Thứ sáu, 23/11/2007, 15:58 GMT+7
Từ năm học 2006 - 2007, chương trình và sách giáo khoa lớp 10 phân ban mới đã chính thức được sử dụng đại trà trong cả nước. Tuy đã có một số điều chỉnh so với nội dung chương trình thí điểm, trong thực tế nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy vẫn cho rằng tình trạng quá tải vẫn còn rất nặng nề. Các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục đã đề xuất các biện pháp giảm tải.
Năm nguyên nhân chủ yếu
Nguyên nhân khách quan và chủ quan của tình trạng quá tải của chương trình lớp 10 phân ban được ThS. Phạm Phúc Vĩnh, Đại học sư phạm Đồng Tháp, thống kê lại như sau:
- Nội dung kiến thức của sách giáo khoa (bao gồm chương trình cơ sở và nâng cao) còn dài, nhiều chỗ nặng nề, hàn lâm, vượt quá khả năng nhận thức của nhiều đối tượng học sinh, trong khi thời gian để thực hiện chương trình lại có hạn.
- Một bộ phận giáo viên phổ thông chưa đáp ứng được những yêu cầu của việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, nên không thể chuyển tải hết những nội dung của chương trình đến học sinh.
- Áp lực của thi cử và thành tích làm phụ huynh học sinh buộc con em mình phải nhồi nhét học thêm, dẫn đến tình trạng căng thẳng, quá tải.
- Lương bổng thấp làm cho giáo viên không thể dồn hết tâm huyết cho việc giảng dạy, thêm vào đó là những điều kiện và phương tiện phục vụ giảng dạy thiếu thốn… làm cho việc thực hiện đổi mới phương pháp gặp nhiều khó khăn.
- Chủ trương thực hiện thống nhất một bộ sách giáo khoa cho toàn quốc và việc quản lý, tổ chức thực hiện chương trình quá cứng nhắc, áp đặt thiếu linh hoạt của nhà trường phổ thông đã làm cho nội dung của chương trình trở nên không phù hợp với khả năng tiếp nhận kiến thức đa dạng của người học.
ThS. Ngô Ngọc Thư, Sở giáo dục và đào tạo Phú Yên nhận định: “Nhìn tổng thể, nội dung chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn nặng nề với 16 môn học và 4 hoạt động dạy học. Trong tình hình còn thiếu giáo viên như hiện nay, việc dạy học đủ và đúng theo yêu cầu các bộ môn và hoạt động dạy học này không phải dễ. Có nơi, nhiều môn học được phó thác cho giáo viên chủ nhiệm nên kém hiệu quả”.
Về sách giáo khoa trung học phổ thông, ThS. Ngô Ngọc Thư cho rằng: “Trong giới hạn đời người, chúng ta không thể nào ghi nhớ hết mọi tri thức hiện có. Cho nên tham vọng về một sự đầy đủ, cho dù là tuyệt đối hay tương đối nào đó, cho sách giáo khoa là điều viễn vông!”.
Là một tác giả sách giáo khoa lớp 10 môn địa lý, PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, Đại học sư phạm TP.HCM, cũng phải nhìn nhận: “Tôi thấy việc xây dựng chương trình của chúng ta khác với các nước tiên tiến. Chương trình khung ở ta quá chi tiết. Chi tiết đến từng chương, từng bài, theo tôi là không cần thiết”. Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, tại Úc chương trình khung của họ không đề cập đến những nội dung cụ thể như ở Việt Nam, chương trình này do các giáo viên được giới thiệu tham gia thiết kế chương trình biên soạn, đó là một đề cương không quá chi tiết, nhưng lại bao gồm cả việc kiểm tra, đánh giá, giới thiệu kinh nghiệm giảng dạy và học tập, các điều kiện vật chất, tài liệu cần thiết… Các giáo viên ở trường phổ thông mới chính là người soạn các bài giảng cụ thể. Ở ta thì lại chú trọng quá mức vào sách giáo khoa, bám vào nó, vào sách hướng dẫn giáo viên để tổ chức dạy. Như vậy, nội dung chương trình được cố định, giáo viên chỉ khác nhau ở chỗ tổ chức như thế nào mà thôi.
Điều chỉnh để giảm tải
Theo ThS. Phạm Phúc Vĩnh, mô hình mới đang được nhiều trường trung học phổ thông quan tâm, đó là cho học sinh chọn ban cơ bản và được chọn nâng cao ở một vài môn theo năng lực, không phân biệt môn nâng cao đó thuộc ban nào. Đây là một hướng làm mới phát sinh, nhưng xem ra khá linh hoạt và thích hợp với thực tiễn. Nếu việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng được cải tiến theo hướng xét tuyển và căn cứ vào năng lực tương ứng với từng ngành học của thí sinh, thì mô hình này có khả năng trở thành phổ cập.
Tài năng của học sinh là rất đa dạng, không loại trừ bất kỳ một lĩnh vực nào, cho nên cần phải có chương trình nâng cao cho tất cả các lĩnh vực, các môn học để tất cả các học sinh có thể lựa chọn, tìm cơ hội phát triển. Đã có chương trình nâng cao, chương trình cơ bản thì cũng cần phải có chương trình dành riêng cho những học sinh yếu kém. Bởi vì trong thực tế lúc nào cũng có đối tượng này và đặc biệt hiện nay, số học sinh này không phải là ít.
Bên cạnh đó, để có thể tạo ra tính linh hoạt của chương trình lớp 10 phân ban nói riêng và chương trình trung học phổ thông phân ban nói chung, theo ThS. Phạm Phúc Vĩnh, cách làm tốt nhất là Bộ giáo dục và đào tạo chỉ cần ban hành chương trình và chuẩn kiến thức. Từ chương trình và chuẩn kiến thức đó, các tổ chức cá nhân nào có đủ điều kiện đều có thể đăng ký biên soạn sách giáo khoa. Cơ chế này sẽ tạo nên sự cạnh tranh để phát triển, sách giáo khoa sẽ không còn nhiều sai sót, luôn được cải tiến về chất lượng và giá thành cũng có được sự cạnh tranh. Khi đó, sách giáo khoa mới thật sự trở thành tài liệu tham khảo của giáo viên và học sinh. Trên cơ sở chương trình chuẩn của Bộ, các trường phổ thông chủ động lựa chọn sử dụng sách giáo khoa và thiết kế những bài dạy khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh cụ thể. O
Nguồn: http://khoahocphothong.trust.vn/newspaper/detail/2624/dieu-chinh-co-che-phan-ban-mot-bien-phap-giam-tai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét