Trung Quốc tuyên bố việc thiết lập khu hành chính Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Đầu năm 1985, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa. Tháng 5 năm 1987, Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa.
Từ 16 tháng 5 đến tháng 10 năm 1987, Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự tại vùng nam Biển Đông và tây Thái Bình Dương. Ngày 10 tháng 11 năm 1987, Hải quân Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá Louisa. Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến, có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa của Trung Quốc, đi từ đảo Hải Nam xuống quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của các tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Quân lính Trung Quốc cắm cờ trên hai bãi đá trên, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do Hải quân Việt Nam bảo vệ. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến đấu gồm sáu chiếc, trong đó có ba tàu hộ vệ số 502, 509 và 531 trang bị tên lửa và pháo cỡ 100mm, vô cớ tấn công bắn chìm ba tàu vận tải Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuộc tấn công vào các tàu vận tải của Việt Nam từ các tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc đã làm cho 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam cùng 3 tàu vận tải đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển của Tổ quốc. Các chiến sỹ Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng xiết chặt hàng ngũ, giữ vững lá cờ Tổ quốc biểu tượng chủ quyền của Việt Nam trên đảo cho đến giây phút cuối cùng. Từ đó đến ngày 6-4-1988, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực các đảo: Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong năm 1988, Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp Quốc, gửi nhiều công hàm phản đối Trung Quốc và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ trái phép các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (ngày 13 tháng 4 năm 1988). Tháng 4-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách Trắng khẳng định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Ngày 14-8-1989, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Cụm Kinh tế Khoa học Dịch vụ trên vùng bãi ngầm Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên thuộc thềm lục địa Việt Nam. Ngày 2-10-1989, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ luận điệu trong bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 28-4-1989. Ngày 18-3-1990, nhiều tàu Trung Quốc đến đánh cá ở Trường Sa. Ngày 16-4-1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi bản ghi nhớ cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc cho nhiều tàu quân sự, tàu khảo sát, tàu đánh cá đến hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Ngày 28-4-1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc đã cho quân lính xâm chiếm bãi Én Đất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 10-11-1991, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc ký Thông báo chung về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Thông báo chung của hai nước khẳng định việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước và cùng có lợi cho hoà bình, ổn định và sự phát triển của khu vực. Hai bên tuyên bố Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hoà bình. Hai bên đồng ý thông qua thương lượng giải quyết hoà bình vấn đề lãnh thổ, biên giới v.v... tồn tại giữa hai nước.
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn sau 1991
Sau khi bình thường hoá quan hệ giữa hai nước tháng 11-1991, trong khi Việt Nam luôn kiên trì các giải pháp thương lượng hòa bình thì phía Trung Quốc vẫn đơn phương tiếp tục ra tuyên bố và trên thực tế có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong giai đoạn này không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn góp phần gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia có lợi ích trong khu vực quan ngại.
 Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa
Ngày 25-2-1992, Trung Quốc công bố "Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp”, quy định lãnh hải Trung Quốc rộng 12 hải lý áp dụng cho cả 4 quần đảo ở Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Sau đó, Trung Quốc ký hợp đồng khai thác dầu khí với Công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép Công ty này thăm dò khai thác dầu khí một lô trong khu vực mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc 21 cách đảo Hải Nam hơn 600 dặm về phía nam, nằm trên thềm lục địa phía tây nam quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về sự việc trên đồng thời khẳng định khu vực này nằm trong trong thềm lục địa Việt Nam (bãi Tư Chính) và yêu cầu phải ngừng ngay lập tức các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc tại đây. Ngày 22-7-1992, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế không làm căng thẳng tình hình, khuyến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) để làm cơ sở xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cũng trong tháng 7-1992, Việt Nam tham gia TAC.
Để củng cố các cơ sở pháp lý quốc tế về lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam, ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam) đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Bằng sự phê chuẩn này của Quốc hội, Việt Nam đã chính thức hoá cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Công ước 1982, phạm vi vùng biển của nước ta được mở rộng ra một cách đáng kể lên đến gần một triệu ki lô mét vuông với 5 vùng biển có phạm vi và chế độ pháp lý khác nhau.
Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, mở ra một kỷ nguyên mới trong đó tất cả các nước trong khu vực đoàn kết với nhau dưới một mái nhà chung, hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển. Tuy nhiên, diễn biến sau đó ở Biển Đông tiếp tục xấu đi. Năm 1996 xảy ra cuộc đụng độ giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu chiến Philippines ở gần khu vực quần đảo Trường Sa. Hải quân Philippines đã bắt giữ tàu cá và tàu nghiên cứu hải dương Trung Quốc, bắn súng cảnh cáo và hạ cột mốc lãnh thổ do Trung Quốc dựng lên. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 (Jakarta, 20, 21-7-1996) ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước những diễn biến trên Biển Đông và nhấn mạnh những diễn biến đó đòi hỏi có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông để duy trì ổn định trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (Hà Nội, 15, 16-12-1998), lãnh đạo các thành viên ASEAN nhất trí xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Trong khi đó, kể từ tháng 6-1999, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên trong thời gian 3 tháng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thế nhưng, các lực lượng ngư chính, hải giám của Trung Quốc bắt đầu gia tăng việc bắt bớ, tịch thu phương tiện, tàu thuyền và đối xử vô nhân đạo với hàng loạt ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển này. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bắt bớ, đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngày 4-11-2002, ASEAN và Trung Quốc đi tới thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán và chính thức cùng nhau ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khuôn khổ cuộc họp cấp cao ASEAN tại Campuchia. Các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế; cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982; các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
 Ngày 6-5-2009, Việt Nam và Malaysia nộp bản báo cáo chung đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS). Ngày 7-5-2009, Việt Nam nộp báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc lên CLCS. Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng Thư ký LHQ phản đối trong đó có đính kèm "đường lưỡi bò” bao chiếm 80% diện tích Biển Đông gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã phản đối công hàm có "đường lưỡi bò” phi lý này của Trung Quốc và tuyên bố khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 26-6-2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 21-6-2009, Trung Quốc đã bắt 3 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khi đang hành nghề đánh cá bình thường trong khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 22-6-2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên. Tuy nhiên, các hành động bắt bớ tàu cá Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam vẫn tiếp diễn, Trung Quốc ngày càng thực hiện với cường độ gia tăng hơn trong thời gian tiếp sau đó.
 Trung Quốc gia tăng gây hấn xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam
Cao điểm của sự gia tăng gây hấn trong vùng biển Việt Nam của phía Trung Quốc là sự kiện xảy ra vào ngày 26-5-2011, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt đứt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chỉ 116 hải lý. Ngày 27-5-2011, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đồng thời bồi thường thiệt hại cho Việt Nam. Tối 28-5-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du ngang nhiên cho rằng vùng biển chủ quyền Việt Nam mà tàu Bình Minh 02 đang thả cáp thăm dò dầu khí là vùng biển thuộc "chủ quyền Trung Quốc”. Ngày 31-5-2011, tàu Viking 2 đang thăm dò dầu khí trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc phá rối. Chiều cùng ngày, một ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản trên vùng biển Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 2-6-2011, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố sẽ đệ trình thư lên Liên Hợp Quốc phản đối việc hàng loạt tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước này. Chiều 3-6-2011, khi gặp gỡ Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bên lề Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết "duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Ngày 4-6-2011, Bộ Ngoại giao Philippines ra Thông báo khẳng định: "Hành vi của tàu Trung Quốc xâm phạm hòa bình và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng DOC”. Ngày 9-6-2011, tàu cá Trung Quốc có sự hỗ trợ của tàu ngư chính đã phá cáp của tàu Viking 2. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, hiện thực hóa yêu sách 9 đoạn "đường lưỡi bò”, điều này đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được. Ngay chiều 9-6-2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của phía Việt Nam. Đáng nói là dồn dập các sự việc gây hấn, phá rối của Trung Quốc diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn. Bình luận về việc cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang ngược nói rằng đó là việc làm "bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc thẩm quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”. Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn yêu cầu Việt Nam "tránh tạo ra những sự cố mới”.
Đến thăm quân dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ngày 7-6-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Tiếp đó, trong bài phát biểu quan trọng tối 8-6-2011 tại Nha Trang (Khánh Hoà), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: "Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đồng thời, ông khẳng định: "Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.
 Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam 
Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Phần lớn thư tịch cổ quốc gia trong các giai đoạn đó đã bị quân xâm lược tiêu hủy với mục tiêu xóa sạch văn hóa Việt để dễ bề đồng hóa. Tuy nhiên, chỉ với những tài liệu chính sử còn lại đến nay cũng đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế về việc xác lập và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.
Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú, mặc dù như đã nói, do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, hay Đại Trường Sa, Bãi Cát Vàng... Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được Nhà nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn. Triều đình Nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia.
Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật... Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26-7-1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.
Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.
Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng. Từ những năm 50 của thế kỷ 20 tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Lợi dụng tình hình rối ren khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève năm 1954, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 "ngư dân” Trung Quốc.
Đối với nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã kịch liệt phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc. Năm 1975, chính quyền VNCH sụp đổ, Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội VNCH cai quản trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Công ước Luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia ven biển được hưởng quy chế thềm lục địa để thăm dò và khai thác tài nguyên. Đây là chủ quyền chuyên biệt, không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay tuyên bố minh thị. Mọi sự tùy tiện chiếm cứ của nước ngoài dù có bằng vũ lực hay không đều bất hợp pháp và vô hiệu lực. Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Một yêu cầu hết sức khách quan đặt ra cho tất cả các nước có hoạt động liên quan tới Biển Đông là phải tuân thủ pháp luật chung mà cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia ven Biển Đông, đã dày công xây dựng - Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 của. Khi vận dụng Công ước để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác ven Biển Đông đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Trong thời đại văn minh, sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm lãnh thổ nước khác đã bị pháp luật quốc tế nghiêm cấm. Vũ lực cũng sẽ không phải là cách thức đúng đắn để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ các cam kết trong DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cùng chung sức theo hướng biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác là thể hiện sự hành xử của những quốc gia văn minh, tôn trọng sự thật lịch sử cũng như thượng tôn pháp luật quốc tế mà chính mình đã công nhận và ký kết.
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/Bien-dao-Viet-Nam/2011/4133/Chu-quyen-bien-dao-Viet-Nam.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét