Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2006
THÔNG TƯ
Hướng dẫn viết hoa và phiên chuyển tên riêng, thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư; Bộ Nội vụ hướng dẫn quy tắc viết hoa, phiên chuyển tên riêng và thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt.
I. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn quy tắc viết hoa, phiên chuyển tên riêng và thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt trong văn bản quản lý nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này được áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế Nhà nước và đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).
3. Nguyên tắc chung:
2.1.1. Viết hoa trong văn bản quản lý nhà nước phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đúng cách viết thông dụng trong chính tả tiếng Việt phổ thông;
- Phù hợp với xu hướng viết hoa phổ biến trong xã hội hiện nay và được các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chấp nhận trên cơ sở hợp lý và nhất quán;
- Giảm tối đa các chữ viết hoa, ngoại trừ trường hợp vì mục đích tu từ;
- Thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản.
2.1.2. Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết dùng biểu thị sự bắt đầu của một câu, có tác dụng phân đoạn về mặt cú pháp:
- Sau dấu chấm câu (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu chấm lửng (…), sau dấu hai chấm, trong ngoặc kép (: “…”);
- Sau dấu chấm phảy (;) xuống dòng trong trường hợp các căn cứ để ra nghị định, quyết định.
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
2.1. Viết hoa tên người:
- Tên người Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán – Việt) bao gồm tên thật, tên tự, tên hiệu,... đều viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng gạch nối. Ví dụ: Trần Quốc Tuấn; Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên.
- Một số tên gọi vua chúa, quan lại, trí thức Việt Nam, Trung Quốc thời phong kiến được cấu tạo theo kiểu danh từ chung (đế vương, hoàng hậu, tông, tổ, hầu, tử, phu tử, vv.) kết hợp với danh từ riêng thì viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết, ví dụ: Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương, Lạc Long Quân, Bố Cái Đại Vương, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Phù Đổng Thiên Vương, Khổng Tử, La Sơn Phu Tử, v.v…
- Một số tên người Việt Nam cấu tạo bằng một danh từ chung (ví dụ: ông, bà, thánh, cả hoặc từ chỉ học vị, chức tước, v. v...) kết hợp với một danh từ riêng dùng để gọi, làm biệt hiệu,... thì danh từ chung đó được viết hoa. Ví dụ: Bà Trưng, Ông Gióng, Cả Trọng, Đề Thám, Lãnh Cồ, Cử Trị, Nghè Tân, Trạng Lường, Đồ Chiểu, Tú Xương, Đội Cấn, v. v...
- Tên người trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng gạch nối, Ví dụ: Lò Văn Bường, Giàng A Páo, Y Niêm, A Ma Pui, v. v...
2.2. Viết hoa tên địa lý
2.3.1. Tên địa lý Việt Nam và tên địa lý đọc theo âm Hán - Việt viết hoa các chữ đầu của âm tiết và không dùng gạch nối, ví dụ: Hà Nội, Trung Quốc, Trường Giang, v.v...
1.3.2. Địa danh Việt Nam cấu tạo bằng cách kết hợp danh từ chung (biển, cửa, bến, vũng, lạch, vàm, buôn, bản, v. v…) với danh từ riêng (thường chỉ có một âm tiết thì viết hoa tất cả các chữ đầu tạo nên địa danh đó, ví dụ: Cửa Lò, Bến Nghé, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Vàm Láng, Buôn Hồ, Bản Keo, Sóc Trăng, v. v…
2.3.3. Tên địa lý của các dân tộc thiểu số Việt Nam viết hoa theo tiếng Việt và trong từng trường hợp cụ thể có thể ghi chú tên dân tộc trong ngoặc đơn , ví dụ: Đắc Lắc (Đăk Lăk), Bắc Cạn (Bắc Kạn).
2.3. Từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng hoặc một từ chung đơn tiết nào đó dùng để chỉ một vùng, một miền, một khu vực nhất định thì viết hoa tất cả các thành phần của nó, ví dụ: Tây Bắc Kỳ, Đông Nam Kỳ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Hà, Nam Hà, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đông Nam Bộ, Trường Sơn Tây, Bắc Bán Cầu, Nam Bán Cầu, Bắc Cực, Trung Phi, Cận Đông, khu Đông Bắc, vùng Tây Nam, quan hệ Đông - Tây, đối thoại Bắc - Nam, các nước phương Đông, văn học phương Tây, vv…
2.4. Tên các tổ chức:
- Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết chỉ tính chất, chức năng, nhiệm vụ tạo thành tên riêng của tổ chức. Ví dụ: Chính phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà Xuất bản Từ điển bách khoa, Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nước Cộng hoà Hồi giáo Pakixtan, vv…
2.5. Tên gọi các huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự,... viết:
huân chương Độc lập, Sao vàng, Cờ đỏ, Lênin, Hồ Chí Minh; huân chương Quân công, Chiến công, Kháng chiến, Chiến sĩ vẻ vang; Kỷ niệm chương; Tổ quốc ghi công; Bảng vàng danh dự; giải thưởng Nhà nước; danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, vv…
2.6. Tên chức vụ, học vị chung không viết hoa, ví dụ: tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, đại sứ, thái thú, tổng đốc, tiến sĩ, cử nhân, viện sĩ,... (trừ một số trường hợp đặc biệt vì mục đích tu từ: viết hoa danh từ chỉ chức vụ cấp cao, ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,…)
2.7. Một số trường hợp khác
- Viết hoa một số danh từ chung để tỏ ý tôn kính như: Tổ quốc, Đảng, Chính phủ, Đại hội Đảng,…
- Viết hoa tên các ngày lễ lớn trong nước và quốc tế, ví dụ: Quốc khánh, Quốc tế lao động;
- Từ chỉ số trong những đơn vị là tên gọi các sự kiện lịch sử: không viết bằng con số mà viết bằng chữ hoa. Ví dụ: Cách mạng tháng Tám, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười.
- Tên các tác phẩm, sách báo, văn kiện,... để trong ngoặc kép và viết hoa như sau:
+ Nếu tên người, tên địa lý, tên triều đại,... dùng làm tên tác phẩm thì viết hoa tên người, tên địa lý, tên triều đại đó, ví dụ: “Thạch Sanh”, “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Nghệ An” , “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt sử lược”, “Hậu Hán thư”, “Tam Quốc chí”, vv…
+ Ngoài các trường hợp trên, tên các văn kiện của Đảng, Nhà nước, các tác phẩm tiêu biểu chỉ viết hoa âm tiết thứ nhất, ví dụ: “Làm gì”, báo “Nhân dân”, tạp chí “Khảo cổ học”, “Dư địa chí”, “Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước”, “Văn kiện Đảng toàn tập”, v. v...
- Tên các năm âm lịch: viết hoa cả hai âm tiết. Ví dụ: năm Kỷ Tỵ, Cách mạng Tân Hợi, Cuộc chính biến Mậu Tuất, Tết Mậu Thân, v. v…
- Tên các ngày tiết và ngày tết: viết hoa âm tiết thứ nhất. Ví dụ: tiết Lập xuân, tiết Đại hàn, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết Nguyên đán.
- Tên gọi một số thời kỳ lịch sử, sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng: viết hoa âm tiết đầu. Ví dụ: thời kỳ Phục hưng, Chiến tranh thế giới I, phong trào Cần vương, Xô viết Nghệ Tĩnh.
- Tên gọi các tôn giáo, giáo phái viết bằng tiếng Việt hoặc Hán - Việt: viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết, ví dụ: Tin Lành, Cơ Đốc, Thiên Chúa, Hoà Hảo, Cao Đài, Bà La Môn, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Mật Tông, Thiền Tông, v. v... (Lưu ý: Nho giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Hồi, Hồi giáo); viết hoa tên các ngày lễ tôn giáo, ví dụ: Phục sinh, Chúa giáng sinh, Phật đản;
- Viết hoa danh từ riêng, ví dụ: con dế mèn và Dế Mèn phiêu lưu ký; phương tây (chỉ phía mặt trời lặn) và phương Tây (chỉ các nước đế quốc) và danh từ chung đã riêng hóa, ví dụ, Bác (chỉ Hồ Chủ tịch), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam);
- Viết hoa từ cần nhấn mạnh để nhấn mạnh, để làm nổi bật chủ đề, ví dụ “Các ủy ban phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ Cần, chữ Kiệm, chữ Hy Sinh, chữ Công Bằng thì các các ủy ban phải thực hành trước, phải làm gương cho nhân dân”
III. PHIÊN CHUYỂN TÊN RIÊNG VÀ THUẬT NGỮ TIẾNG NƯỚC NGOÀI
3.1. Nguyên tắc chung: phiên chuyển tên riêng nước ngoài bằng các âm, vần và chữ Việt dựa vào cách đọc trực tiếp của nguyên ngữ có thể biết được. Trường hợp chưa đọc được nguyên ngữ thì phiên chuyển gián tiếp qua ngôn ngữ khác.
3.1.1. Đối với các ngôn ngữ có chữ viết dùng hệ thống chữ cái Latinh (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, v.v…): phiên âm theo cách đọc trực tiếp các ngôn ngữ đó kèm theo chú thích nguyên dạng tên gốc đặt giữa hai ngoặc đơn (hoặc có bảng đối chiếu kèm theo).
Ví dụ: Camaguây (Tây Ban Nha: Camaguey), thành phố ở Cuba
Aizơnac (Đức: Eisenach), thành phố ở Đức.
Oelinhtơn (Anh: Wellington), thủ đô của Niu Zilân.
Vacsava (Ba Lan: Warszawa), thủ đô của Ba Lan.
Oasinhtơn (Anh: Washington), thủ đô của Hoa Kỳ.
Clintơn Jâuzip Đâyvixơn (Anh: Clinton Joseph Davisson), nhà vật lý học Hoa Kỳ.
3.1.2. Đối với các ngôn ngữ không dùng hệ thống chữ cái Latinh như các ngôn ngữ Arập, Triều Tiên, Lào: nếu chưa phiên âm được theo cách đọc trực tiếp thì phiên âm qua ngôn ngữ trung gian (tuỳ theo ngôn ngữ đó sử dụng tiếng Anh, Pháp hay tiếng khác) kèm theo chú thích ngôn ngữ trung gian giữa hai ngoặc đơn, ví dụ Niu Đêli (Anh: New Delhi), thủ đô của Ấn Độ; hoặc phiên qua dạng Latinh của ngôn ngữ đó (nếu có), ví dụ Maxcat (Masqat), thủ đô của Ôman (so sánh tiếng Pháp: Mascate).
3.1.3. Đối với tiếng Nga: phiên âm trực tiếp từ tiếng Nga, không nhược hoá lược bỏ trọng âm. Ví dụ: Lômônôxôp M.V. (Ломоносов M.B.) Tatiana (Татяна)
3.1.4. Đối với tiếng Hán: phiên âm theo âm Hán - Việt (có chú thích âm dạng Latinh của chữ Hán). Ví dụ: Đỗ Phủ (Du Fu), Bắc Kinh (Beijing).
Một số trường hợp không đọc theo âm Hán - Việt thì phiên theo âm dạng Latinh của tiếng Hán. Ví dụ: Alasan (Alashan), sa mạc ở phía Bắc Trung Quốc.
3.1.5. Đối với tên riêng nước ngoài đã quen dùng (nhất là phiên theo âm Hán - Việt) thì giữ nguyên. Ví dụ: Pháp, Anh, Mỹ, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Kim Nhật Thành,…
Tuy nhiên nếu có những thay đổi mới về tên riêng theo hướng phiên âm gần với nguyên ngữ (hoặc nước đó đã thay đổi tên gọi) thì sẽ phiên âm tên riêng nước ngoài theo cách mới, có chú thích nguyên ngữ và tên gọi cũ đặt trong ngoặc đơn. Ví dụ: Ôxtrâylia (cũ: Úc); Italia (cũ: Ý); Myanma (cũ: Miến Điện); Đôn Kihôtê (cũ: Đông Kisôt).
3.2. Viết tên riêng nước ngoài bằng chữ Việt: viết liền các âm tiết theo đơn vị từ, trừ một số trường hợp đặc biệt viết rời dùng dấu gạch nối giữa các âm tiết (ví dụ: Lu-i = Louis), không đánh dấu thanh điệu của tiếng Việt.
Ví dụ: Gôxen Xanvađo Alienđê (Tây Ban Nha: Gossen Salvador Allende); Hainơrich Bruyninh (Đức: Heinrich Bruning).
3.3. Bổ sung một số âm và tổ hợp phụ âm đầu từ, đầu âm tiết để phiên chuyển
3.3.1. Cấu tạo tổ hợp phụ âm đầu âm tiết gồm 2 phụ âm: br, khr, xc, đr, v. v… Ví dụ: Đruyông (Pháp: Druon); Xcaclati (Italia: Scarlatti).
3.3.2. Các phụ âm cuối vần, cuối từ vẫn giữ nguyên các phụ âm cuối tiếng Việt: n, m, p, l, c, ch, ng, nh, t. Ví dụ: Mađrit (Tây Ban Nha: Madrid); Aptaliông (Pháp: Aftalion).
3.3.3. Sử dụng bốn chữ cái F, J, W, Z (f, j, w, z) để:
- Viết các đơn vị đo lường, các ký hiệu quốc tế trong hoá học và khoa học tự nhiên, tên viết tắt các tổ chức quốc tế. Ví dụ: W = Oat, J = Jun, Fe = Sắt, WTO = Tổ chức Thương mại Thế giới.
- Phiên âm tên riêng (tên người, tên địa lý) nước ngoài. Ví dụ: Frăngxoa Busê (Pháp: François Bouchet), Jêm Biucanơn (Anh: James Buchanan).
3.4. Các cặp chữ cái i và y; ph và f; j và gi đều được dùng để phiên âm căn cứ vào nguyên ngữ: nguyên ngữ dùng chữ cái nào thì chuyển sang tiếng Việt dùng chữ cái tương ứng.
3.5. Một số trường hợp thêm ơ, ví dụ: Marơ (Marr), Tơroa (Troie).
3.6. Thuật ngữ phổ biến gốc tiếng nước ngoài cũng được phiên chuyển theo các nguyên tắc trên. Viết liền tránh việc dùng gạch nối, nhưng các âm tiết vẫn phải theo kết cấu ngữ âm Việt Nam, như atmôtphe, axêtilen, pôlivitamin, nơtơrôn, kilôgam, milimet.
Trong từng chuyên ngành và liên ngành cần sử dụng thuật ngữ chuyên ngành gốc đã dùng thống nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét