TS. Phạm Phúc Vĩnh(*)
1. Đặt vấn đề
Trong thập niên đầu của thế kỉ XX, phong trào yêu nước Việt Nam chia thành nhiều hướng khác nhau: phong trào vũ trang khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, phong trào Đông du do Phan Bội Châu lãnh đạo, phong trào Duy tân do Phan Chu Trinh khởi xướng và phong trào Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can. Các phong trào trên đã thu hút được khá đông những người Việt Nam yêu nước khắp nơi tham gia.
Khác với những thanh niên trẻ tuổi lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành (lúc này đang ở độ tuổi đi học) không tham gia Đông Du cùng Phan Bội Châu, cũng không ra học trường Đông Kinh nghĩa thục, nhưng lại vào học trường Pháp – Việt. Tại sao Nguyễn Tất Thành lựa chọn đi học trường Pháp và sau đó quyết định sang Phương Tây? Đó là vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bản tham luận này.
2. Bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XX
Đến đầu thế kỉ XX, các phong trào vũ trang chống Pháp đều lần lượt bị thất bại trước sự đàn áp của kẻ thù, còn lại phong trào khởi nghĩa Yên Thế cũng không mấy triển vọng. Trong bối cảnh đó, luồng tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập vào Việt Nam thông qua các sách vở chữ Hán (lúc bấy giờ các sách này được gọi là tân thư) và đã có những tác động mạnh mẽ đến giới tri thức Nho học. Nhiều sĩ phu yêu nước đã tự đổi mới tư duy, tiếp thu tư tưởng mới, đưa ra những giải pháp khác nhau với hy vọng tìm một con đường cứu nước mới hiệu quả hơn.
Cụ Phan Bội Châu lập ra Duy Tân hội, tôn Cường Để làm minh chủ với chủ trương cầu viện Nhật Bản để đánh Pháp, lập nên chính thể quân chủ lập hiến. Sau chuyến sang Nhật lần đầu tiên, Cụ trở về nước khởi xướng phong trào Đông Du. Cụ Phan Chu Trinh lại chủ trương dựa vào Pháp để tiến hành công cuộc Duy tân đất nước, củng cố sức mạnh của dân tộc, làm cơ sở cho việc đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách dân chủ, trả độc lập cho Việt Nam. Cụ Lương Văn Can thì mở trường Đông Kinh nghĩa thục để dạy học và truyền bá tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ…
Những xu hướng cứu nước khác nhau đầu thế kỉ XX đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi trong giới sĩ phu và các tầng lớp nhân dân yêu nước đương thời. Cụ Phan Chu Trinh thì công kích dữ dội chủ trương bạo động, không tán thành quân chủ, và trong thư gởi toàn quyền Beau, Cụ cho rằng phong trào Đông Du khác nào là “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Đáp lại, Cụ Phan Bội Châu phê phán rằng chủ trương “ỷ pháp cầu tiến”, yêu cầu Pháp cải lương của Cụ Phan Châu Trinh thì khác gì xin giặc rũ lòng thương.
Mỗi phong trào yêu nước lúc bấy giờ đều có sức hút riêng của mình, làm cho những người Việt Nam yêu nước bị phân tán, lôi kéo về nhiều phía: người ủng hộ Đông Du, người hưởng ứng phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục, người lên Yên Bái. Tình cảnh cách mạng Việt Nam lúc này đúng như Như GS. Trần Văn Giàu nhận xét: “ba nhân vật tiêu biểu cho ba đường lối cứu nước đó là Đề Thám, Sào Nam, Tây Hồ như chia ba lòng dân”[1]. Tuy vậy, những xu hướng yêu nước mới này cũng đã làm bùng lên một ngọn lửa đấu tranh mới khá rầm rộ trong nửa cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ XX, góp phần tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của nhân dân.
Đứng trước bối cảnh đó, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy lại có một thái độ hoàn toàn khác với các xu hướng trên, đó là không phản đối, nhưng cũng không hoàn toàn ủng hộ ai cả. Thái độ này đã ảnh hưởng lớn đến tương lai của Nguyễn Tất Thành.
3. Sự lựa chọn của Nguyễn Tất Thành trước các trào lưu yêu nước đầu thế kỉ XX
Trong cuốn Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên có viết: “Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào”[2]. Dưới đây, chúng ta hãy xem thái độ của Nguyễn Tất Thành đối với những chủ trương yêu nước của các sĩ phu lúc bấy giờ:
3.1. Đối với chủ trương của Cụ Hoàng Hoa Thám
Trong cuốn Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên viết rằng, Nguyễn Tất Thành đã từng nhận xét rằng: “Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến”[3] và đây là lí do để anh không tán thành cụ Đề Thám.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó không phải là lí do duy nhất, vấn đề Nguyễn Tất Thành chọn hay không chọn con đường của cụ Hoàng Hoa Thám lúc bấy giờ có lẽ không hoàn toàn do Anh quyết định. Như chúng ta biết, cụ Nguyễn Sinh Huy là tiến sĩ Nho học, giữ thái độ dung hòa trước các khuynh hướng yêu nước lúc bấy giờ, gia đình lại có truyền thống hiếu học có tiếng trên quê hương Nghệ An vốn được mệnh danh là “đất học”, ở độ tuổi từ 15 đến 18, đang sống với Cụ Phó bảng, mục tiêu của Nguyễn Tất Thành lúc này không có gì cao hơn việc học hành.
3.2. Nguyễn Tất Thành trước cơ hội du học Nhật bản
Trước năm 1905, Nguyễn Tất Thành được gia đình cho đi học chữ Hán với các thầy đồ Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và Trần Thân ở quê nhà Nghệ An. Từ tháng 7/1905 trở đi, Phong trào Đông Du đã khởi động ngay trên quê hương Nghệ An do chính cụ Phan Bội Châu – một người bạn rất thân của cụ Nguyễn Sinh Huy khởi xướng. Nhưng có một điều rất lạ là các con của cụ Phó bảng không một ai hưởng ứng phong trào Đông Du.
Theo Trần Dân Tiên, trong năm 1905, “Cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng anh không đi”[4]. Nguyễn Tất Thành không chọn con đường Đông Du thì đã rõ, nhưng sao Anh lại không chọn con đường này như nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước khác lúc bấy giờ?.
Trong sách Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử có ghi rằng, vào tháng 7/1905, “Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy đi gặp các sĩ phu ở vùng đó. Chính trong thời gian này, ông Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ đi xuất dương du học (phong trào Đông Du) nhưng không gặp”[5]. Vậy phải chăng anh không đi Nhật là do những người đi vận động không gặp?. Chắc hẳn là không phải vậy, bởi vì năm 1905, phong trào Đông Du chỉ mới bắt đầu, trong những năm sau đó mới phát triển mạnh mẽ, từ Bắc tới Nam mọi người điều biết. Với quan hệ giữa Cụ Nguyễn Sinh Huy với các yếu nhân của phong trào Đông Du, việc đưa Anh đi Nhật Bản có lẽ không có gì khó khăn.
Nguyễn Tất Thành không tham gia phong trào Đông Du như Trần Dân Tiên nói cũng không có gì là khó hiểu. Bởi vì ở độ tuổi 15, Anh không thể tự quyết định được một việc quan trọng như vậy, mà điều đó chắc hẳn phải do Cụ thân sinh của anh quyết định. Ông Nguyễn Hữu Hiếu rất có lí khi đưa ra nhận định rằng: “Sự việc Nguyễn Tất Thành không tham gia phong trào Đông Du cũng là một việc tất nhiên thôi. Vì ảnh hưởng của người cha đối với cậu trong thời điểm này là ảnh hưởng có tính quyết định”[6]. Vậy phải chăng Cụ Phó bảng đã có những dự tính khác về con đường học hành cho các con của mình?.
Cụ Nguyễn Sinh Huy không phản đối phong trào Đông Du, nhưng lại không cho các con của mình du học Nhật Bản và lại càng không có ý cho con của mình tiếp tục con đường Nho học vốn đã lỗi thời, mà đã có một quyết định khác: tháng 9/1905, Cụ đã gởi hai con trai của mình vào học trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh. Năm 1906, cụ Phó bảng vào Huế chờ bổ dụng, đưa Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành đi cùng và tiếp tục gởi vào học ở trường tiểu học Pháp – Việt ở Huế (1906 - 1907); đến năm 1908, Nguyễn Tất Thành vào học ở trường Quốc học Huế[7]. Từ tháng 9/1909, khi nhậm chức Tri huyện ở Bình Định, Cụ đã gởi Nguyễn Tất Thành đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (dạy tại trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn).
Như vậy, cụ Nguyễn Sinh Huy đã xác định cho các con của mình một con đường riêng trong việc học tập – đó là nền giáo dục Pháp – Việt. Đây là con đường mà nhiều Nho sĩ lúc bấy giờ thường không thích, bởi vì vào học ở các trường Pháp, phải học chữ Pháp và chữ quốc ngữ, bỏ chữ Nho, hơn nữa vì ghét Pháp, nên cũng ghét luôn cả văn minh Pháp, chữ Pháp và cả chữ quốc ngữ.
Đến với nền giáo dục Pháp, Nguyễn Tất Thành đã sớm có cơ hội tiếp xúc với những giá trị của nền văn minh Pháp, tạo tiền đề cho việc quyết định đi sang phương Tây của Anh sau này.
3.3. Đối với chủ trương của Cụ Phan Chu Trinh
Theo Trần Dân Tiên, Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận ra điều đó là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc rũ lòng thương”[8]. Tuy nhiên trong thực tế, những hoạt động của phong trào Duy tân cũng ít nhiều tác động đến Anh. Với tinh thần yêu nước sục sôi, sống trong bối cảnh phong trào Duy tân đang phát triển mạnh mẽ ở Trung kì, người thành niên tuổi 18 Nguyễn Tất Thành đã bị cuốn hút bởi phong trào này.
Ngày 12/4/1908, Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên, tham gia phong trào cắt tóc ngắn.... Vì tham gia cuộc đấu tranh này, Thành đã bị thực dân Pháp để ý theo dõi và Cụ Nguyễn Sinh Huy cũng bị khiển trách với lý do để cho con trai có những hoạt động bài Pháp.
Và cũng không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Tất Thành trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn (khoảng tháng 9/1910) lại dừng chân ở Phan Thiết và được nhận vào làm trợ giáo tại Trường Dục Thanh – một trường tư thục chịu ảnh hưởng của phong trào Duy tân do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907.
Hiện nay, một số tài liệu còn đề cập đến việc Nguyễn Tất Thành và cha đã gặp cụ Phan Chu Trinh ở Mĩ Tho trước khi cụ rời Việt Nam sang Pháp (4/1911): Giáo sư Huỳnh Lí, trong cuốn “Phan Châu Trinh: thân thế và sự nghiệp” viết rằng: “Một số tư liệu của mật thám mới phát hiện ở thư khố Pháp đã hầu như khẳng định anh đã cùng cha vào gặp Phan trước khi xuống tàu đi Pháp trước sau nhau chỉ vài tháng”[9].
Trong cuốn “Nguyễn Sinh Huy - Chân dung một nhà nho”, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu cũng dẫn ra một số tư liệu của Ban tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang, Bà Phan Thị Minh (cháu nội cụ Phan), của Vũ Kì, và đi đến kết luận: “trên đường vào nam tìm đường ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành không chỉ đến Sài Gòn mà còn cùng cha, ông Nguyễn Sinh Huy, xuống tận Mĩ Tho để gặp Phan Châu Trinh”[10].
Trong khoảng thời gian trước khi đến Paris (từ 1911 đến 1917), Nguyễn Tất Thành đã liên lạc nhiều lần với cụ Phan Chu Trinh bằng thư từ và đặc biệt khi đến Pa-ri, Anh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía cụ Phan. Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Tất Thành còn tham gia các hoạt động chính trị cùng với Cụ Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường trong thời kì đầu ở Pa-ri.
Qua những tư liệu trên cho thấy, tuy không thể định lượng được việc Phan Chu Trinh có ảnh hưởng đến mức nào đối với Nguyễn Tất Thành trước và trong quá trình đi sang phương Tây, nhưng cũng sẽ thiếu thuyết phục khi chúng ta khẳng định rằng chủ trương cứu nước Phan Chu Trinh không hề có bất kì một ảnh hưởng gì đối với những quyết định của Nguyễn Tất Thành trong giai đoạn từ 1908 đến 1920.
4. Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây
Trong cuốn “Hồ Chí Minh Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại”, GS. Trần Văn Giàu có viết: “định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất hồi đầu thế kỉ XX. Đi ngã nào mới tới đích?. Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sĩ lớn tuổi đi tìm ở hướng Đông (Nhật), rồi ở hướng Bắc (Tàu), thì thành niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu (1911)”[11]. Vậy thì cái quyết định đi sang châu Âu ấy được hình thành từ khi nào? và tại sao Nguyễn Tất Thành lại chọn phương Tây?
Thứ nhất, nền giáo dục Pháp – Việt và những giá trị của nền dân chủ phương Tây mà Nguyễn Tất Thành tiếp xúc được ở Việt Nam đã mang lại cho Anh những khát vọng hướng về phương Tây đầu tiên.
Ngay khi đang học ở trường tiểu học Pháp – Việt Vinh (1905), Nguyễn Tất Thành đã rất ấn tượng với khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng Pháp. Trong thời gian học tập ở Trường Quốc học Huế, Anh tiếp xúc với một số thầy giáo tiến bộ; trong thời gian ở Phan Thiết, Anh đọc được những tác phẩm của các nhà khai sáng Pháp như: Rút-xô, Vôn-te, Mông-tét-xki-ơ, những tư tưởng mới lạ ấy lại càng trở nên hấp dẫn hơn đối với Anh.
Sau này, khi trả lời một nhà báo Nga, Nguyễn Tất Thành nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[12]. Vậy là cái khát vọng tìm hiểu về tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp đã hình thành nên ý định đi sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành.
Thứ hai, đến năm 1910, các xu hướng khác nhau trong phong trào yêu nước cũng đã đi vào ngõ cụt: Phong trào Đông Du bị Nhật giải tán năm 1908, Phong trào Yên Thế tuy còn, nhưng ngày càng suy yếu, Phong trào Duy Tân cũng bị dập tắt sau vụ chống thuế ở Trung Kì (1908). Trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc lại rơi vào tình trạng khủng hoảng, vấn đề định hướng cho phong trào cứu nước lại được đặt ra một cách cấp thiết.
Trong bài trả lời một nhà văn Mỹ, Nguyễn Tất Thành viết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”[13]. Riêng đối với cụ Phan Chu Trinh, sau khi được Pháp đưa về đất liền từ Côn Đảo (1910), biết không thể tiếp tục hoạt động ở trong nước, Cụ đã xin đi sang Pháp, mặc dù vẫn biết“ấy là bước đầu. Còn bao nhiêu công việc khác sẽ tùy tình thế mà hạ con cờ, không thể nói trước được”[14].
Đến lúc này, Nguyễn Tất Thành đã ở tuổi trưởng thành và thời gian sống ở Sài Gòn đã giúp Anh đã tận mắt chứng kiến những thành tựu của nền văn minh phương Tây, thấy được sức mạnh của Pháp và đồng thời cũng thấy được rõ nét hơn về tình trạng lạc hậu, suy yếu của dân tộc Việt Nam. Muốn giải phóng dân tộc, trước hết cần phải hiểu biết rõ nền văn minh phương Tây và muốn hiểu rõ nền văn minh phương Tây thì không có cách nào tốt bằng đến phương Tây. Khát vọng đi sang phương Tây để hiểu rõ tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” và nền văn minh phương Tây càng được nung nấu hơn trong anh.
Và cuối cùng, ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng, đi sang Pháp với một mục đích rất rõ ràng lúc này là: “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[15].
4. Kết luận
Trong bối cảnh phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX bị phân tán thành nhiều xu hướng khác nhau, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy đã không cho các con đi du học Nhật bản theo phong trào Đông Du, cũng không cho học trường Đông Kinh nghĩa thục, lại càng không tiếp tục con đường Nho học lỗi thời mà đã quyết định cho các con vào học ở hệ thống trường Pháp – Việt. Quyết định này đã mang đến cho Nguyễn Tất Thành cơ hội tiếp cận những giá trị tư tưởng dân chủ tiến bộ của phương Tây, bị cuốn hút bởi tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái”, bởi sức mạnh của nền văn minh phương Tây.
Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, Nguyễn Tất Thành không thể ngồi yên trên ghế nhà trường, tinh thần yêu nước nồng nàn và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã lôi cuốn anh vào các hoạt động yêu nước của phong trào Duy tân ở Huế, rồi lại đến với Trường Dục Thanh – một trường học chịu ảnh hưởng của phong trào Duy tân. Quá trình dấn thân đó đã làm cho tinh thần yêu nước trong anh không ngừng trưởng thành.
Và một lần nữa, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không thể ngồi yên trên quê hương mình để nhìn cảnh đồng bào mình bị đọa đày, đau khổ, Anh đã quyết định rời tổ quốc, đi sang phương Tây để tìm hiểu sức mạnh của nền văn minh phương Tây, học hỏi phương Tây, từ đó tìm ra một giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Bội Châu (1973), Phan Bội Châu niên biểu (Hồi kí của Phan Bội Châu), Nhóm nghiên cứu sử địa xuất bản, Sài Gòn.
2. Ép-ghê-nhi Cô-bô-lép (1985), Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên) (1996), Tư tưởng Hồ Chí Minh với con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội.
4. GS. Trần Văn Giàu (2010), Hồ Chí Minh Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
5. GS. Trần Văn Giàu (2010), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập 3 (Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Hữu Hiếu (2005), Nguyễn Sinh Huy – Chân dung một nhà nho, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp.
7. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Lí luận Chính trị, Hà Nội.
8. Đỗ Quang Hưng (2001), Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh, Nxb Lao Động, Hà Nội.
9. Huỳnh Lý (1993), Phan Châu Trinh: thân thế và sự nghiệp, Nxb Đà Nẵng.
10. Trần Dân Tiên (2001), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Thu Trang (1991), Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917 – 1923, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
12. Viện Hồ Chí Minh (1992), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 1 (1890 - 1930), Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội. [1] GS. Trần Văn Giàu (2010), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập 3 (Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, trang 19.
[2] Trần Dân Tiên (2001), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 16 – 17.
[3] Trần Dân Tiên (2001), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 17.
[4] Trần Dân Tiên (2001), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 16 – 17.
[5] Viện Hồ Chí Minh (1992), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 1 (1890 - 1930), Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội, trang 32.
- Trong trang 32 của cuốn Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 1 có ghi chú như sau: “trong cuốn hồi kí Mười bốn năm hải ngoại của Trần Trọng Khắc (Nguyễn Thức Canh) có đoạn “..... Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, rủ anh Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không gặp được”.
- Cũng vấn đề này, trong cuốn “Đồng chí Hồ Chí Minh”, NXB Thanh Niên của Ép-ghê-nhi Cô-bô-lép, từ trang 38 đến trang 40 đã viết rằng đích thân Cụ Phan Bộ Châu đến nhà vận động, nhưng chỉ gặp Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành, còn Cụ Phó bảng không có nhà. Nguyễn Tất Đạt lấy lí do là Cha không có nhà nên hai anh không thể quyết định được và từ chối lời đề nghị của Cụ Phan.
[6] Nguyễn Hữu Hiếu (2005), Nguyễn Sinh Huy – Chân dung một nhà nho, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, trang 85.
[7] Theo cuốn “Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử” tập 1 (1890 - 1930) của Viện Hồ Chí Minh, Nxb Thông tin lí luận, thì Nguyễn Tất Thành vào học ở trường Quốc học Huế vào tháng 9/1907.
Tuy nhiên, theo thư của Sô-kê, Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế ngày 7/8/1908, phúc đáp thư yêu cầu của Khâm sứ Trung Kì ngày 04/8/1908 về lai lịch của Nguyễn Sinh Côn (Tất Thành) cho thấy, Nguyễn Tất Thành được chấp nhận vào học Trường Quốc học Huế từ tháng 9/1908 (sau việc anh tham gia phong trào chống thuế ở Huế).
[8] Trần Dân Tiên (2001), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 16 – 17.
[10] Nguyễn Hữu Hiếu (2005), Nguyễn Sinh Huy – Chân dung một nhà nho, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, trang 111.
[11] GS. Trần Văn Giàu (2010), Hồ Chí Minh Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, trang 21.
[12] Viện Hồ Chí Minh (1992), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 1 (1890 - 1930), Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội, trang 47.
[13] Viện Hồ Chí Minh (1992), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 1 (1890 - 1930), Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội, trang 47.
[15] Trần Dân Tiên (2001), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 18.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét